Bạn nghe nhiều về môi trường làm việc Gen Z? Nhưng bạn lại không hiểu rõ lắm Gen Z là gì? Hãy theo chân Kênh tuyển sinh tìm hiểu nhé!
1. Gen Z là gì?
Gen Z (Generation Z), hay còn gọi là Thế hệ Z, là thuật ngữ được dùng để chỉ nhóm người được sinh ra vào khoảng thời gian từ 1997 đến 2012.
- Thế hệ Im lặng (The Silent Generation): Sinh trước năm 1946. Họ là nhóm người sinh ra và lớn lên trong điều kiện khó khăn nhất khi kinh tế và chính trị còn bất ổn. Hoàn cảnh sống đã mang lại lối cư xử thận trọng, tận tâm và mưu cầu cuộc sống ổn định của họ. Đây cũng chính là thế hệ ông bà của nhiều bạn trẻ Gen Z đời đầu ngày nay.
- Thế hệ Bùng Nổ Trẻ Sơ Sinh (Baby Boomers): Sinh năm 1946-1964. Có 2 kiểu người phổ biến của thế hệ này. 1 là đã về hưu nghỉ ngơi, ổn định cuộc sống. 2 là thường có sự nghiệp vững vàng với các vị trí cao cấp (CEO,…). Nắm giữ những “chiếc ghế” giỏi giang cũng đồng nghĩa với tham vọng cao, sự trung thành, kỷ luật, tập trung vào công việc của họ.
- Thế hệ X (Gen X): Sinh năm 1965-1980 và họ cũng được coi là đã có tuổi vào thời điểm hiện tại, chịu ảnh hưởng của nếp sống thế hệ cũ. Họ được đánh giá là nhóm có học thức, hướng tới công việc ổn định, làm việc độc lập, tự chủ, tháo vát và linh hoạt.
- Thế hệ Y (Gen Y): Thế hệ “anh chị” của Gen Z (Đọc thêm thông tin bên dưới nhé).
- Thế hệ Z (Gen Z)
- Thế hệ Alpha (Gen α): Thế hệ “em út” tại thời điểm hiện tại (Đọc thêm thông tin bên dưới nhé).
Những điều cần biết về môi trường làm việc Gen Z
Nếu Gen Y nổi tiếng là thế hệ nhảy việc, thì ở Gen Z, xu hướng nhảy việc có phần giảm. Dù Gen Z là thế hệ ưa thích sự mới lạ, nhưng cũng là thế hệ chuộng tính ổn định trong cuộc sống và công việc, chính vì vậy, thế hệ này có thời gian gắn bó với doanh nghiệp dài hơn Millennials.
Tuy nhiên, mức độ tham vọng sự nghiệp của Gen Z lại cao hơn Gen Y rất nhiều. Điều này có thể thấy, nếu Gen Z nhận ra rằng bản thân đã chinh phục được mọi thử thách, khó khăn ở vị trí hiện tại, thì họ sẵn sàng “dứt áo ra đi” để tìm nơi có nhiều thử thách để phát triển bản thân của mình. Đó cũng là lý do vì sao các Gen Z ngày nay lại cực kỳ bị thu hút bởi môi trường Startup đầy thử thách và mang tính cọ xát với thực tế cao.
Cũng vì khao khát phát triển bản thân trong sự nghiệp, một trong những phúc lợi mà Gen Z quan tâm nhất khi tìm hiểu về công ty, chính là hành trình phát triển sự nghiệp khi đồng hành cùng công ty. Khi phải lựa chọn giữa một vị trí thực tập có thể mở ra nhiều cánh cửa và một công việc với mức lương cao hơn, thế hệ Z thường nhìn vào con đường lâu dài và 93% sẽ lựa chọn trở thành một thực tập sinh thay vì mức lương cao. Do đó, khi các nhà quản lý nhân sự muốn tiết kiệm chi phí tuyển dụng và giữ chân nguồn nhân lực thế hệ Z, hãy chú trọng vào những giá trị thật sự (ngoài lợi nhuận) mà công ty có thể mang lại cho họ. Lộ trình thăng tiến rõ ràng và khả thi, cùng chương trình đào tạo chất lượng, những thử thách hấp dẫn sẽ khiến thế hệ này trung thành với doanh nghiệp nhiều hơn.
2. Những yếu tố tạo nên môi trường làm việc lý tưởng của Gen Z
Bất kỳ cuộc đối thoại nào về xây dựng môi trường làm việc hiệu quả nhất luôn bắt đầu bằng câu hỏi: “Đội ngũ nhân viên muốn một văn phòng như thế nào?”
Đối với các nhân viên Gen Z, yêu cầu tối quan trọng ở một văn phòng hiện nay là sự thoải mái. Điều này bao gồm nhiều yếu tố khác nhau. Bạn My (sinh năm 1998), một đại diện cho nhóm nhân viên này cho hay: “Sự thoải mái đối với bọn mình rất quan trọng. Mình muốn được là chính mình, làm những gì mình thích, và không bị giới hạn bởi những khuôn mẫu gò bó. Và bọn mình cũng không muốn bị phán xét về bề ngoài của mình, hay cách bọn mình làm việc. Chính vì thế những không gian riêng trong văn phòng cũng rất quan trọng đối với bọn mình.”
