Trước khi bước sang 10 tuổi, trẻ nên được hiểu rõ tầm quan trọng của sự trung thực, tôn trọng cũng như đồng cảm cùng mọi người xung quanh.
1. Thành thật
Với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ mới biết đi, nói dối là cách phổ biến để tránh bị phạt. Khi phát hiện trẻ không trung thực, bạn cần nhẹ nhàng, tạo cơ hội để trẻ thành thật.
Donna Laikind, nhà trị liệu tâm lý ở New York và Connecticut, cho rằng cách tốt nhất để rèn cho trẻ tính trung thực là bạn phải trở thành tấm gương tốt. Bà so sánh trẻ nhỏ như tấm bọt biển, hấp thu và học theo những hành động của người lớn. Do đó, bạn cần thành thật với trẻ trước, sau đó dạy trẻ cách thành thật với mình.
Đôi khi, việc nói ra sự thật sẽ gây một chút rắc rối với cả bạn và trẻ. Từ việc này, bạn cần nhấn mạnh cho trẻ hiểu trung thực không phải lúc nào cũng dễ dàng. Tuy nhiên, nếu có thể trở thành một người trung thực ngay từ nhỏ, trẻ sẽ biết cách đạt được những thành tựu trong tương lai bằng chính nỗ lực của mình.
2. Đặt câu hỏi
Ở tuổi lên 4, trẻ bắt đầu có những câu hỏi "vô thưởng vô phạt" như "Tại sao bầu trời lại có màu xanh?" hoặc tỏ ra triết lý "Tại sao mọi người lại ghét nhau?".
Theo tiến sĩ Janna Mohr Lone, Giám đốc Trung tâm Triết học dành cho trẻ em, Đại học Washington, nuôi dưỡng tính tò mò là yếu tố quan trọng để trẻ hiểu các giá trị một cách trọn vẹn hơn. Việc này tạo tiền đề để trẻ tiếp cận nhiều lĩnh vực mới, có thêm trải nghiệm và kỹ năng sống.
Bà Janna khuyên phụ huynh không nên tỏ ra mệt mỏi và khó chịu mỗi khi trẻ đặt câu hỏi. Thay vào đó, bạn nên dành khoảng một tiếng trước khi đi ngủ để giải đáp thấu đáo những câu hỏi của trẻ nếu trong ngày chưa có thời gian. Việc này giúp bạn tránh bị trẻ làm phiền trong lúc làm việc và tạo cơ hội gắn kết với trẻ hơn.
Đây là giai đoạn phụ huynh nên dành nhiều thời gian để giải đáp những tò mò của con trẻ
3. Tôn trọng, lễ phép
Ở trẻ dưới 10 tuổi, hành vi thể hiện sự tôn trọng không cần quá to tát mà đơn giản là biết lắng nghe bạn bè, nói chuyện lễ phép với bố mẹ, thầy cô và người lớn tuổi. Bạn có thể dạy trẻ bằng cách dặn dò "Khi người đối diện đang nói, con cần im lặng" hoặc "Khi có điều gì chưa hài lòng, hãy phản hồi lễ phép, chừng mực"... Xa hơn, việc này sẽ xây dựng cho trẻ phẩm chất tôn trọng sự khác biệt của người khác.
4. Kết nối cảm xúc
Đồng cảm thường là giá trị cốt lõi của một gia đình bởi khi một đứa trẻ hiểu và biết kết nối cảm xúc với người khác, các mối quan hệ sẽ được xây dựng bền chặt hơn. Tuy nhiên, đây thường là khái niệm mơ hồ nhất đối với trẻ.
Để bắt đầu, bạn hãy tận dụng những cơ hội đơn giản như khi trẻ ném bóng vào người con gấu bông, bạn hãy nói "Ối, bạn gấu sẽ bị đau đó con". Việc này giúp trẻ coi đồ vật giống như một con người và đối xử lịch sự, tôn trọng hơn.
Đồng cảm trở nên quan trọng hơn khi trẻ đi học, gặp gỡ nhiều bạn bè có hoàn cảnh khác nhau. Để mở rộng hiểu biết và cảm nhận của trẻ về sự đồng cảm, bạn nên cho trẻ tham gia các hoạt động tình nguyện, xã hội để có cơ hội chia sẻ và trò chuyện với nhiều người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Việc trở thành một đứa trẻ có sự đồng cảm sẽ giúp trẻ có nhiều mối quan hệ bạn bè thân thiết, bền chặt và xây dựng được một gia đình bền chắc sau này.
5. Có ý chí
Đối với nhiều người, khái niệm quyết tâm thường bị hiểu sai là táo bạo, hướng ngoại và thích mạo hiểm. Trên thực tế, phẩm chất này tạo cho trẻ khả năng giải quyết vấn đề bằng cách cố gắng hết sức, không bỏ cuộc.
Theo các chuyên gia, một trong những rào cản lớn nhất với sự quyết tâm của trẻ là bố mẹ dọn đường, nghĩa là làm thay trẻ mọi việc khó khăn. Tuy nhiên, bạn cần hiểu việc làm hộ sẽ khiến trẻ không có cơ hội được tiếp cận bài học khi thất bại. Quyết tâm sẽ hình thành và phát triển mạnh mẽ sau khi trải qua thất bại, cho phép trẻ làm chủ hành động của mình và tạo ra khả năng thành công cao hơn trong tương lai.
Theo VnExpress