Trường Đại Học không chỉ cung cấp kiến thức, kỹ năng liên quan đến công việc tương lai, giúp bạn có một tấm bằng, cải thiện cơ hội việc làm mà còn dạy cho bạn những kỹ năng mềm cần thiết để phát triển mạnh ở môi trường làm việc.
> Kỹ năng làm việc nhóm và xây dựng nhóm làm việc hiệu quả
> Thị trường lao động trong 5 năm tới sẽ biến động ra sao?
Tích luỹ những kỹ năng mềm trong quá trình học Đại Học sẽ giúp bạn phát triển tốt trong môi trường làm việc
1. Khả năng tương tác, giao tiếp
Là sinh viên, bạn phải viết rất nhiều, từ tiểu luận, khóa luận đến email trao đổi với giảng viên, thậm chí cả bài báo đăng trên tạp chí sinh viên của trường. Điều này giúp cải thiện đáng kể khả năng giao tiếp bằng văn bản - kỹ năng đặc biệt quan trọng cho nghề nghiệp của bạn.
Đại học không chỉ giúp bạn viết tốt hơn mà còn giúp cải thiện khả năng tương tác mặt đối mặt với người khác. Bạn sẽ gặp rất nhiều người ở trường đại học. Họ có những hoàn cảnh, nền tảng, vùng hiểu biết... khác nhau và khác với chính bạn. Việc bạn giao tiếp, có quan hệ tốt với họ là rất quý giá.
Khả năng giao tiếp của bạn còn được phát triển thông qua những buổi thuyết trình trong suốt khóa học. Rất nhiều nhà tuyển dụng đang gặp khó khăn trong việc tìm ra những nhân viên có kỹ năng thuyết trình, nói trước đám đông. Vì vậy, việc đưa ra một bài trình bày hấp dẫn trong buổi phỏng vấn xin việc sẽ làm tăng cơ hội thành công của bạn.
2. Quản lý tài chính
Học đại học, bạn sẽ phải quen dần với việc tự quản lý tiền bạc, trả tiền thuê nhà, hóa đơn tiện ích cũng như các khoản ngân sách chi cho việc ăn, uống và các cuộc vui chơi. Nếu nắm giữ một chức vụ trong tổ chức nào đó, bạn có thể phải chịu trách nhiệm giải quyết những khoản tiền lớn hơn.
Điều này sẽ tạo ra kinh nghiệm quản lý tiền tệ tuyệt vời. Dù công việc bạn đang hướng tới không đòi hỏi phải trực tiếp quản lý tiền bạc, nó vẫn giúp bạn trở thành người có trách nhiệm và đáng tin cậy trong suy nghĩ của nhà tuyển dụng.
3. Quản lý thời gian
Bạn đã tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa hoặc có một công việc bán thời gian khi ở trường đại học tức là bạn đã biết phân chia thời gian, biết cách làm thế nào để quản lý khối lượng công việc của mình. Nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao nhân viên có thể đưa ra nhiều cam kết.
Ngay cả khi bạn quá tập trung thời gian cho hoạt động xã hội hay công việc bán thời gian, khả năng đáp ứng deadline (hạn cuối) cũng là minh chứng cho thấy kỹ năng quản lý thời gian của bạn.
4. Tư duy phản biện
Trong quá trình học, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề cảm thấy khó có thể giải quyết như một bài luận khó nhằn hay một vấn đề toán học. Khi đó, bạn phải chủ động, suy nghĩ rộng, tiếp cận vấn đề từ những góc độ mới và thậm chí phải thực hiện thêm một số nghiên cứu, khảo sát.
Đây chính xác là những gì nhà tuyển dụng mong muốn từ nhân viên để dự án của công ty được hoạt động trơn tru.
5. Tiếp nhận đánh giá
Không ai hoàn hảo và bạn sẽ nhận được rất nhiều nhận xét, phê bình mang tính xây dựng từ thầy cô, bạn bè. Người sử dụng lao động muốn nhân viên có khả năng chịu đựng và tiếp thu những lời chỉ trích mang tính xây dựng, áp dụng nó để cải thiện công việc.
Điều này có vẻ không dễ dàng chứng minh nhưng trong cuộc phỏng vấn xin việc, bạn nên kể những câu chuyện về cách dùng ý kiến góp ý của mọi người để cải thiện hiệu quả công việc. Nó sẽ giúp bạn ghi điểm và có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn.
Theo VnExpress