Đào tạo liên thông: Vào vẫn khó hơn ra

Việc Bộ GD-ĐT mới đây đưa ra những quy định khắt khe trong hoạt động tuyển sinh và đào tạo liên thông (ĐTLT) là một bước quyết liệt để nâng cao chất lượng hệ đào tạo này. Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bùi Anh Tuấn khẳng định, quy định mới nhằm đưa hình thức đào tạo này về đúng bản chất của nó. Nhưng dư luận đang có một cuộc tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều.

 

thi lien thong, lien thong dai hoc, lien thong chinh quy, chi tieu lien thong, ha noi moi

Siết chặt có ngừng hỗn loạn?

Việc Bộ GD-ĐT siết chặt hệ ĐTLT được coi chỉ là vấn đề thời gian trước thực trạng nhức nhối của hệ đào tạo này trong nhiều năm trở lại đây. Từ năm 2008, sau khi các trường được giao quyền ĐTLT từ TCCN lên CĐ và từ CĐ lên ĐH, việc học liên thông đã trở nên rầm rộ và trở thành đường vòng dễ dàng cho người học đến với tấm bằng ĐH, chỉ phải bỏ ra nhiều thời gian hơn. Đồng thời, việc quản lý hệ đào tạo này cũng bị buông lỏng khiến dư luận xã hội gắn với sự dễ dãi và kém chất lượng. Nhiều trường chưa được phép đào tạo vẫn ngang nhiên tuyển sinh, chiêu sinh bằng cách vẽ ra hệ "cao đẳng thực hành", tự khẳng định "liên thông lên ĐH" trong thông báo tuyển sinh... Có cơ sở đào tạo đã khiến cả nghìn sinh viên "sập bẫy liên thông" bằng các chiêu lập lờ trong tuyển sinh. Trước những nhức nhối trên, Bộ GD-ĐT đã phải công bố rộng rãi danh sách 16 trường được giao nhiệm vụ ĐTLT từ hệ nghề lên ĐH, CĐ.

Trong bối cảnh đó, quy định mới của Bộ có nhiều yêu cầu chặt chẽ hơn cho các cơ sở muốn được ĐTLT. Các trường buộc phải có báo cáo tự đánh giá và triển khai kiểm định chất lượng, đồng thời có công bố chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo. Chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy của trường không được vượt quá 20% tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy hằng năm.

Gây nhiều chú ý hơn là những quy định đối với người học. Theo đó, để được học liên thông chính quy lên bậc cao hơn, người có bằng tốt nghiệp sau thời hạn 36 tháng kể từ ngày được cấp, phải dự thi 3 môn gồm: môn cơ bản, môn cơ sở ngành và môn chuyên ngành (hoặc thực hành nghề). Người có bằng chưa đủ 36 tháng sẽ phải dự thi tuyển trong kỳ thi ĐH, CĐ chính quy do Bộ GD-ĐT tổ chức hằng năm, như vậy đồng nghĩa với việc họ sẽ phải thi như học sinh mới tốt nghiệp THPT.

Thí sinh sẽ vào trường tư?

Với quy định mới, con đường "dễ đi" đã bị chặn lại với các thí sinh muốn thi ngay sau khi tốt nghiệp trung cấp nghề, TCCN, CĐ nghề và CĐ. Ở khía cạnh bảo đảm chất lượng, nhiều ý kiến đồng tình và cho rằng để có tấm bằng ĐH không thể đơn giản như bấy lâu nay và sẽ là bất công nếu đánh đồng tấm bằng của một sinh viên học tập vất vả để vượt qua kỳ thi ĐH với người chỉ cần mất thêm thời gian để vượt qua những kỳ thi dễ dàng.

Tuy nhiên nhiều sinh viên sắp tốt nghiệp và đang chuẩn bị thi liên thông lên bậc cao hơn tỏ ra bức xúc. Tâm lý chung của họ là lo lắng bởi kiến thức phổ thông đã rơi rụng gần hết, có rất ít thời gian chuẩn bị trước khi thi, giờ lại phải cạnh tranh với học sinh vừa học xong phổ thông, có nhiều thời gian ôn luyện. Những sinh viên CĐ cảm thấy 3 năm học ở bậc CĐ bị lãng phí vì không được công nhận kiến thức cho kỳ thi liên thông lên ĐH.

Liên quan đến việc phân luồng trong đào tạo, một chuyên gia đào tạo cho rằng: Trong các kỳ tư vấn tuyển sinh, chúng tôi vẫn động viên các thí sinh, rằng thi vào ĐH không phải là con đường duy nhất, các em có thể học theo hướng khác để sau này liên thông lên ĐH. Giờ thì con đường đó cũng bị chặn, thí sinh không còn nhiều "cửa" lựa chọn, thử hỏi phân luồng vào đâu! Liệu còn mấy thí sinh muốn học trung cấp, CĐ nghề nữa? Vị chuyên gia này cũng đưa ra quan ngại: Lâu nay, nhiều thí sinh quyết định học bậc CĐ công lập rồi thi liên thông lên ĐH thay vì học ĐH ở trường tư. Với quy định mới này, luồng thí sinh đó sẽ buộc phải quay sang học trường tư với mức học phí cao hơn rất nhiều, liệu điều đó có tước đi cơ hội học tập của nhiều người?

Tuy nhiên, không phải trường tư nào cũng lạc quan với khả năng le lói sẽ có thêm thí sinh chuyển hướng từ trường công lập. Mấy năm nay, do khó khăn về nguồn tuyển, nhiều trường đã phải đề nghị Bộ GD-ĐT cho chuyển chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy sang hệ liên thông hoặc vừa làm vừa học, sao cho tổng chỉ tiêu điều chỉnh không thay đổi. Thế nhưng theo quy định mới, chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy nằm trong chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy, chỉ tiêu tuyển sinh liên thông vừa làm vừa học cũng nằm trong chỉ tiêu tuyển sinh vừa làm vừa học của cơ sở giáo dục ĐH. Như đã nói ở trên, chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy không vượt quá 20% tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy hằng năm của các trường. Như vậy, các trường ngoài công lập cũng không thấy cơ hội có thể giúp đơn vị cải thiện tình hình từ sự mạnh tay của bộ đối với ĐTLT.

16 cơ sở được đào tạo liên thông

Các trường có ngành được đào tạo từ CĐ lên ĐH:

  • Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên có 8 ngành;

  • Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Nam Định (7 ngành)

  • Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh (5 ngành)

  • Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (6 ngành)

  • Trường ĐH Lao động xã hội (1 ngành)

  • Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội(5 ngành)

  • Trường ĐH Công nghệ Đông Á (2 ngành)

  • Trường ĐH Sao Đỏ (5 ngành)

  • Trường ĐH Duy Tân (3 ngành)

  • Trường ĐH Hàng hải(4 ngành)

  • Trường ĐH Hải Phòng (3 ngành).


Các trường có ngành được đào tạo liên thông từ TC lên CĐ, gồm: Trường CĐ Viễn Đông (3 ngành); Trường ĐH Trà Vinh (9 ngành); Trường CĐ Xây dựng số 1 (1 ngành). Ngoài ra, Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai có 2 ngành từ TC nghề liên thông lên CĐ và từ CĐ nghề liên thông lên ĐH. Trường CĐ Thương mại và du lịch Thái Nguyên có 2 ngành CĐ nghề liên thông sang CĐ.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn

Kenhtuyensinh

Theo: báo Hà Nội Mới