Bước vào cuộc sống của một tân sinh viên, việc chưa kịp thích ứng với môi trường mới khiến các em không khỏi bỡ ngỡ, gặp phải khó khăn.
1. Nặng gánh học phí
Ngày biết tin đỗ vào Khoa Y cổ truyền, trường Đại học Y Hà Nội, Hồng Nhung, quê Hải Phòng không biết nên vui hay buồn.
"Tối hôm đó, em nằm ngủ nghe thấy bố mẹ đôi co về tiền học của mình. Bố mẹ em làm công nhân, tổng thu nhập 13 triệu đồng một tháng. Ngoài em, còn một em trai học lớp 11 nữa", Nhung kể. Trước đó, Nhung nghe lời bố mẹ đăng ký nguyện vọng vào trường Y, nhưng khi con gái đỗ thật, xem mức học phí, gia đình "không thể vui nổi".
Nhung cho biết, ngành học của em năm ngoái thu học phí 15,73 triệu đồng một năm, năm nay là 24,5 triệu đồng. Nếu cộng cả tiền thuê nhà, sinh hoạt phí, con số đội lên thêm nhiều. Em ước tính chi tiêu tiết kiệm ở thành phố Hà Nội hết tổng 5 triệu đồng/tháng; trong đó tiền thuê nhà 2 triệu đồng, tiền chi tiêu ăn uống, di chuyển bằng xe bus khoảng 3 triệu đồng. Học Y vất vả, Nhung không chắc mình còn sức lực đi làm thêm để bớt gánh nặng tài chính cho bố mẹ.
"Bố mẹ cũng chưa nói với em, nhưng em biết, kinh tế gia đình mình rất khó khăn để theo được trường Y", nữ sinh trăn trở.
Kể từ khi các đại học lần lượt công bố điểm chuẩn hôm 15/9, nhiều bậc phụ huynh, tân sinh viên cũng gặp nỗi lo tương tự.
Phạm Tuyết, sinh năm 2004 ở Hải Dương, trúng tuyển Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đang đau đầu trước khoản học phí 8,8 triệu đồng cho học kỳ đầu tiên. Nhà Tuyết có bốn anh chị em, bố làm thợ cắt nhôm kính theo thời vụ, thu nhập không ổn định. Gia đình em còn nhiều khoản nợ, tất cả trông chờ vào chị gái đi làm công nhân với mức lương 9 triệu đồng một tháng.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm nay thu học phí 440.000 đồng một tín chỉ, với hệ chất lượng cao là 1,32 triệu đồng. Hai mức này tăng lần lượt gần 60% và hơn 70% so với học phí năm học trước.
"Gia đình không muốn cho em đi học đại học vì quá tốn kém so với điều kiện cho phép", Tuyết nói.
Vợ chồng chú Nguyễn Văn Quang và cô Vũ Thị Ngạn lên Hà Nội tìm nhà cho con trai ở khu vực Hồ Tùng Mậu
Sáng 21/9, vợ chồng ông Nguyễn Văn Quang và bà Vũ Thị Ngạn ở Hải Phòng chạy xe máy lên Hà Nội tìm phòng trọ cho con đỗ Đại học Thương Mại, đường Hồ Tùng Mậu. Hai người đi làm tự do từ năm 1997 đến nay sau khi công ty giải thể, thu nhập chỉ đủ ăn tiêu tằn tiện. "Nặng gánh quá", ông Quang nói.
"Con mới xin trước tiền cho một học kỳ hơn 11 triệu đồng, nhưng cô phải bảo giờ mẹ chưa có", bà Ngạn cho biết thêm.
Đại học Thương mại thu học phí 787.000 đồng một tín chỉ cho hệ đào tạo chuẩn, học phí cả năm là hơn 24 triệu đồng, tăng khoảng tám triệu đồng so với năm ngoái.
Sau hai năm Covid, từ năm học 2022-2023, nhiều trường đại học công bố tăng học phí. Học phí nhóm trường kinh tế dao động 16 - 65 triệu đồng một năm. Trong đó, trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội thu mức 42 triệu đồng một năm với khóa sinh viên mới, tăng đến 24,5 % so với mức 35 triệu đồng của khóa cũ.
