Lê Hiểu Đan hiện là sinh viên năm ba ngành Khoa học máy tính và Toán học của Đại học Massachusetts Amhers, từng thực tập cho Google và Amazon.
Lê Hiểu Đan hiện là sinh viên năm ba ngành Khoa học máy tính và Toán học của Đại học Massachusetts Amherst. Đan từng làm thực tập sinh kỹ sư phần mềm (Software Engineering Intern) tại Google (hè 2020, thu 2021) và Amazon (hè 2021). Mới đây, nữ sinh Việt được 6 công ty gồm Two Sigma, Facebook (Meta), Google, Amazon, LinkedIn và Flatiron Health mời thực tập mùa hè 2022.
Đan đam mê Toán từ nhỏ và được học lập trình từ năm 14 tuổi. Năm lớp 9, em đoạt giải nhì học sinh giỏi Toán cấp tỉnh. Đan tham gia Canadian Senior Mathematics Contest, cuộc thi Toán do Đại học Waterloo, Canada, tổ chức dành cho học sinh THPT khắp thế giới năm 2018 và đứng thứ 45/12.698. Ngoài Toán, nữ sinh còn yêu thích môn Hóa và giành huy chương đồng Olympic Hóa học TP HCM năm lớp 10 và 11.
Lê Hiểu Đan
Thầy Nguyễn Chí Tuấn, giáo viên chủ nhiệm của Đan ở trường Đinh Thiện Lý, cho biết, trong những năm học tại trường, Đan luôn nổi bật với kết quả học tập, thường đứng đầu khối. Nữ sinh cũng tham gia các hoạt động học thuật và giành nhiều giải.
Thầy Tuấn cho hay Đan có khả năng quản lý thời gian, tổ chức công việc và thích đọc sách nên tư duy tốt. "Đan hòa đồng, thân thiện và được bạn bè, thầy cô quý mến. Em ấy cũng có khả năng thuyết trình và luôn tỏa ra nguồn năng lượng tích cực", thầy chủ nhiệm nói.
Năm lớp 12, Đan bắt đầu nuôi ước mơ du học. Sau khi đỗ một số trường trong nước, Đan nộp hồ sơ du học và được 8 đại học cấp học bổng. Đan chọn Đại học Massachusetts Amherst - trường nằm trong top 15 ngành Khoa học máy tính của Mỹ.
Nhờ nỗ lực và ham học hỏi, Đan đạt GPA 4.0/4.0 suốt ba năm học. Em đứng top 2 trên tổng 400 học sinh của lớp Cấu trúc dữ liệu và thuật toán. Ở các lớp Khoa học Máy tính, em đều đạt được 93/100 điểm trở lên. Trong đó lớp Toán rời rạc, một trong những lớp khó nhất của khoa, em được 94.8/100 điểm và được mời làm Supplementary Instruction Leader (người giảng dạy lớp bổ trợ). Ngoài ra, em còn hai lần làm trợ giảng (Undergrad Teaching Assistant) cho các lớp Khoa học máy tính của khoa.
Đan bắt đầu đi thực tập từ năm nhất. Trong lần thứ hai thực tập tại Google, em được làm trong một team công cụ nội bộ ở Google Cloud. Công cụ này giúp các kỹ sư tìm lỗi (debug) nhanh hơn. Đan tự lên thiết kế, lập trình và phát triển công cụ này. Cuối kỳ thực tập, công cụ của Đan đã đến tay những kỹ sư ở Google Cloud, giúp họ giảm được 20-30 phút mỗi lần tìm lỗi.
Sau ba lần thực tập tại các công ty lớn, Đan thấy bản thân trưởng thành và rút ra nhiều bài học. Em tin tưởng vào khả năng của mình hơn và mạnh dạn đưa ra ý kiến. Trước đây, khi đứng trước các kỹ sư nhiều kinh nghiệm, Đan mặc định ý kiến của họ luôn đúng. Nhưng khi nghiên cứu kỹ hơn về bài toán mình đang giải và thấy được nhiều góc khuất của vấn đề, Đan chỉ ra và đề bạt cách giải quyết. Từ đó, em giành được sự tin tưởng của quản lý.
Đan cũng học được một kỹ năng mới. Muốn trở thành kỹ sư phần mềm tốt, em phải thường xuyên cập nhật và sử dụng công nghệ mới nhanh chóng. Đan luôn giữ bên mình một cuốn sổ tay ghi mọi khái niệm không hiểu trong tài liệu. Đọc xong, em quay lại và xét xem khái niệm nào lặp lại nhiều lần và thực sự cần thiết để đào sâu hơn. Nhờ đó, Đan đã tăng được tốc độ học công nghệ mới.
Bên cạnh đó, trải nghiệm ở các công ty giúp nữ sinh nhận ra cần đọc nhiều code do người khác viết. Ở Google, một phần code mới muốn được chấp nhận phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn, không chỉ về công năng mà còn phải "đẹp", tức ngắn gọn, súc tích, dễ đọc và hiệu quả về thời gian lẫn bộ nhớ. Đan thừa nhận viết code xấu vì chỉ tập trung vào hiệu quả. Để cải thiện, em đã đọc rất nhiều code do các anh chị kỹ sư viết, từ đó rút ra kinh nghiệm cho bản thân.
Ở năm thứ ba đại học, Đan xin thực tập tại 10 công ty, được 6 nơi chấp nhận và một nơi đang phỏng vấn. Trong các cuộc phỏng vấn, Đan ấn tượng nhất lần thử sức ở Two Sigma. Số lượng đơn nộp hàng năm vào Two Sigma cao, trong khi công ty tài chính công nghệ này lại tuyển rất ít thực tập sinh.
Công ty tìm kiếm các ứng viên có khả năng xử lý vấn đề nhanh, hiệu quả, giải được những bài toán lập trình khó trong thời gian ngắn, viết code đẹp, có kỹ năng ứng xử tốt và tinh thần học hỏi cao. Two Sigma cũng nổi tiếng có tiêu chuẩn tuyển thực tập sinh cao và chế độ đãi ngộ thuộc hàng top trong giới công nghệ.
Sau vòng kiểm tra lập trình về cấu trúc dữ liệu và thuật toán online, Đan đã phải vượt qua 7 vòng phỏng vấn mới đến được lời mời cuối cùng. Ở các công ty khác, Đan chỉ gặp các anh chị kỹ sư, trong khi Two Sigma là công ty đầu tiên cho em phỏng vấn với các quản lý kỹ sư (engineering manager).
"Toàn bộ quá trình phỏng vấn của Two Sigma thực sự thách thức, nhưng rất vui. Các kỹ sư ở đây cho em rất nhiều lời khuyên quý báu để cải thiện bản thân, định hướng nghề nghiệp", Đan cho biết.
Nữ sinh hiện phân vân giữa Two Sigma và Facebook cho bến đỗ thực tập. Đan dự định sau khi tốt nghiệp sẽ trở thành kỹ sư phần mềm, tiến tới là cấp quản lý ở một công ty nào đó trong vòng 5 năm. Trong thời gian đó, em sẽ học thêm về chuyên môn kỹ thuật, đồng thời cải thiện các kỹ năng mềm như cách lãnh đạo dự án, quản lý con người.
"Em hy vọng sẽ tham gia một công ty startup, hoặc làm startup của chính em", nữ sinh 22 tuổi chia sẻ.
> Du học Mỹ mùa dịch Covid-19 cùng với 3 điều cần lưu ý
> Những sai lầm sinh viên cần tránh khi có ý định du học Mỹ
Theo ZING News