Phương án tuyển sinh 2017 là bản hoàn thiện của năm 2016

Phương án tuyển sinh 2017 là bản hoàn thiện của năm 2016

Về cơ bản, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, phương án tuyển sinh năm 2016 được dư luận đồng tình và cho thấy nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn phương án này, Bộ GD&ĐT đã lập tổ công tác, lấy ý kiến xã hội và đưa ra phương án tuyển sinh năm 2017.

"Đây là phương án mang tính kế thừa của năm 2016 và hoàn thiện hơn với hi vọng thu về kết quả tốt hơn", Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh trong buổi họp báo trước thềm năm học mới 2016-2017.

Cụ thể, về công tác tổ chức thi, năm 2016, có 2 cụm gồm địa phương (Sở GD&ĐT) và trường Đại học. Tuy nhiên, theo nhận định, các địa phương hoàn toàn có thể tự tổ chức nên năm 2017 sẽ "gom" lại thành 1 cụm.

Về đề thi, năm 2016, đề thi được đánh giá là tương đối tốt, nghiêm túc dẫu vậy, vẫn có những nhận xét học sinh học lệch, học tủ. Năm 2017, Bộ GD&ĐT sẽ áp dụng công nghệ thông tin để ra đề trắc nghiệm tổng hợp kiểm tra kiến thức bao quát. Theo đó, thí sinh sẽ làm bài thi trắc nghiệm tổng hợp đối với môn toán, khoa học xã hội, khoa học nhân văn. Việc thi trên giấy, chấm thi trên máy sẽ giúp khắc phục vấn đề chưa chuẩn xác trong chấm thi khi giữa các giáo viên vẫn có sự du di về điểm số nhất định và tình trạng học lệch của học sinh.

Ngoài ra, một số vấn đề khác giữ nguyên như phương án năm 2016. Đây vẫn là một kỳ thi – hai mục đích: kết quả thi THPT Quốc gia vừa xét công nhận tốt nghiệp vừa xét tuyển vào các trường Đại học.

Phương án thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển Đại học năm 2017 không phải là thí điểm hay hoàn toàn mới mà là kết quả của 3 năm thực hiện bài thi đánh giá năng lực, đồng thời khắc phục bất cập trong xét tuyển như thí sinh có 2 trường - 2 nguyện vọng, thông tin chưa được cập nhật thường xuyên trong quá trình xét tuyển… Năm tới, Bộ sẽ có phần mềm để thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng.

Về thí sinh ảo gây hoang mang trong đợt xét tuyển vừa qua, Bộ GD&ĐT và các trường sẽ phải xem xét lại về chỉ tiêu tuyển sinh. Năm 2016, Các trường đều muốn đưa ra chỉ tiêu cao hơn so với năng lực đào tạo.hiện có nên hiện tượng "ảo" trong xét tuyển bắt đầu từ cái "ảo" về chỉ tiêu. Vì vậy, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng chỉ tiêu và chất lượng không khớp với nhau.

"Năm 2017, Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ thông tin dự báo ngành nghề để các trường tham khảo, nắm bắt được nhu cầu thị trường lao động hiện nay. Năm 2016 đã có những ưu điểm và phương án năm 2017 sẽ hoàn thiện cho tốt hơn, không có chuyện mỗi năm một phương án khác nhau", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.


Điểm chuẩn 2016


Theo VTV