Xác định điểm trúng tuyển trong phương án tuyển sinh của đại học Phan Châu Trinh
I- Tiêu chuẩn xét tuyển vào ĐH Phan Châu Trinh: Gồm 05 tiêu chí
• Tiêu chí số 1: Điểm thi đại học theo đề thi 3 chung của Bộ GD&ĐT, có nhân hệ số đối với môn học tùy theo khối ngành mà thí sinh đăng ký.
• Tiêu chí số 2: Điểm thi tốt nghiệp phổ thông trung học, có nhân hệ số đối với môn học tùy theo khối ngành mà thí sinh đăng ký.
• Tiêu chí số 3: Kết quả điểm tổng kết 3 năm học phổ thông của thí sinh (theo học bạ phổ thông trung học).
• Tiêu chí số 4: Kết quả kiểm tra về khả năng tư duy của thí sinh (nhà trường tổ chức).
• Tiêu chí số 5: Kết quả phỏng vấn trực tiếp của Hội đồng tuyển sinh ĐH Phan Châu trinh về kiến thức tổng hợp, thái độ, kỹ năng, hành vi, sở thích,...của thí sinh.
Trong đó:
• Mỗi tiêu chí chiếm tỉ trọng 20% trong tiêu chuẩn xét tuyển, tương đương với 20 điểm. Tổng 05 tiêu chí: 100 điểm.
• Nhà trường sẽ chọn thí sinh có số điểm từ cao đến thấp, cho đến khi đủ chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường. Xét tuyển bậc Đại học trước, bậc Cao đẳng sau.
• Đối với những thí sinh có cùng số điểm thì xem xét thêm các yếu tố theo thứ tự sau đây: Các thành tích khác của thí sinh trong 3 năm học phổ thông, Kết quả tổng kết 3 năm học PTTH (Tiêu chí số 3), Thời gian nộp hồ sơ,…
II - Xác định điểm cho từng tiêu chí:
II.1 - Tiêu chí số 1: Điểm thi đại học
Xét trên kết quả thi đại học theo đề thi 3 chung do Bộ GD&ĐT tổ chức (Phiếu điểm), tính tổng điểm 3 môn thi trong đó có nhân hệ số 2 một môn tùy thuộc vào khối ngành mà thí sinh dự tuyển. Cụ thể như sau: TT | Khối ngành dự tuyển | Môn thi đại học nhân hệ số 2 (Thí sinh được chọn 1 trong các môn) |
1 | Khối ngành kinh tế, quản lý | Toán, Vật lý hoặc Hóa học |
2 | Khối ngành khoa học xã hội | Ngữ văn, Lịch sử, Địa Lý hoặc Ngoại ngữ |
• Tổng điểm thi đại học 3 môn có giá trị từ 0 đến 40 (do có 1 môn nhân hệ số 2). Không xét điểm ưu tiên, điểm cộng.
• Quy đổi tổng điểm thi đại học ra thang điểm 20 theo công thức: Tổng điểm thi đại học * 20/40
II.2 - Tiêu chí số 2: Điểm thi tốt nghiệp PTTH
• Năm 2013, thi tốt nghiệp PTTH gồm 6 môn. Trong đó có 3 môn chính thức: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và 3 môn còn lại được dự đoán là: Vật Lý, Sinh học, Lịch sử. Dù thi môn nào cũng không ảnh hưởng đến việc định lượng ở tiêu chí số 2.• Tính tổng điểm 6 môn thi tốt nghiệp PTTH, trong đó Nhân hệ số 2 đối với 1 trong 6 môn tùy thuộc vào từng khối ngành mà thí sinh dự tuyển vào trường. Cụ thể như sau:
TT | Khối ngành dự tuyển | Môn thi đại học nhân hệ số 2 (Thí sinh được chọn 1 trong các môn) |
1 | Khối ngành kinh tế, quản lý | Toán, Vật lý, Sinh học hoặc Hóa học |
2 | Khối ngành khoa học xã hội | Ngữ văn, Lịch sử, Địa Lý hoặc Ngoại ngữ |
• Tổng điểm thi tốt nghiệp 6 môn có giá trị từ 0 đến 70 (có 1 môn nhân hệ số 2)
• Quy đổi tổng điểm thi tốt nghiệp PTTH ra thang điểm 20 theo công thức: Tổng điểm thi tốt nghiệp PTTH * 20/70
II.3 - Tiêu chí số 3: Kết quả tổng kết 3 năm học PTTH
• Xét học bạ PTTH của thí sinh: Lấy tổng điểm tổng kết trung bình chung từng năm của 3 năm lớp 10, 11 và 12.
• Quy đổi tổng điểm tổng kết 3 năm học (có giá trị từ 0 đến 30) ra thang điểm 20 theo công thức: Tổng điểm tổng kết 3 năm học * 20/30
( Xem thêm về Thông tin tuyển sinh trường đại học Phan Châu Trinh )
II.4 - Tiêu chí số 4: Kết quả kiểm tra về khả năng tư duy
• Nhà trường tổ chức kiểm tra khả năng tư duy của thí sinh dưới hình thức bài kiểm tra viết trong vòng 90 phút. Điểm kiểm tra khả năng tư duy từ 0 đến 20.
• Nội dung kiểm tra gồm 2 phần, tổng cộng 20 điểm.
- Phần 1: Kiểm tra chỉ số thông minh (IQ): 30 phút, 10 điểm
- Phần 2: Bài luận về ngành dự tuyển: 60 phút, 10 điểm
II.5 - Tiêu chí số 5: Kết quả phỏng vấn trực tiếp
• Tổ chức phỏng vấn trực tiếp thí sinh tại trường ĐH Phan Châu Trinh ngay sau khi kiểm tra khả năng tư duy. Thời gian phỏng vấn: 10 - 15 phút/thí sinh. Điểm phỏng vấn: từ 0 đến 20.
• Nội dung phỏng vấn: liên quan đến việc xác định khả năng của thi sinh về kiến thức tổng hợp, thái độ, kỹ năng, hành vi, sở thích,.... Qua đó phát hiện những tố chất, khả năng đặc biệt của thí sinh để nhà trường hỗ trợ, nâng đỡ và phát huy những năng lực đặc biệt riêng của mỗi thí sinh sau này.
III - Ví dụ cụ thể:
Thí sinh A, vừa tốt nghiệp tại trường PTTH X, nộp đơn xét tuyển vào chuyên ngành Văn hóa – Du lịch của ĐH Phan Châu Trinh.• Điểm thi Đại học khối C: Ngữ văn: 7, Lịch sử: 3, Địa lý: 3 (Thí sinh tự chọn môn Ngữ văn để nhân hệ số)
• Điểm thi tốt nghiệp: Ngữ văn: 7, Toán: 6, Ngoại ngữ: 8, Vật Lý: 6, Sinh học: 5, Lịch sử: 6. (Thí sinh tự chọn môn Ngoại ngữ để nhân hệ số)
• Kết quả tổng kết 3 năm học phổ thông: Lớp 10: 5,5; Lớp 11: 5,9; Lớp 12: 6,2
• Kết quả kiểm tra tư duy tại trường ĐH Phan Châu Trinh: IQ: 7; Bài luận: 9
• Kết quả phỏng vấn: 16 điểm
Cách tính điểm của thí sinh A như sau:
TT | Tính điểm các tiêu chí xét tuyển | Điểm |
1 | Tiêu chí số 1 = (7*2 + 3 + 3) * 20/40 = | 10,00 |
2 | Tiêu chí số 2 = (7 + 6 + 8*2 + 6 + 5 + 6) * 20/70 = | 13,14 |
3 | Tiêu chí số 3 = (5,5 + 5,9 + 6,2) * 20/30 = | 11,73 |
4 | Tiêu chí số 4 = 7 + 9 = | 16,00 |
5 | Tiêu chí số 5 = 16 | 16,00 |
| Tổng cộng | 66,87 |
Vậy thí sinh A được 66,87 điểm. Số điểm này sẽ được xếp thep thứ tự từ cao xuống thấp. Nhà trường sẽ chọn thí sinh có thứ tự thứ nhất (thủ khoa) đến thứ tự số 400 vào học đại học; từ 401 đến 600 vào học cao đẳng.
Phương án này do Trường ĐH Phan Châu Trinh gửi đến Báo Giáo dục Việt Nam qua email, ở dạng đề án chờ Bộ GD&ĐT duyệt, chưa phải phương án được triển khai thực tế.
Theo Báo giáo dục Việt Nam