Sau 14 năm bươn chải mưu sinh, nữ công nhân Ngô Mỹ Linh lại có dịp quay lại giảng đường viết tiếp giấc mơ còn dang dở.
Cô gái không đầu hàng số phận
Sinh ra trong gia đình có 4 anh em, cha mẹ lại chia tay nên chị Ngô Mỹ Linh sớm phải sống cảnh thiếu thốn từ bé. Cha cùng anh hai về Vũng Tàu sinh sống, chị Linh cùng hai anh trai sống cùng mẹ.
Năm 3 tuổi, Linh đã phải theo mẹ đi bán vé số, tới 6 tuổi thì tự đi bán một mình.
Suốt những năm học phổ thông, cô luôn là học sinh khá giỏi, được bạn bè và thầy cô quý mến. Vốn tính cần cù lại thông minh, Mỹ Linh đậu đại học Nông Lâm TP.HCM ngay lần đầu tiên dự thi.
Cầm giấy báo trên tay, Mỹ Linh xúc động nghẹn ngào, nhưng mẹ cô lại không ủng hộ.
“Học làm gì, ngay như mẹ ngay xưa làm y tá một bệnh viện trong thành phố rồi cũng phải bỏ việc để về chăm sóc chồng con đó thôi”, mẹ của Mỹ Linh phản đối.
Không được đi học, Linh khăn gói lên thành phố làm công nhân. Xin được việc làm trong khu chế xuất Tân Thuận, cô lao vào làm việc để kiếm tiền.
Cô làm việc liên tục từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, lại đổi ca từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau mà lương chỉ có 600.000đ/tháng. Thế nhưng, mỗi khi tới mùa tuyển sinh, cô lại háo hức đi nộp hồ sơ dự thi đại học.
Nhưng đến ngày thi, cô lại thôi vì không có tiền. Bận đi làm nên cô tự an ủi “Thôi, để sang năm thi cũng được”.
Sau 6 năm làm việc, Linh tích góp được chút ít, cô quyết định sẽ nghỉ việc để tập trung cho việc thi đại học.
Không may năm đó Linh thi rớt. Không có việc làm, tiền trợ cấp được hơn 10 triệu phải đóng tiền nhà trọ và tiền ăn hết phần nửa. Cầm giấy báo trên tay, Linh buồn lắm, cô quyết định rời thành phố về Bà Rịa - Vũng Tàu coi rẫy cho bố, hành trang mang theo là mấy trăm quyển sách lưu giữ mấy năm nay.
2 năm sau, Linh trở lại Sài Gòn làm công nhân ở khu chế xuất Linh Trung (Q.Thủ Đức). Lần này, cô lập ra kế hoạch cụ thể hơn để chinh phục giảng đường đại học.
32 tuổi đỗ đại học
Ước mơ ngồi ghế giảng đường đại học của cô gái 32 tuổi cuối cùng cũng đã thành hiện thực. 14 năm sau, chị lại có cơ hội nhận được tấm bằng đại học khi trúng tuyển vào khoa Nông học, ĐH Nông Lâm TP.HCM.
Hôm gặp chúng tôi, Linh vui mừng khoe: “Thế là mình lại được đi học, dù trong lớp mình là người lớn tuổi, nhưng không vì thế mà mình mặc cảm. Giờ chị thấy vui vì đã thực hiện được ước mơ rồi”.
Vì phải chuyển chỗ trọ tới gần trường, chị phải nghỉ làm ở công ty để đầu tư vào việc học.
Đi học đã khó, kiếm việc làm phù hợp với thời gian học còn khó hơn. Thời gian học của chị bắt đầu từ 15 giờ đến 19 giờ, thứ 7 và chủ nhật học cả ngày nên không thể làm việc theo ca ở công ty hay các quán ăn.
Không kiếm ra tiền, chị bắt đầu lập ra một kế hoạch chi tiêu thật tiết kiệm. Mỗi khi chi tiêu cái gì, chị đều ghi vào một cuốn sổ, nếu hôm nay tiêu nhiều thì ngày mai phải bù khoản khác vào. Để tiết kiệm hơn, chị ăn mì gói cả tuần.
Biết tin con gái đậu đại học, nhưng mẹ Linh một lần nữa lại không ủng hộ.
“Mẹ bắt Linh về nhà lấy chồng, nhưng mình đã thực hiện được một nửa ước mơ của mình rồi, giờ mình sẽ thực hiện cho xong và không nghe ai nữa đâu”, chị Linh tâm sự.
Bạn muốn tìm hiểu về:
Những bàn luận xung quanh 6 môn thi tốt nghiệp 2013
Những sinh viên nghèo luôn tìm cách vượt khó
Kenhtuyensinh
Theo: biettuot