Học phí khối trường Y dao động 13,5-100 triệu đồng một năm. Tại Đại học Y Hà Nội, học phí ngành Y Dược tăng 71% so với năm trước, ở mức 24,5 triệu đồng một năm. Ở phía Nam, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thu mức cao nhất là 44,3 triệu đồng/năm với ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt. Các ngành còn lại, học phí cao nhất không quá 41 triệu đồng/năm. So với khi trường khi chưa tự chủ, mức thu này tăng gần ba lần.
Đại học Luật Hà Nội áp dụng mức học phí mới với tân sinh viên, cụ thể 572.000 đồng/tín chỉ cho hệ đại trà và 1.605.000 đồng/tín chỉ cho hệ chất lượng cao. Mức học phí mới cao gấp 2 lần so với năm học trước ở hệ đại trà - 280.000 đồng/tín chỉ và tăng hơn 60% ở hệ chất lượng cao - 990.000 đồng/tín chỉ.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, học phí cao thể làm giảm cơ hội học đại học, nhất là với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, ở các tỉnh lẻ, vùng sâu vùng xa, mức thu nhập của gia đình thấp hoặc không ổn định.
"Tăng học phí cần căn cứ vào mức thu nhập trung bình của người dân, tránh tình trạng chỉ con nhà giàu mới có cơ hội học đại học. Ngoài ra, tăng học phí cũng cần đi đôi với nâng cao chất lượng giáo dục và kiểm toán minh bạch thu chi của các cơ sở giáo dục đại học", ông Khuyến nói.
PGS.TS Nguyễn Viết Thái, Trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông, Đại học Thương mại cho biết việc tăng học phí đã được công bố trong đề án tuyển sinh từ tháng 3/2022. Hai năm trước do dịch bệnh Covid-19, nhà trường không tăng. Nếu giờ không tăng học phí, trường không thể duy trì bộ máy, nâng cao chất lượng. Phía người học cũng mong muốn trường có cơ sở vật chất hiện đại, giảng viên tốt; trong khi, trường tự chủ tài chính.
Ông Thái cho rằng đây là "phép đánh đổi giữa chất lượng và giá thành". Các sinh viên hiện nay có rất nhiều lựa chọn vì các trường đều công bố trước mức học phí. Thí sinh cần xem xét kỹ hoàn cảnh gia đình, sở thích, năng lực cá nhân trước khi đưa ra lựa chọn. Theo ông Thái, nếu muốn mua hàng có chất lượng cao, mức phí kèm theo có thể không thấp. Sinh viên được quyền lựa chọn theo cơ chế "thuận mua vừa bán".
Vợ chồng ông Quang và bà Ngạn dự tính, ngoài vay mượn họ hàng sẽ làm hồ sơ vay vốn sinh viên dành cho hộ nghèo/cận nghèo. Tuy nhiên, thủ tục để nhận được mức vay khoảng 2,5 triệu/tháng rườm rà, thời gian đợi duyệt lâu. Ông bà đang tính tìm thêm việc để hỗ trợ ước mơ của con.
Hai tháng qua, Tuyết làm phục vụ ở quê với mức lương 13 nghìn đồng/giờ, tích được 5,6 triệu đồng. Cả gia đình vẫn đang tìm cách xoay xở thêm chi phí cho em. Sau khi nhập học, Tuyết dự định đi bán hàng ở shop quần áo và cố gắng giành học bổng.
"Với học bổng loại khá, em được học bổng bằng mức học phí, loại giỏi được thêm 1 triệu đồng và loại xuất sắc được thêm 2 triệu đồng so với mức học phí đã đóng", Tuyết nhẩm tính.
2. Đối mặt loạt chiêu trò lừa đảo
Khi mới lên Hà Nội học, Bình được một công ty bán hàng online mời chào đóng 5 triệu để nhận sản phẩm và tài khoản bán hàng với mức lãi 5-7 triệu đồng một tháng.