Tính chuyên nghiệp, hiện đại, và sáng tạo là các yếu tố khác mà khoảng 30% số nhân viên Gen Z đã đề cập tới khi nói về văn phòng lý tưởng. Trong khi đó, nhóm Millennial chú trọng hơn đến một văn phòng có sự yên tĩnh, dễ chịu và có các khu vực giúp họ tập trung cao độ. Kết quả này tương đồng với số liệu thu thập được về cách thức làm việc của Gen Z.
3. Đề cao tính sáng tạo và khả năng phát triển nội dung
Thiết kế văn phòng sáng tạo đi đôi với nhu cầu sáng tạo của Gen Z. Một văn phòng với không gian thu hút có thể là yếu tố chủ chốt khi lựa chọn nơi làm việc. Lý do không chỉ là vì để thỏa mãn phần nhìn, mà còn là cái để họ có thể khoe với người khác rằng, “Văn phòng của tôi xịn thế đấy!” Điều này sẽ bổ trợ mạnh mẽ cho các sáng kiến xây dựng thương hiệu của nhà tuyển dụng.
Một môi trường tạo ra được nhiều “nội dung” để chia sẻ cho thấy làm việc ở công ty bạn hào hứng như thế nào. Theo tờ Wall Street: “Ngày càng có nhiều công ty thiết kế văn phòng với nhiều tác phẩm nghệ thuật vui mắt mà nhân viên hay khách hàng có thể chụp ảnh lại và chia sẻ trên mạng xã hội. Mục đích của việc này là khiến cho thương hiệu của họ trông thời thượng hơn, nhằm thu hút và bắt nhịp với phong cách của các ứng viên, cũng như tăng năng suất làm việc và tính sáng tạo của nhân viên.”
Điều này cũng đòi hỏi văn phòng cần liên tục thích nghi và chuyển mình để luôn giữ được sức hút và tạo ra “nội dung” mới mỗi ngày. Bằng cách lên kế hoạch đăng tải nội dung về không gian làm việc trên mạng xã hội, qua những bài đăng với các cột mốc đáng nhớ, các sự kiện, những buổi liên hoan, sẽ giúp quảng bá văn hoá nơi công sở của bạn, cũng như gia tăng lượng nội dung được tạo ra từ nơi làm việc.
4. Môi trường ăn uống, giải trí dành cho Gen Z
Mặc dù chuyện ăn uống thường bị xem nhẹ, nhưng đây là yếu tố rất quan trọng đối với Gen Z. Chỉ cần quan sát các cửa hàng tiện lợi, quán trà sữa, và các tiệm ăn lề đường sẽ thấy tình yêu dành cho ẩm thực luôn là nét đặc trưng của văn hoá Việt Nam. Đối với người trẻ Việt, dù là ở trong- hay gần nơi làm việc, quan trọng nhất vẫn là sự đa dạng về lựa chọn trong khoản ăn uống.
Nhu cầu này có thể được đáp ứng bằng một tủ đựng thức ăn vặt, hoặc nếu văn phòng được trang bị khu vực quầy ăn, hoặc có thức ăn chuẩn bị sẵn thì càng tốt. Dĩ nhiên, các ứng dụng đặt thức ăn đồ uống như Grab, Baemin, Now,... luôn sẵn sàng phục vụ. Nhưng sẽ càng tuyệt vời hơn nếu có thêm nhiều món sẵn có ở ngay trong văn phòng.
So với nhóm thế hệ Millennial, những điểm này quan trọng và thu hút nhóm Gen Z nhiều hơn. Thực tế, số liệu về nhu cầu ăn uống tại văn phòng là điểm khác biệt lớn nhất giữa hai nhóm trong nghiên cứu của chúng tôi. Có đến gần gấp đôi số nhân viên thuộc nhóm Gen Z so với nhóm Gen Y muốn có một tủ thức ăn vặt hay máy bán hàng tự động.
Gen Z cũng chiếm tỉ lệ 24% cao hơn nhóm còn lại với mong muốn có khu vực quầy ăn trong văn phòng. Bên cạnh đó, nhiều nhân viên trong nhóm Millennial muốn có khu vực để ăn chung với nhau hơn, trong khi chỉ có 1 trong 4 nhân viên thuộc nhóm còn lại đồng quan điểm. Đây là những gì ban lãnh đạo một công ty cần quan tâm để thiết kế nơi làm việc tốt hơn.
Bạn My (sinh năm 1998) chia sẻ: “Bọn mình thường dành thời gian trong ngày để nhâm nhi ăn quà vặt và trò chuyện với đồng nghiệp. Vì thế mình muốn có nhiều lựa chọn phục vụ cho nhu cầu này, có thể là ở ngay trong văn phòng, hoặc trong toà nhà mà mình đến làm việc.”
5. Sức khỏe là một trong những ưu tiên hàng đầu
Yếu tố sức khỏe giữ vai trò chủ chốt trong thiết kế văn phòng. Số liệu cho thấy nhóm Gen Z dễ chịu ảnh hưởng bởi áp lực hơn nhóm Millennial đến 51%. Nhu cầu cần được chăm sóc sức khỏe ở những nhân viên thuộc Gen Z cần được chú trọng hơn trong môi trường làm việc, bắt đầu từ không gian văn phòng.
Trước hết, 6 trên 10 nhân viên Gen Z mong muốn văn phòng của họ có chỗ nghỉ trưa. Theo Deloitte: “Ngủ là cách đạt năng suất lao động hiệu quả nhất.” Trên thực tế, chuyện ngủ nghỉ quan trọng đến mức nhiều công ty sẵn sàng trả lương cho nhân viên để đến làm việc mà vẫn được nghỉ ngơi thoải mái. Và mặc dù “văn hoá ngủ” không xa lạ gì trong các văn phòng ở Việt Nam, vẫn còn nhiều nơi còn thiếu không gian nghỉ trưa hợp lý cho nhân viên.
Người trẻ thuộc Gen Z cũng muốn có cây xanh và khí trời trong văn phòng (58%). Lợi ích của việc bổ sung mảng xanh được khẳng định lại trong một nghiên cứu thực hiện gần đây bởi Đại học Harvard trên 10 tòa nhà có năng suất làm việc cao. Qua đó chứng minh được mối quan hệ mật thiết giữa sức khoẻ nhân viên với kết quả kinh doanh, và vai trò của không gian xanh nơi công sở.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, có đến 69% trên tổng số nhân viên nhóm Gen Z cho biết sự cân bằng giữa cuộc sống - công việc và sức khỏe tinh thần là hai điều không thể thiếu khi nói đến môi trường làm việc. Những hoạt động như lớp yoga sau giờ làm, hay các buổi chia sẻ góp ý tích cực nhằm thúc đẩy hành vi lành mạnh trong công sở, có thể dễ dàng bổ sung vào môi trường làm việc.
6. Cách thức xây dựng một văn phòng lý tưởng dành cho Gen Z
Trong bối cảnh đại dịch COVID vẫn đang tiếp diễn, hầu hết các nhân viên đã dần thích nghi (trong một chừng mực nào đó) với cách làm việc tại nhà. Chính vì thế, hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp càng cần nỗ lực hơn nữa để tạo ra môi trường làm việc mà ở đó nhân viên cảm thấy muốn đi làm, thay vì phải đi làm.
Đối với Gen Z, danh sách những yêu cầu cho một “văn phòng trong mơ” chắc hẳn không ngắn, nhưng không có nghĩa là bất khả thi. Đầu tiên, đảm bảo văn phòng của bạn thật thoải mái, là nơi mà nhân viên của bạn được là chính mình, không phải chịu sự gò bó của những khuôn mẫu hay dị nghị, và được làm việc theo cách họ muốn.
Bên cạnh đó, môi trường làm việc cần phải chuyên nghiệp, hiện đại, sáng tạo và vui tươi. Hãy tạo ra nhiều không gian khác nhau phù hợp cho những cá tính, công việc và nhiệm vụ khác nhau. Đồng thời cũng cần có những khu vực yên tĩnh và tập trung để nhân viên làm việc độc lập, hoặc khi trao đổi công việc qua mạng (gọi video, họp online,..)
Hãy để nhân viên của bạn sử dụng năng lực sáng tạo của họ và thiết kế những không gian có thể tạo ra được nhiều nội dung. Nhóm nhân viên Gen Z sẽ không tiếc công quảng bá môi trường làm việc “xịn sò” của họ, nhất là khi không gian đó luôn giữ được nét mới mẻ, khơi dậy cảm hứng để họ sáng tạo ra nhiều “nội dung” nhằm chia sẻ trên mạng xã hội hơn.
Đừng quên thêm vào những lựa chọn phục vụ cho nhu cầu ăn uống, như tủ thức ăn vặt hay khu vực quầy ăn tại văn phòng. Nhân viên của bạn sẽ cảm thấy được thấu hiểu và chăm sóc tận tình hơn rất nhiều khi họ không phải đi ra ngoài mua đồ ăn thức uống.
Và cuối cùng, thiết kế môi trường làm việc chú trọng đến sức khỏe tinh thần và thể chất cho nhân viên. Người trẻ thuộc Gen Z vốn chịu nhiều áp lực từ chính họ và từ những người xung quanh. Vì thế, hãy mang lại cho họ một không gian làm việc lành mạnh bằng nhiều cách, như bổ sung các không gian nghỉ ngơi và thư giãn, và chăm lo đến sức khỏe tinh thần của họ.
> Mách bạn cách sử dụng ngôn ngữ cơ thể hiệu quả
> Cách bắt tay đúng cách trong văn hóa giao tiếp
Theo Kênh tuyển sinh tổng hợp