Đại học Bách khoa tuyển 30-40% chỉ tiêu dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, tỷ lệ này ở Học viện Ngoại giao là 25%.
1. Thực trạng nhiều trường chọn giảm chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế và hướng dẫn tuyển sinh đại học 2022, các trường đang dần công bố đề án tuyển sinh chính thức. Nhiều trường giảm phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, chủ động các phương thức xét tuyển sớm.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có khoảng 20 phương thức xét tuyển cùng tồn tại. Từ năm ngoái trở về trước, hầu hết trường vẫn giữ quá bán chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp. Năm nay, khi Covid-19 không ảnh hưởng đến các kế hoạch tuyển sinh riêng, sự phân bổ chỉ tiêu cho phương thức này ở một số trường giảm xuống dưới 50%.
Đại học Bách khoa Hà Nội tối 29/6 công bố điểm chuẩn đối với thí sinh đăng ký theo phương thức xét tuyển tài năng đợt 1 vào trường. Phương thức này gồm xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo quy chế của Bộ, kết hợp kết quả học tập THPT và chứng chỉ quốc tế, xét hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn, giúp trường tuyển 10-20% trong số 7.990 chỉ tiêu năm nay.
Do quy chế quy định thí sinh đăng ký xét tuyển bằng mọi phương thức theo kế hoạch chung và không cho phép các trường yêu cầu xác nhận nhập học sớm, Đại học Bách khoa Hà Nội lưu ý các em chỉ chắc chắn trúng tuyển sau quá trình lọc ảo chung toàn quốc. Nếu yêu thích ngành học nào, học sinh nên đăng ký ngành đó ở nguyện vọng 1 (cao nhất) khi đăng ký xét tuyển.
Cùng với xét tuyển tài năng, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy để tuyển 50-60% tổng chỉ tiêu. Kỳ thi này sẽ diễn ra vào 15/7, kết quả được 20 trường khác sử dụng làm căn cứ xét tuyển.
Do phân bổ chỉ tiêu cho các phương thức riêng, Bách khoa chỉ còn tuyển khoảng 30-40% dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chủ trương lựa chọn đầu vào chủ yếu bằng kết quả thi đánh giá tư duy và xét tuyển tài năng, giảm phụ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp nằm trong lộ trình của trường, từ năm 2020.
Trường cho biết, vẫn dành lượng chỉ tiêu nhất định xét bằng điểm thi tốt nghiệp để đảm bảo cơ hội đầu vào cho thí sinh, đặc biệt những em ở vùng sâu, vùng xa khó cạnh tranh ở các phương thức khác.
Thí sinh tham gia buổi phỏng vấn theo phương thức xét tuyển tài năng vào Đại học Bách khoa Hà Nội
Cùng trong khối kỹ thuật, Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) chỉ tuyển 20-50%, trong số 1.680, chỉ tiêu dựa hoàn toàn vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Năm ngoái, tỷ lệ này là 50%.
Các phương thức khác được trường áp dụng gồm xét dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức (20-35%); xét theo chứng chỉ quốc tế SAT, A-Level, ACT (5%); kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (5-10%); xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ (5-10%) và cơ chế đặc thù của Đại học Quốc gia Hà Nội (10-20%).
Học viện Ngoại giao tuyển 2.010 sinh viên năm 2022 và chỉ 25% trong số đó được tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp. Số còn lại trường tuyển bằng phương thức xét tuyển thẳng, xét kết quả học tập, kết hợp kết quả học tập và phỏng vấn.
Trong các phương thức này, xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT chiếm tỷ lệ lớn nhất, 67%. Tuy nhiên, trường không chỉ dựa vào kết quả học bạ mà kết hợp với một số tiêu chí khác.
Thí sinh cần có điểm trung bình cộng ba học kỳ bất kỳ lớp 10, 11 và học kỳ I lớp 12 đạt từ 8 trở lên, đồng thời có tham gia các kỳ thi Olympic quốc tế, học sinh giỏi quốc gia, khoa học kỹ thuật quốc gia; hoặc đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Nếu không, các em cũng phải là học sinh trường THPT chuyên, trọng điểm quốc gia; hoặc có các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS 6.0 trở lên, TOEFL iBT 60, Cambridge English Qualifications 169, SAT 1200, ACT 25 điểm. Nếu sử dụng chứng chỉ tiếng Pháp, thí sinh cần có DELF B1, TCF 300; tiếng Trung HSK 4 (từ 270 trở lên); tiếng Hàn Topik 3; tiếng Nhật N3.
