Phương án thi mới đòi hỏi sự thay đổi cách dạy, cách học

Tất yếu phải thay đổi phương pháp dạy học

Theo phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 và những năm tiếp theo, nội dung thi và đề thi có những thay đổi rất rõ theo hướng phân loại năng lực HS. Điều này tác động đến việc thay đổi phương pháp dạy học; hình thức, nội dung của công tác kiểm tra, đánh giá năng lực HS trong nhà trường hiện nay. Ý kiến của ông về điều này như thế nào?

Từ việc thay đổi phạm vi nội dung thi và hướng ra đề thi THPT quốc gia 2017, buộc các nhà trường phải thay đổi phương pháp dạy học (PPDH) và phương pháp kiểm tra đánh giá (KTĐG) theo tinh thần học gì thi đó. Vì vậy, theo tôi thay đổi quan trọng nhất, cơ bản nhất vẫn là cách dạy của giáo viên (GV) và cách học của HS theo nguyên tắc của dạy tự học. Tiếp đến là kỹ năng làm bài KTĐG theo hình thức trắc nghiệm khách quan (TNKQ).

Từ chỗ học trọng tâm, trọng điểm những gì thường ra đề kiểm tra, đề thi chuyển sang học rộng, học chắc chắn, học để hiểu và nắm đúng bản chất vấn đề chứ không còn học tủ, học thuộc lòng. Việc thay đổi PPDH phải hướng đến dạy HS phương pháp và kỹ năng tự học theo nguyên tắc của dạy tự học. Còn sự thay đổi hình thức thi từ tự luận sang TNKQ ở các môn Toán, Sử, Địa, Giáo dục công dân chỉ là sự thay đổi về cách thức làm bài. Đối với các câu hỏi TNKQ ở mức độ thông hiểu, vận dụng thì buộc HS vẫn phải giải kiểu tự luận mới tìm được phương án trả lời đúng nhất nên các em cần được rèn luyện thêm kỹ năng làm bài nhanh là có thể thích ứng được. Bởi với yêu cầu của đề thi như Bộ GD&ĐT công bố trong phương án thì chỉ có HS thực sự giỏi, xuất sắc mới làm được điểm 9, 10.

Điểm mới và khó nhất trong đề thi TNKQ theo phương án thi mới là nhiều câu hỏi với thời gian làm bài ít hơn so với trước đây. Ví dụ 3 môn thành phần trong 2 bài thi tổ hợp KHTN và KHXH: Mỗi môn có 40 câu hỏi TNKQ làm trong vòng 50 phút là một áp lực, thách thức lớn đối với các em HS muốn có điểm từ 8 đến 10. Muốn kiếm điểm khá, giỏi thì HS phải có kỹ năng giải nhanh, tốc độ làm bài cực nhanh, tư duy tốt, bản lĩnh thi cử vững vàng.

Thực hiện thay đổi cách dạy, cách học và kiểm tra, đánh giá quá trình dạy học vừa nhằm hướng đến đạt kết quả cao trong Kỳ thi THPT quốc gia, vừa thực hiện mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và hướng đến đổi mới dạy và học theo đúng tinh thần Nghị quyết 29. Vậy để thực hiện được mục tiêu đó, theo ông cần có những giải pháp cụ thể nào để thực hiện đổi mới cách dạy, cách học và công tác kiểm tra, đánh giá ở nhà trường?

Nói là các yêu cầu để thực hiện đổi mới cách dạy, cách học và kiểm tra, đánh giá thì đúng hơn. Cá nhân tôi cho rằng, có 4 việc phải làm và làm cho được, đó là: Điều chỉnh lại chương trình bộ môn và tài liệu học tập tương thích với yêu cầu đổi mới; đội ngũ nhà giáo phải biết cách dạy tự học, dạy tích hợp; các tổ bộ môn xây dựng được ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm khách quan và đề thi chất lượng; các nhà trường làm tốt công tác hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp cho HS. Nếu hoàn thành được các mục tiêu này sẽ bồi dưỡng, phát triển được một số năng lực nghề nghiệp cho GV.

Các giải pháp cụ thể

Cả 4 việc cần thiết ông nêu trên đều là những yêu cầu, nhiệm vụ lớn cần thực hiện không chỉ riêng trong năm học này để phục vụ cho Kỳ thi THPT 2017. Theo ông, việc triển khai nên theo hướng nào để đạt được kết quả hữu hiệu nhất?

Mỗi mục tiêu nói trên, đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể và chắc chắn Bộ GD&ĐT cũng đã tính đến và đang có hướng xây dựng lộ trình thực hiện. Về quan điểm cá nhân, tôi xin đề xuất cụ thể thế này:

Thứ nhất, điều chỉnh lại chương trình bộ môn, tái cấu trúc lại tài liệu dạy học hiện hành theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất HS là điều kiện cốt lõi để thực hiện tinh thần Nghị quyết 29 và xu hướng đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay của Bộ GD&ĐT. Trong đó cần tập trung xây dựng các chuyên đề dạy trên cơ sở chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình, liên kết được các bài dạy đơn lẻ thành từng mảng vấn đề mang tính logic, hệ thống phù hợp với đối tượng HS, bỏ hẳn các kiến thức hàn lâm, thay vào đó là thêm phần thực hành, luyện tập, các tình huống thực tiễn để HS vận dụng.

Thứ hai, chất lượng đội ngũ GV là nhân tố cơ bản làm thay đổi cách học, phát huy sở trường và khắc phục các sai sót trong quá trình học tập của HS. Đổi mới PPDH theo nguyên tắc dạy tự học, dạy học phân hóa, nghĩa là dạy học theo năng lực HS, biến những kiến thức trong sách vở thành những năng lực của mỗi con người, để các em có thể làm được cái gì đó.

Để làm tốt việc này, điểm mấu chốt là GV phải thiết kế được các chuyên đề hoặc chủ đề dạy học hợp lý, sáng tạo theo nhóm bài hay nhóm vấn đề vừa đảm bảo tính logic trong tư duy tiếp nhận vừa tiết kiệm thời lượng dạy lý thuyết để tăng cường thêm các tiết thực hành, luyện tập cho các em. Tập trung vào PPDH dự án, dạy học theo chủ đề theo hướng dạy tích hợp cả kiến thức và kỹ năng để phát triển năng lực cho HS.

Thứ ba, xây dựng được ngân hàng câu hỏi TNKQ và đề thi chất lượng ở các tổ chuyên môn. Muốn dạy tốt môn học trước tiên bản thân thầy cô giáo phải xây dựng được bộ câu hỏi KTĐG quá trình học tập của HS. Để làm được việc này cần có sự hợp tác của các GV trong tổ bộ môn, sự chỉ đạo của nhà trường và các tổ trưởng. Trong điều kiện tài liệu dạy học vẫn cũ, chương trình bộ môn vẫn cũ, để đáp ứng với mục tiêu dạy học phát triển năng lực HS thì buộc mỗi nhà giáo phải điều chỉnh lại chương trình và thiết kế lại các chương, mục kiến thức trong tài liệu học tập của HS (tức là sách giáo khoa hiện hành) kết hợp với các tài liệu liên quan khác để xây dựng nguồn học liệu mới cho HS, phù hợp với năng lực HS và yêu cầu đổi mới nội dung dạy học hiện nay. Đặc biệt là thiết kế và xây dựng được ngân hàng câu hỏi KTĐG trong quá trình dạy học của GV, đây là điều kiện cơ bản để điều chỉnh lại nội dung dạy học theo yêu cầu đổi mới.

Thứ tư, các thầy cô giáo phải làm tốt công tác hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp cho HS: Hiện nay, ngoài các khối thi truyền thống đã xuất hiện nhiều tổ hợp môn thi mới, điều này thể hiện trong Đề án tuyển sinh 2017 của các trường đại học công bố. Vì thế, GV bộ môn cần hướng nghiệp cho HS trong quá trình dạy: HS phải yêu thích môn học của mình, HS có năng lực với môn học, đây là cơ sở để HS định hướng bài thi theo phương án thi mới. Với những HS có năng lực, sở trường môn khác GV cũng phải có phương án dạy học hợp lý theo hướng cá biệt hóa trong dạy học, không được dạy cào bằng cho HS cả lớp và cũng không bắt HS cả lớp học đều như nhau.

Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này!

“Hiện nay không phải tất cả HS tốt nghiệp xong THPT là đều vào học bậc đại học mà phân nhánh ra để học nghề, làm việc trong các khu công nghiệp hoặc xuất khẩu lao động… Vì vậy phải có sự phân hóa trong dạy học và KTĐG. Đặc biệt là phải đánh thức trong tư duy HS: Trong quá trình học tập phải tự hướng nghiệp, sau khi tốt nghiệp nghề đi làm cũng phải tiếp tục tự hướng nghiệp để thích ứng với nghề và để phát triển nghề nghiệp theo phương châm: Học tập suốt đời”.
Theo GDTĐ, nguồn: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/phuong-an-thi-moi-doi-hoi-su-thay-doi-cach-day-cach-hoc-2405371-b.html