Bình, khi đó là tân sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền mới 18 tuổi, nhớ buổi gặp mặt diễn ra trong khán phòng lớn với khoảng gần 100 người ở Cầu Giấy. Công ty giới thiệu kinh doanh trên một nền tảng bán hàng trực tuyến.
"Họ chia sẻ về cách kiếm tiền, một vài nhân viên mới cầm cục tiền lớn và nói đó là thu nhập của họ trong thời gian đầu", Bình, mới ra trường, nói.
Sau khi tư vấn và giới thiệu ít phút, học viên được chia đội và hô khẩu hiệu quyết tâm. Nhân viên cũ hướng dẫn người mới đi đóng phí và đăng ký nhận hàng, tài khoản. Bình khi đó không đủ tiền, lại thấy vô lý khi chưa biết sẽ bán hàng gì, nên ra về. Tuy nhiên, nhiều người đi cùng Bình hào hứng mua các gói 15-20 triệu đồng.
Theo cô Đặng Hương Giang, Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Đại học Thủy lợi, chiêu lừa làm việc thêm với mức lương hấp dẫn vẫn đang được sử dụng, nhắm đến các tân sinh viên. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu công việc các đối tượng sẽ yêu cầu sinh viên nộp nhiều khoản phí như tài liệu, đồng phục, tài khoản, hàng hóa, nhưng sau đó mức thu nhập không như hứa hẹn, hoặc chỉ là công ty ảo.
"Các em nên cẩn trọng trước những khoản phí phụ thu, đặc biệt chú ý tìm hiểu kỹ công việc, nhiều đối tượng sẵn sàng thuê người môi giới và giới thiệu mức lương ảo để tạo lòng tin", cô Giang nói.
Ngoài ra, nhiều sinh viên bị lừa lấy thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng. Tháng 8/2022, khi Hoài Thu, sinh viên năm thứ hai một trường đại học ở Cầu Giấy lên mạng bán một chiếc váy cũ, có người nhận là du học sinh ở châu u hỏi mua hàng và thông tin chuyển khoản. Sau đó, người này chụp cho Thu biên lai chuyển khoản, nhìn thoáng qua thấy không có vấn đề. Khi nữ sinh thắc mắc chưa nhận được tiền, người này gửi cho cô một dãy 10 số, hướng dẫn Thu đăng nhập vào một trang ngân hàng quốc tế để nhận tiền và có thêm ưu đãi.
"Nghe nhận thêm tiền em đã thấy nghi vấn, nói mạng lag chưa thể vào nhập mã, người này liền thay đổi thái độ và nói em làm mất phí giao dịch ngân hàng của họ", Thu nhớ lại.
Hôm sau, nữ sinh tò mò xem lại và nhận ra liên kết này đã xuất hiện trong cảnh báo lừa đảo trên một kênh truyền hình. Nếu đăng nhập và liên kết tài khoản, số tiền trong tài khoản gốc có thể không cánh mà bay.
Một lãnh đạo của trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP HCM), cho biết nhà trường từng bị một số đối tượng đã giả mạo gửi thông báo trúng tuyển và học bổng hồi cuối tháng 8, yêu cầu tân sinh viên nộp hồ sơ đầy đủ và hoàn thành học phí đúng hạn.
Theo vị này, các đối tượng sẽ thu thập thông tin cá nhân quan trọng của người học như căn cước công dân, tài khoản ngân hàng. Từ đó, những người này thực hiện các hành vi lừa đảo như vay tín dụng đen, thế chấp giấy tờ, bán dữ liệu cho môi giới việc làm ảo.
Việc giả mạo trường lừa tân sinh viên chuyển khoản học phí ngày càng nhiều.
Hôm 7/9, trường Đại học Văn Lang (TP HCM) ghi nhận có thí sinh bị lừa đóng học phí nhập học lên tới 86,6 triệu đồng qua tài khoản vì một thông báo giả mạo nhà trường. Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh cũng cho biết có một số tân sinh viên bị kẻ gian mạo danh giám đốc ngân hàng lừa chuyển món tiền này.
Đại diện một số trường cho biết cũng ghi nhận một mánh khóe lừa đảo khác là đóng giả chủ nhà trọ chiếm đoạt tiền đặt cọc thuê nhà của các tân sinh viên.
Đại diện các trường cho rằng, các chiêu lừa đảo hiện nay ngày càng tinh vi, giả từ tên tài khoản đến dấu đỏ, chữ ký hiệu trưởng. Đối tượng được nhắm đến là tân sinh viên mới trúng tuyển đại học vì các em chưa có nhiều hiểu biết, đang có tâm lý vui vẻ, mất cảnh giác, nhất là đối với các sinh viên ngoại tỉnh.
Theo cô Giang, trường Đại học Thủy lợi đã kết hợp cùng công an thành phố tập huấn, trao đổi các kỹ năng với tân sinh viên để phòng chống lừa đảo. Trong khi đó, trường Đại học Nguyễn Tất Thành làm các video giả định tình huống lừa đảo thực tế thường gặp để truyền tải tới sinh viên.
Các thông tin về học phí và khoản thu đầu năm, tân sinh viên được khuyên liên hệ phòng Kế toán hoặc phòng Tuyển sinh và Truyền thông của trường theo học để được hỗ trợ.
3. Hỗ trợ tân sinh viên thích ứng với môi trường mới
3.1 Tiếp đón chu đáo
Hơn 1.200 thí sinh trúng tuyển đợt 1 đã hoàn tất thủ tục nhập học và chính thức trở thành tân sinh viên Khóa (K20) của Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ). TS Hoàng Công Kiên – Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Công tác tiếp đón và làm thủ tục nhập học diễn ra chu đáo, bảo đảm thuận tiện, nhanh gọn, tạo được không khí vui tươi phấn khởi cho tân sinh viên và người nhà.
Lực lượng sinh viên tình nguyện nhiệt tình đón tiếp, hỗ trợ tân sinh viên nhập học với nhiều hoạt động thiết thực như: Hướng dẫn phụ huynh và tân sinh viên quy trình thủ tục nhập học, kiểm tra thông tin trên hồ sơ, đăng ký phòng ở ký túc xá… Đồng thời, tổ chức “mini Tour HVU” bằng xe điện. Tạo điều kiện để phụ huynh và sinh viên tham quan, khám phá không gian học tập mới của nhà trường. Trường ĐH Hùng Vương cũng đã tổ chức gặp mặt và trao thưởng cho các tân sinh viên thông qua Chương trình “Live show Chào tân sinh viên”.
Từ ngày 3/10 – 9/10, Trường ĐH Công đoàn (Hà Nội) tổ chức đón tiếp hơn 2.000 tân sinh viên. Để tân sinh viên làm thủ tục nhập học được thuận lợi, nhanh chóng và chính xác, các đơn vị trong trường đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị chu đáo, đầy đủ điều kiện cần thiết để chào đón các em. Trước ngày nhập học, Phòng Đào tạo gửi thư và liên lạc điện thoại đến thí sinh để thông báo kết quả trúng tuyển và thủ tục nhập học.
Trung tâm Truyền thông và Quan hệ Công chúng trực tư vấn (24/7) trên các kênh mạng xã hội của trường, nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc của thí sinh về tuyển sinh và nhập học. Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên tập huấn kỹ lưỡng cho 150 tình nguyện viên, sẵn sàng ra quân hỗ trợ thí sinh...
Ngay sau khi nhập học, Trường ĐH Công đoàn đã có kế hoạch tổ chức cho toàn thể tân sinh viên tham dự “Tuần sinh hoạt công dân” bắt đầu từ ngày 10/10/2022 để các em kịp thời nắm vững những vấn đề mới cần quan tâm trong đời sống chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước, cung cấp những thông tin hữu ích và kỹ năng cần thiết cho tân sinh viên, trên cơ sở đó các em vận dụng sáng tạo, phù hợp vào học tập, rèn luyện tại Trường.
