Bạn chọn đi du học vì cơ hội nghề nghiệp trong tương lai? Nhưng không phải tất cả các du học sinh đều thành công, cùng điểm qua những rào cản khiến bạn khó thành công dù đã đi du học.
Có phải cứ đi du học sẽ thành công trong sự nghiệp?
Nhận định của chị Bành Phạm Ngọc Vân, Giám đốc Thị trường Việt Nam, Cơ quan Giáo dục New Zealand ENZ tại tọa đàm UniPrep - Sắp vào đại học số thứ 3 với chủ đề: "Cơ hội cho du học sinh Việt tại Australia, Canada, New Zealand thời Covid-19"
Bà Vân cho rằng du học đồng nghĩa với việc các bạn trẻ tham gia "bộ phim" của chính mình, hoạch định tương lai của mình. Lúc này, sinh viên không có sự đột phá trong "cách diễn", chỉ hoạt động trong khuôn khổ thì sẽ khó tạo sự khác biệt để tỏa sáng. Nói cách khác đây là sự "tròn vai" khi du học.
Du học khác với học tại chỗ là trải nghiệm quốc tế. Theo chuyên gia, du học sinh trải nghiệm ở một nơi xa, ngoài thành tích học tập tốt, nên có "gia vị" lăn xả để khai phá mọi tiềm năng. "Hãy thử những điều bạn chưa bao giờ làm, những điều mà bạn có thể ngại khi ở trong môi trường quen thuộc tại Việt Nam", bà Vân nói.
Tính lăn xả cũng là một trong những đặc trưng trong cách làm việc của người New Zealand. "Nếu các bạn muốn tận dụng ưu thế ở lại New Zealand làm việc trong 3 năm, các bạn cần phải rèn kỹ năng này", chuyên gia nói thêm.
Người New Zealand làm việc theo phương châm làm trước, đúng sai thế nào tính sau nhưng phải có sự chia sẻ, đóng góp ý tưởng cho nhau. Chính sự trao đổi mở ra góc nhìn mới, là một cách để phát triển bản thân, đánh giá mình có phù hợp với môi trường đó không, từ đó điều chỉnh hoạch định tương lai. Giống như trong lập trình, có bug (lỗi) mới có cách debug (gỡ lỗi).
Thực tế, áp lực là chuyện bình thường trong cuộc sống hiện đại. Theo nhiều chuyên gia tâm lý, áp lực đôi khi cũng rất tốt để kích thích ý chí chiến đấu, từ đó phát triển mình lên một tầm cao mới. Ngược lại, bà Vân cho rằng, nếu để cho những áp lực đó ảnh hưởng đến mình quá nhiều thì dễ đi vào lối mòn stress.
Với không gian mở, hội nhập như hiện nay, áp lực cạnh tranh có thể đến từ đối thủ, bạn cùng trang lứa, nhóm lao động có cùng kỹ năng. Ngoài ra, trong trường hợp du học sinh dù làm việc ở nước ngoài hay về nước, họ đều phải cạnh tranh với lao động bản địa. Điều này buộc họ cần học cách chấp nhận thực tế để có cách ứng biến. Do đó du học sinh cần trang bị trang bị kỹ năng lifelong learning - học suốt đời. "Chúng ta không biết tương lai sẽ ra sao nhưng chúng ta có thể học cách thích ứng thông qua quá trình tự học, tích lũy. Từ đó, thoát khỏi ngã ba đường - không thể ở nước ngoài cũng không thể về Việt Nam", bà nói.
Thực tế, có không ít trường hợp du học sinh thành tích học tập tốt, nhưng lại không thể ở lại quốc gia đó sau khi tốt nghiệp, trong khi về Việt Nam bị sốc văn hóa, không chấp nhận được mức lương vì quá thấp so với kỳ vọng.
Nguyễn Lan Anh (28 tuổi) từng du học Australia và tốt nghiệp loại giỏi. Tuy nhiên, khi về Việt Nam, cô cho biết, bản thân từng ngỡ ngàng vì môi trường làm việc quá khác biệt so với nước ngoài, bên cạnh đó là mức lương chi trả thấp so với cô mong muốn. Điều này khiến cô nộp hồ sơ ở nhiều công ty nhưng đều không được chấp nhận. Thậm chí Lan Anh mất hai năm không làm gì vì chưa sẵn sàng thích nghi với sự khác biệt.
Tham gia tại tòa đàm, bà Nguyễn Thị Cẩm Tú, Tùy viên Thương mại, phụ trách phát triển giáo dục của Tổng Lãnh sự quán Canada tại TP HCM chia sẻ thêm, du học không dễ dàng, cái cần nhất tính vượt khó. Khi học ở nước ngoài, sinh viên phải làm quen với những điều mới, tạo dựng mối quan hệ với những người xung quanh, sẵn sàng đương đầu thử thách mà khi ở trong vòng tay cha mẹ các bạn không bao giờ gặp. Nếu không thể tự giải quyết, các bạn cần tìm đến chuyên gia để nhận tư vấn về tâm lý học đường. Ngoài ra, sinh viên cũng nên giao lưu với bạn bè các quốc gia khác để hiểu hơn về văn hóa quốc tế, văn hóa đất nước sở tại, từ đó dễ dàng hòa nhập vào môi trường học, sinh sống mới.
"Ở Canada, các bạn có thể dễ dàng gia nhập môi trường làm việc thông qua hình thức part-time, full-time, thực tập. Đó là những cơ hội quý giá để tạo lập mạng lưới mối quan hệ, phát huy năng lực, giúp ích cho quá trình sự nghiệp sau này", chị Cẩm Tú nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nếu chọn quay về Việt Nam, sinh viên cần dành thời gian học cách tái hòa nhập, vượt qua trở ngại của bản thân, sẵn sàng thích nghi với sự khác biệt.
Bà Ngô Thu Hương, Giám đốc Phát triển Thương mại cấp cao, Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia - AusTrade gửi lời khuyên tới các học sinh đang chuẩn bị đi du học cũng như đang chuẩn bị bước vào một bậc học mới. Điều đầu tiên là xác định các bạn muốn gì. Các bạn hãy tự xác định cho bản thân mình, hãy nghe lắng nghe trái tim của mình đâu là hạnh phúc để có thể kiểm soát được kỳ vọng bản thân.
Thứ hai, đừng bao giờ theo một khuôn mẫu, đừng nghĩ rằng đi du học là sẽ có lương cao hơn những bạn học ở Việt Nam hay đi du học là ở một đẳng cấp khác. Các bạn cần xác định mình muốn gì và đâu sẽ là con đường đưa các bạn đến hạnh phúc.
Cuối cùng, đừng ngại những thách thức, khó khăn cứ thử đi, các bạn có tuổi trẻ, sức khỏe, niềm đam mê, do đó, cần phải thử để biết mình có thành công hay thất bại, có thể học được những gì.
> Chàng trai Đức trở thành thủ khoa ngành học của trường Nhân văn
> 5 lý do để chọn Đại học Essex
Theo VnExpress