Đại học Kinh tế quốc dân tuyển 6.100 sinh viên, trong đó 35% dựa vào kỳ thi tốt nghiệp, 63% tuyển kết hợp theo đề án riêng và 2% dựa vào kết quả đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. Dự kiến, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với thí sinh sử dụng điểm thi tốt nghiệp là 20 điểm (tổ hợp ba môn, đã bao gồm điểm ưu tiên).
Từ năm 2023, trường dự kiến không tuyển sinh theo phương thức xét tổng điểm ba môn thi tốt nghiệp THPT nữa mà dành toàn bộ chỉ tiêu xét tuyển kết hợp. Kết quả từ kỳ thi này chỉ được dùng trong một số nhóm xét tuyển kết hợp như chứng chỉ tiếng Anh với tổng điểm hai môn thi.
Đại diện trường cho rằng đây là xu thế chung khi kỳ thi tốt nghiệp THPT được thiết kế để phục vụ xét tốt nghiệp. Nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo, trường cần có những căn cứ khác để tuyển chọn chính xác, khách quan.
2. Nguyên nhân vì sao nhiều trường chọn giảm chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT
Có một số nguyên nhân cho việc chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm TN THPT giảm kỷ lục như hiện nay:
Thứ nhất, các trường tuyển sinh theo hướng tiếp cận quốc tế:
Trong vài năm trở lại đây, nhiều trường top đầu đã tiếp cận nhiều phương thức tuyển sinh quốc tế (xét tuyển chứng chỉ quốc tế), phương thức này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc đào tạo sinh viên. Nên năm nay, các trường có xu hướng tăng chỉ tiêu tuyển sinh đối với phương thức này.
Không chỉ vậy, việc đa dạng hóa phương thức tuyển sinh cũng là xu thế được các trường sử dụng. Thay vì dành đến 80 – 90% chỉ tiêu cho việc xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường sẽ chia chỉ tiêu cho các phương thức khác, điều này kéo theo chỉ tiêu của phương thức này giảm xuống.
Đơn cử như ĐH Kinh tế Quốc dân, năm nay Trường dự kiến tuyển 6.100 chỉ tiêu, với nhiều phương thức xét tuyển như:
- Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT, ACT;
- Xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM;
- Xét tuyển điểm đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội;
- Xét tuyển các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT 2022;
- Xét tuyển các thí sinh tham gia đường lên đỉnh Olympia hoặc đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh hoặc giải khuyến khích cấp quốc gia.
Thứ hai, nhiều kỳ thi có thể dùng kết quả để thay thế điểm thi tốt nghiệp THPT:
Kỳ thi tốt nghiệp THPT được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, với mục đích chính để xét tốt nghiệp cho học sinh hoàn thành xong chương trình học ở bậc THPT. Nó không còn thực sự phù hợp với mục đích xét tuyển, của các trường đại học. Thay vào đó, sẽ có nhiều kỳ thi riêng với mục đích đánh giá năng lực, tư duy của thí sinh. Những tiêu chí này sẽ phù hợp hơn với yêu cầu đầu vào của các trường đại học. Hiện nay có rất nhiều trường đại học sử dụng điểm của các kỳ thi này để xét tuyển:
- Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội: Đã có hơn 50 trường sử dụng để xét tuyển;
- Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM: Đã có hơn 70 trường sử dụng để xét tuyển;
- Kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách Khoa Hà Nội: Đã có 11 trường công bố sử dụng để xét tuyển.
Dự kiến, trong những năm tiếp theo, các trường đại học sẽ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc tổ chức thi tuyển riêng của từng trường. Việc thí sinh tìm hiểu kỹ phương thức tuyển sinh có kế hoạch ôn tập cụ thể là điều vô cùng cần thiết.
Các trường đại học/ngành top đầu, có tính cạnh tranh cao đang ngày càng giảm sự phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, sử dụng đa dạng phương thức xét tuyển nhằm tìm được những sinh viên có năng lực phù hợp với các ngành đào tạo. Nhiều đơn vị như Đại học Quốc gia Hà Nội và TP HCM, Bách khoa Hà Nội, Sư phạm Hà Nội và TP HCM, khối trường công an tổ chức kỳ thi riêng để đánh giá sát nhất ứng viên và ngày càng tăng tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả các kỳ thi này.
Bộ cũng ghi nhận số lượng chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT có giảm trong năm qua nhưng cho rằng chủ yếu dịch chuyển từ xét điểm thi sang học bạ. Bộ dẫn chứng 90% chỉ tiêu vào đại học vẫn xét bằng hai phương thức quen thuộc này.
> Trường ĐH công bố điểm chuẩn nhưng thí sinh chưa thực sự trúng tuyển
> Danh sách các trường ĐH không tăng học phí 2022
Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp