Sở Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022-2023 tại TP HCM.
1. Học phí tăng - Phụ huynh nghèo sầu não
Học phí tăng 70.000-240.000 đồng/tháng gây sức ép không nhỏ lên phụ huynh thu nhập thấp, trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng sau đại dịch.
Trừ bậc tiểu học được miễn học phí theo Luật Giáo dục, tất cả bậc học còn lại đều có mức tăng mạnh so với năm cũ, chênh lệch 70.000-240.000 đồng/tháng, tùy cấp học.
Tính cả năm học, dự kiến số tiền phụ huynh phải trả thêm là 630.000 đồng đến 2,16 triệu mỗi năm. Mức tăng này với phụ huynh thu nhập thấp là gánh nặng không nhỏ.
Bảng thống kê mức học phí các cấp giai đoạn 2021-2023
Chị Đặng Thị Nguyệt (40 tuổi, ngụ quận Tân Bình) có hai con học trường công lập, bé lớn lớp 8, bé út học mầm non.
Theo chị Nguyệt, thời điểm đầu năm học thường nặng gánh nhất với phụ huynh, vì phải đóng đủ khoản tiền; từ phí học bạ, sổ liên lạc, bảo hiểm, tiền mua sách vở, cặp đến đồng phục mới. "Chi li, tiết kiệm đến mấy thì đầu năm cũng mất ít nhất 3 triệu đồng. Tính cả hai đứa phải 5-6 triệu", chị Nguyệt cho biết.
Tiếp đó, hàng tháng, chị phải đóng các khoản học phí, tiền nước uống, phí tăng cường học tiếng Anh, kỹ năng sống... tốn thêm 500.000-600.000 đồng. Do bé lớn học bán trú nên chị phải đóng tiền ăn, phí phục vụ bán trú, thiết bị phục vụ bán trú khoảng một triệu đồng nữa.
Trung bình, trong năm học không bị ảnh hưởng bởi Covid-19, chị Nguyệt đóng hơn 1,5 triệu cho bé lớn bậc THCS và gần 2 triệu cho bé mầm non.
Hai vợ chồng chị Nguyệt làm công nhân với tổng lương sau khi tăng ca là 13 triệu đồng. Nghe tin TP HCM có dự thảo tăng học phí năm học mới, bậc THCS lên tới 300.000 đồng/tháng - tăng 240.000 đồng, chị Nguyệt rầu rĩ. "Với gia đình thu nhập thấp, phải ở trọ như chúng tôi, đó là khoản tiền không nhỏ. Tất nhiên, dù học phí tăng thế nào, chúng tôi vẫn cố gắng cho con đi học nhưng thu chi phải chắt bóp hơn", người mẹ chia sẻ.
Tương tự, chị Minh Châu (ngụ quận 8) cũng lo lắng trước mức học phí mới. Gia đình chị Châu kinh doanh tự do quy mô nhỏ, thu nhập hàng tháng khoảng 15 triệu, nuôi hai con học lớp 10 và lớp 5.
2. Viễn cảnh “Hiệu ứng Domino”
Từ năm sau chị tốn thêm 420.000 đồng mỗi tháng để đóng học phí khi hai con lên lớp 11 và 6. Theo chị Châu, khoản tăng thêm này gây sức ép không nhỏ trong bối cảnh vật giá leo thang. "Nhiều gia đình chưa hồi phục kinh tế sau hai năm Covid-19, việc làm ăn còn khó khăn trong khi nhiều thứ đang tăng giá", chị Châu cho biết.
Dù bậc tiểu học được miễn học phí theo Luật Giáo dục, thông tin tăng học phí cũng gây lo lắng cho không ít phụ huynh có con học ở bậc này. Bởi trong tương lai gần, họ sẽ chịu tác động.
Anh Nguyễn Công Gia (ngụ TP Thủ Đức) có con học lớp 4 và lớp 2. Hai vợ chồng làm công nhân với tổng thu nhập 12 triệu đồng/tháng, chi phí nhà trọ và điện nước hết 3 triệu đồng.
Theo anh Gia, được miễn học phí nhưng anh phải đóng rất nhiều khoản khác như tiền ăn bán trú, phục vụ bán trú, học buổi hai... Tổng chi phí cho hai con học mỗi tháng đã ngốn gần một nửa thu nhập của hai vợ chồng.
"Nếu hai con lên THCS với mức học phí mới, chắc chúng tôi kham không nổi. Có lẽ, phải tính đến phương án gửi con về quê cho đỡ tốn tiền", anh Gia cho biết.
Theo báo cáo tình hình lao động, việc làm quý I/2022 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của người lao động TP HCM là 8,9 triệu đồng, tăng hơn 2,4 triệu so với quý trước đó.
Tuy nhiên, theo một hiệu trưởng trường THCS ngoại thành TP HCM, địa bàn có đông người dân nhập cư, thu nhập thực tế của phụ huynh thấp hơn nhiều so với mức trung bình kể trên. Dù chính quyền, nhà trường có nhiều biện pháp hỗ trợ, phụ huynh vẫn chật vật mỗi kỳ đóng tiền học.
Trong một báo cáo hồi tháng 9/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết, hơn 370.000 trong tổng số 1,7 triệu học sinh không có hộ khẩu ở TP HCM. Phần lớn số này là con của những người lao động ở các tỉnh khác, tạm trú ở thành phố.
"Tăng học phí tác động không nhỏ đến học sinh có cha mẹ là người nhập cư, thu nhập thấp, trong khi con số này không hề nhỏ (21,7%)", hiệu trưởng này đánh giá.
Với những gia đình có thu nhập mức trung bình khá trở lên, họ quan tâm nhiều hơn đến việc đầu tư trở lại vào chất lượng giáo dục. Theo đó, cơ sở vật chất, trình độ giáo viên phải tỷ lệ thuận với mức tăng học phí.
Bảng thông báo các khoản thu đầu năm tại một trường THCS, huyện Cần Giờ, TP HCM
Chị Nguyễn Thị Diễm Hằng (ngụ TP Thủ Đức) cho rằng, lộ trình và kế hoạch đầu tư cho giáo dục khi học phí tăng phải rõ ràng, minh bạch. "Tăng học phí để nâng cao chất lượng chương trình dạy hay đầu tư vào cơ sở trường lớp? Và nếu đầu tư vào cơ sở, thì hạng mục nào sẽ được nâng cấp, bổ sung?", chị Hằng đặt vấn đề.
Ở góc nhìn của nhà quản lý, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du cũng đặt vấn đề về mục đích của việc tăng học phí. Ông đưa ra ba mục tiêu khi tăng học phí: tăng lương cho giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất. Tuy nhiên, dự thảo của Sở Giáo dục và Đào tạo chưa lý giải cụ thể và thuyết phục.
Sở cho biết, mỗi năm TP HCM dành 20% ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục, đào tạo. Tuy nhiên, việc này chỉ đảm bảo cơ bản chế độ cho đội ngũ, tỷ lệ đầu tư cho cơ sở vật chất và hoạt động chuyên môn rất khiêm tốn; phải giải quyết từ học phí mới có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới, phát triển.
Việc xây dựng mức học phí mới góp phần thực hiện tốt hơn công bằng trong giáo dục, đảm bảo sự bình đẳng trong việc đóng góp của các gia đình và người học, điều chỉnh cơ cấu chi ngân sách.
Theo ông Phú, học phí tăng dễ dẫn đến hiệu ứng domino. Khi đó, các khoản học phí buổi hai, phí bán trú, các khóa học tăng cường, học phí các trường tư thục... đều có "cớ" để tăng. "Đây mới là sức ép thực sự lên vai phụ huynh. Nếu không tính toán kỹ, chúng ta sẽ khiến con em nhà nghèo mất cơ hội học tập", ông Phú nói.
Theo ông Phú, HĐND cấp tỉnh có quyền quy định mức học phí, căn cứ tình hình thực tế. Do đó, TP HCM nên hoãn việc tăng học phí hoặc nếu có, cần có lộ trình phù hợp.
3. Cần tháo gánh nặng tiền trường cho phụ huynh có thu nhập thấp
Khung học phí mới mà TP.HCM dự kiến áp dụng từ năm học 2022-2023 tới đây sẽ tăng gấp năm lần ở bậc THCS, tức cao hơn 240.000 đồng/tháng so với mức hiện tại (60.000 đồng/tháng). Ở các cấp học còn lại, học phí cũng tăng thêm 70.000-180.000 đồng/tháng, tùy nhóm địa bàn, cấp học.
Công bằng mà nói, nếu đánh giá khung học phí mới quá cao hay đột ngột thì cũng không đúng, vì TP.HCM chỉ thực hiện đúng theo quy định chung là Nghị định 81/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Việc áp dụng khung học phí mới cao gấp vài lần không phải vấn đề đáng lo ngại, như cách đây đúng chục năm, khi TP.HCM bắt đầu bỏ khoản tiền cơ sở vật chất (20.000-45.000 đồng/năm/học sinh, tùy loại hình trường và tùy từng bậc học) thì cũng chẳng phụ huynh nào lấy làm vui. Bởi từ nhiều năm nay, phụ huynh tại TP.HCM hằng tháng luôn phải gồng mình đóng rất nhiều khoản thu khác cho trường, mà những khoản này năm sau thường cao hơn năm trước.
Vấn đề lớn không chỉ là mức học phí mà quan trọng nhất là tháo dần gánh nặng tiền trường cho phụ huynh.
Khi kết thúc năm học vừa rồi, một hiệu trưởng trường tiểu học ở quận 12 phải đi xin tiền từ nhà hảo tâm để trả nợ tiền học cho một học sinh lớp 3. Trong mùa dịch bệnh vừa qua, thầy cô và phụ huynh của trường còn phải gom góp để hỗ trợ em mua sách vở, điện thoại học online và cả thực phẩm để ăn uống qua ngày. Em ấy là học sinh tiểu học, tức thuộc diện không phải đóng học phí, lại diện hộ nghèo nên được hỗ trợ thêm đôi ba khoản trong trường nhưng hết năm học vẫn còn nợ trường đến hơn 5 triệu đồng mà không thể trả. Thật xót xa!
Dự thảo quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022-2023 vẫn đang được Sở GD&ĐT TP.HCM tiếp tục lấy ý kiến từ các sở, ban ngành trước khi trình ra HĐND TP.HCM. Hy vọng sắp tới, khi đưa ra họp bàn, HĐND TP sẽ không chỉ bàn chốt mức học phí mới (vì mức đang đề xuất buộc phải chốt theo quy định), mà quan trọng nhất là phải bàn cách làm sao để tháo dần gánh nặng tiền trường cho phụ huynh, nhất là những gia đình có thu nhập thấp.
> Một đơn vị của Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt tay hợp tác với Tập đoàn giáo dục EQuest
> Hà Nội quyết định thành lập 38 hội đồng chọn sách giáo khoa mới các cấp
Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp