Khi sử dụng Internet, phụ huynh nên đảm bảo thông tin của trẻ được bảo mật cao nhất, đồng thời cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đăng bài.
https://kenhtuyensinh.vn/nhung-cach-day-tre-hoc-tai-nha-don-gian-va-hieu-qua-nhat
Buổi hội thảo “Công dân thời đại kỹ thuật số và An toàn trực tuyến” mới đây do trường Quốc tế đa cấp Anh Việt Hà Nội (BVIS Hà Nội) tổ chức có sự tham gia của ông Tim Gerrish, sáng lập Tổ chức Tư vấn Quốc tế về Bảo vệ Trẻ em (ICPA), ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em. Hai ông đã đưa ra lời khuyên giúp giới trẻ không bị ảnh hưởng bởi những tác động xấu từ thông tin trên mạng.
Bảo vệ con trên Internet - Phụ huynh nên làm gì?
Cư xử đúng mực trong môi trường trực tuyến
Luôn cư xử tốt trong môi trường trực tuyến và đối xử với người khác theo cách bạn muốn được mọi người đối xử. Nếu ai đó nói hoặc làm điều gì khiến bạn phiền lòng thì bạn đừng trả lời, vì điều này làm mọi việc trở nên tồi tệ và có thể trở thành xung đột ngoài đời thực.
Thay vì đáp trả, người dùng mạng nên chặn người này trong danh sách bạn bè đồng thời tâm sự với người thân và báo cáo trường hợp trên với ban quản trị trang web. Nếu bị bắt nạt trực tuyến, bạn có thể thu thập bằng chứng rồi đưa chúng cho người lớn bằng cách chụp ảnh màn hình, lưu lại các bức ảnh và email.
Thông tin cá nhân phải được bảo mật
Mạng xã hội vốn rất phức tạp, do vậy các bạn trẻ nên cân nhắc kỹ trước khi chia sẻ những thông tin như nơi ở, địa chỉ email hoặc trường học trên hồ sơ cá nhân, khi nói chuyện trực tuyến. Những thông tin cá nhân của bạn có thể được chia sẻ với nhiều người khác và bạn sẽ khó kiểm soát được việc này.
Dùng mật khẩu có độ khó cao
Đây là cách giúp người dùng bảo vệ bản thân khỏi tin tặc. Hãy sử dụng cả chữ hoa và chữ thường cùng các con số trong mật khẩu và không chia sẻ mật khẩu với người khác, kể cả bạn bè.
Không chia sẻ danh tính
Nhiều người nghĩ rằng mình biết rất rõ về một người bạn trên mạng, tuy nhiên trong môi trường trực tuyến, việc nói dối rất dễ dàng. Ngay cả khi một ai đó cho bạn xem hình ảnh hoặc video của họ, đó có thể là ảnh của người khác hoặc là ảnh giả. Do vậy, nên suy nghĩ cẩn trọng và không tiết lộ danh tính thật với những người mình nói chuyện và quen trên mạng.
Cài đặt chế độ riêng tư
Thay đổi thiết lập riêng tư, chỉ nên để bạn bè mới có thể đăng thông tin và xem thông tin mà bạn chia sẻ trên các trang xã hội. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra thiết lập riêng tư bởi các trang web thường cập nhật thông tin, thay đổi chế độ thiết lập ban đầu của người dùng.
Chặn những phương tiện không phù hợp
Nếu bạn cảm thấy có điều gì đó không ổn, suy nghĩ này hoàn toàn có thể đúng. Bạn không phải làm bất kỳ điều gì bạn không muốn. Nếu cảm thấy không thoải mái với điều mà người khác nói hoặc yêu cầu mình làm bất cứ việc gì trên mạng xã hội, phòng chat, tin nhắn nhanh (Instant Messenger) hoặc qua webcam... hãy chặn họ và tìm phương pháp giải quyết phù hợp.
Cân nhắc trước khi chia đăng bài
Nên cân nhắc kỹ trước khi điền vào các mẫu đơn trực tuyến, cập nhật trạng thái hoặc đăng ảnh và video của bạn hay bạn bè. Bạn nên suy nghĩ xem những ai có thể đọc thông tin bạn đăng tải trực tuyến bởi một khi bạn đã chia sẻ thông tin, bạn rất dễ mất kiểm soát chúng.
Không gặp người lạ qua mạng
Nếu bạn đã kết bạn trực tuyến với một ai đó và quyết định gặp mặt hãy đi cùng một người lớn mà bạn tin tưởng nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân.
Kiểm tra quyền riêng tư
Nếu có tài khoản trên một trang web nhưng không còn sử dụng, bạn nên quay lại và kiểm tra thiết lập riêng tư của mình cũng như việc thông tin và hình ảnh cá nhân của bạn đang được chia sẻ với những ai. Tốt nhất người dùng nên đóng tài khoản khi không sử dụng nó nữa.
Tâm sự cùng gia đình
Bất cứ khi nào bạn nhìn thấy điều gì trên môi trường trực tuyến làm bạn buồn hoặc có chuyện gì xảy ra khiến bạn cảm thấy khó chịu, hãy tâm sự với một người lớn mà bạn tin tưởng để tìm ra cách giải quyết phù hợp.
> Dạy con bảo vệ môi trường ngay từ khi còn nhỏ
> Dạy trẻ quản lý thời gian tối ưu bằng những phương pháp đơn giản
Theo VnExpress