Tin liên quan
>> Bằng giả đại học: Cứ kiểm tra là phát hiện
>> Giáo viên xài bằng giả bị đình chỉ công tác hàng loạt
Từ cô giáo mầm non, cán bộ cấp xã đến cấp cao hơn đều “vô tư” xài bằng giả. Nhiều người bị phát hiện sử dụng bằng giả nhưng vẫn được thăng chức! Vấn nạn xã hội này thật đáng lo ngại
Chỉ khảo sát vài tỉnh ở ĐBSCL, chúng tôi đã thấy tình trạng sử dụng bằng giả tràn lan. Tại 2 tỉnh Tiền Giang và Long An, cơ quan chức năng kiểm tra bằng giả đến đâu là dính đến đó.
Đờn ca tài tử cũng có bằng đại học!
Mới đây, Công an TP Mỹ Tho - Tiền Giang đã xác minh và kết luận bà Trần Thị Thu Trang, giáo viên Trường Mầm non Thới Sơn, sử dụng bằng tốt nghiệp ĐH giả. Tháng 1-2011, Phòng GD-ĐT TP Mỹ Tho tuyển dụng bà Trang làm giáo viên tại Trường Mầm non Thới Sơn. Sau đó, có dư luận cho rằng bà Trang sử dụng bằng giả vì giáo viên này không hề học ĐH mà chỉ đờn ca tài tử phục vụ du khách ở Khu Du lịch Thới Sơn.
Thực tế, bà Trang đã mua bằng tốt nghiệp ĐH giả của một du khách với giá 20 triệu đồng. Sau đó, bà Trang gửi đơn xin việc nhiều nơi nhưng chỉ có Trường Mầm non Thới Sơn nhận. Phòng GD-ĐT TP Mỹ Tho đã ra quyết định buộc thôi việc bà Trang.
Cách nay không lâu, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy huyện Cái Bè - Tiền Giang đã thi hành kỷ luật về Đảng và chính quyền đối với 5 cán bộ chủ chốt của xã Mỹ Trung vì sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả. Đó là các ông Nguyễn Văn Giúp, phó bí thư thường trực Đảng ủy; ông Trần Hữu Phước, đảng ủy viên, trưởng công an xã; ông Lê Hoàng Rắc, đảng ủy viên, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy và ông Lê Văn Thương, đảng viên, phó công an xã. `
Huyện ủy huyện Chợ Gạo - Tiền Giang cũng đã kỷ luật ông Đỗ Thành Công, Chủ tịch UBND thị trấn Chợ Gạo, với hình thức khiển trách vì có hành vi “khoe” bằng tốt nghiệp THPT giả, trên đó ghi do Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre cấp. Ông Công đang theo học lớp ĐH từ xa nhưng chưa rõ đã dùng bằng tốt nghiệp THPT nào để đi học.
Mới đây, Đảng ủy Sở Công Thương tỉnh Long An đã xác minh trường hợp ông Nguyễn Thanh Tâm, đội phó Đội QLTT số 4, sử dụng bằng tốt nghiệp THPT (hệ bổ túc) bất hợp pháp. Ông Tâm đã bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo về mặt Đảng và cách chức đội phó Đội QLTT số 4.
Trên 600 trường hợp “có vấn đề” ở một tỉnh
Năm 2003, Ban Chỉ đạo Kiểm tra văn bằng, chứng chỉ tỉnh Cà Mau phát hiện tỉnh này có trên 600 trường hợp cán bộ sử dụng bằng cấp có vấn đề. Trong đó, nhiều cán bộ đảm nhiệm những chức vụ quan trọng đã bị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, đa số những người này vẫn cứ thăng quan tiến chức.
Năm 2003, ông Lâm Quang Gẫm bị phát hiện sử dụng bằng THPT giả nhưng vẫn có thời gian giữ chức cục trưởng Cục Thuế Cà Mau. Sau đó, vì không có bằng tốt nghiệp THPT nên ông Gẫm không được tái bổ nhiệm, đành chuyển sang làm chuyên viên. Tuy nhiên, “tạm lánh” không lâu, ông Gẫm lại được tiến cử làm chánh Văn phòng HĐND tỉnh Cà Mau đến nay!
Cũng như ông Gẫm, ông Nguyễn Thanh Mến, nguyên bí thư Huyện ủy huyện Ngọc Hiển, dù không học cấp 3 ngày nào nhưng vẫn được cấp bằng THPT kiểu “tình thương mến thương” khi đang làm lãnh đạo huyện này. Ông Mến chỉ bị phát hiện xài bằng giả khi đang giữ chức giám đốc Sở Xây dựng Cà Mau. Dĩ nhiên, ông Mến cũng không có chuyên môn về ngành xây dựng. Sau đó, ông Mến chỉ bị kỷ luật cảnh cáo và vẫn tại vị hết nhiệm kỳ rồi… “hạ cánh an toàn”!
Bà Trần Kim Phe, nguyên chánh án TAND huyện Cái Nước, khi đang theo học lớp ĐH luật hệ tại chức tại Cà Mau thì bị phát hiện sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả. Nay, bà Phe lại được bổ nhiệm làm trưởng Phòng Tổ chức - Hành chánh - Quản trị HĐND tỉnh Cà Mau trước sự ngỡ ngàng của những người cùng cảnh ngộ.
Trong khi đó, ông Trần Trọng Hữu, phó chánh án TAND tỉnh Cà Mau, từng bị TAND Tối cao quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách vì sử dụng bằng tốt nghiệp bổ túc THPT bất hợp pháp từ những năm 1999 - 2005. Điều lạ lùng là bằng ĐH luật của ông Hữu vẫn được công nhận và mới đây, ông được bổ nhiệm làm chánh án TAND tỉnh Cà Mau!
Trớ trêu nhất là trường hợp của ông Trần Thanh Nhàn, Trưởng Phòng Công tác đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau. Trước đây, ông Nhàn làm trưởng Cơ quan Thi hành án tỉnh Cà Mau, được Sở Tư pháp phân công nhiệm vụ thanh tra văn bằng, chứng chỉ của hệ thống Sở Tư pháp và TAND (thời điểm Sở Tư pháp còn quản lý ngành tòa án). Những người bị ông Nhàn thanh tra khi đó đã tố giác ông cũng sử dụng bằng tốt nghiệp THPT bất hợp pháp. Tố giác này là đúng sự thật, ông Nhàn bị rút về HĐND, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, sau đó, ông Nhàn lại được thăng chức trưởng Phòng Công tác đại biểu Quốc hội tỉnh cho đến nay.
Trên đây chỉ là kết quả khảo sát bề nổi về bằng giả ở vài tỉnh ĐBSCL. Một sự thật đáng xấu hổ. Nếu có một cuộc kiểm tra quy mô trên cả nước, sự thật chắc hẳn sẽ không thể tưởng tượng nổi!
Có thể bị phạt tù
Điều 267 Bộ Luật Hình sự quy định:
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm: a) Có tổ chức, b) Phạm tội nhiều lần, c) Gây hậu quả nghiêm trọng, d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 4 năm đến 7 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Như vậy, việc sử dụng bằng giả được xem là có hành vi “sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả”, tức là điều cấm. Tuy nhiên, để xác định người sử dụng bằng giả có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không thì phải xem xét mục đích của hành vi. Nếu mục đích đó “nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân” thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 điều 267 Bộ Luật Hình sự.
Những tin tức đang được quan tâm:
Tuyển sinh - thông tin tuyển sinh - xét tuyển, tỉ lệ chọi
Điểm thi đại học - điểm chuẩn đại học - điểm thi
Kênh Tuyển Sinh (NLD)