Các trường đại học cũng dần triển khai các công tác hỗ trợ, giúp đỡ tân sinh viên
3.2 Chống “sốc” cho tân sinh viên
Hơn 1.600 tân sinh viên của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã hoàn tất các thủ tục nhập trường trong niềm vui hân hoan, rạng rỡ và tự hào khôn xiết. Hạnh phúc đưa con đi nhập học, chị Nguyễn Thanh Hoa, quê Nam Định - bộc bạch, cả nhà đều háo hức mong đến ngày con nhập học. Nay điều đó đã trở thành hiện thực nên ai nấy đều vui mừng, quên đi mệt mỏi của chuyến xe đường dài.
“Tôi thấy, công tác tiếp đón tân sinh viên của trường rất chuyên nghiệp. Từ các thầy cô cán bộ đến các bạn sinh viên đều vui vẻ, thân thiện và nhiệt tình. Mọi người chỉ dẫn chu đáo, tỉ mỉ nên thủ tục nhập trường của các con thuận lợi, nhanh chóng. Tôi tin, con chúng tôi sẽ có 4 năm học tập thành công và hạnh phúc tại ngôi trường này”, chị Hoa chia vui.
Với 29,5 điểm, Hà Thị Luân Chuyên đã chính thức trở thành sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học của Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ). Luân Chuyên cho biết, em đã hoàn tất thủ tục nhập học và ở lại kí túc xá để tiện cho việc học hành. “Em đã chờ đợi ngày này từ lâu, nay trở thành sinh viên, bước chân vào giảng đường mà thấy vui sướng, tự hào. Ngày đầu nhập trường, dù có chút bỡ ngỡ nhưng em đã được các thầy, cô giáo, anh chị sinh viên tình nguyện tiếp đón, hướng dẫn chu đáo nên em không cảm thấy xa lạ và nhanh chóng hòa nhập”, Luân Chuyên chia sẻ.
Hiểu được tâm trạng háo hức, mong chờ của tân sinh viên và phụ huynh, TS Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn (Hà Nội) đã gửi thư chúc mừng tới tân sinh viên. Trong thư, TS Lê Mạnh Hùng bày tỏ tin tưởng với bản lĩnh, trí tuệ, thái độ học tập, nghiên cứu khoa học và rèn luyện nghiêm túc, cùng sự dìu dắt của thầy cô, tân sinh viên sẽ đạt được ước mơ và có nhiều kỷ niệm đẹp trong quãng thời gian sinh viên tại trường.
Chia sẻ với các tân sinh viên, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhắn nhủ: 4 năm thanh xuân gắn với ngôi trường đại học, vì thế các em cần trau dồi kiến thức chuyên môn thật tốt, rèn luyện những kĩ năng hữu ích trong cuộc sống và công việc sau này. Chỉ có trái tim nhiệt huyết mới đưa các em đi xa trên con đường nghề nghiệp.
Đối với quá trình nghiên cứu và học tập, các em cần tham gia đầy đủ các môn học, đặc biệt là những môn thực hành. Điều đó sẽ có ích khi kiến thức được áp dụng vào thực tế. Các em cũng nên tìm hiểu và hoàn thành các chứng chỉ cần thiết mà nghề nghiệp trong tương lai có thể sử dụng.
TS Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) cho rằng, nếu không chuẩn bị tâm lý, kỹ năng tốt, tân sinh viên có thể bị “sốc”, không kịp thích ứng với môi trường mới; thậm chí có thể trượt dài trong thất bại. Để tránh rơi vào tình cảnh này, các em cần nghiên cứu kỹ quy định đào tạo của trường mình theo học. Theo dõi thông tin đào tạo thường xuyên của nhà trường thông qua các kênh chính thống. Đặc biệt, các em nên xây dựng kế hoạch học tập theo từng năm, từng kỳ, từng môn học và đặt mục tiêu từng bước đạt được.
“Các em cũng nên tận dụng tối đa sự hỗ trợ của các giảng viên cố vấn. Thà hỏi cố vấn một câu thừa còn hơn quyết định sai và lãnh hậu quả. Các em chỉ nên đi làm thêm khi hoàn thành tốt việc học tập tại trường, vì đây là nhiệm vụ chính yếu”, TS Hoàng Trung Học nhấn mạnh.
> Sắp có kết quả kiểm tra phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT 2022 tại 10 địa phương
Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp