Nhờ vả đồng nghiệp là một nghệ thuật giao tiếp mà bất kỳ nhân viên văn phòng nào cũng cần phải tìm hiểu. Hãy cùng Kênh tuyển sinh tìm hiểu nhé!
1. Hỏi đúng người
Đây là điều tưởng chừng rất cơ bản nhưng nhiều người lại hay quên. Bạn có bao giờ bị nhờ làm một việc mà hoàn toàn không liên quan đến chuyên môn hay lĩnh vực của mình chưa? Khá là phiền đúng không? Vì vậy, khi có ý định hỏi ai đó, bạn nên tìm hiểu trước xem người đó có thể thực sự giúp mình hay không. Nhờ một người đang làm cho dự án A một công việc của dự án B thì khó lòng người đó có thể giúp được bạn, cho dù người đó có muốn đi chăng nữa.
Nhờ vả đồng nghiệp như thế nào cho đúng cách?
2. Canh đúng “thời cơ”
Đồng nghiệp của bạn đang bị nhấn chìm bởi hàng tá danh sách công việc và dự án, anh ta đang “vẫy vùng” giải quyết cho nhanh để còn kịp chuẩn bị cho mấy ngày nghỉ phép sắp tới. Ngay lúc này đây, bạn lại nhờ anh ấy xem giùm một bài thuyết trình trước sáng mai. Bạn nghĩ anh ta có giúp bạn không?
Việc để ý thời điểm không thích hợp để tránh rất quan trọng. Mọi chuyện có thể khác nếu bạn chú ý hơn một chút. Đừng bao giờ đưa ra những lời đề nghị sau 11 giờ khuya – tức là giờ đi ngủ của người khác. Người ta khó mà gợi lên chút “lòng tốt” khi bị hỏi vào khoảng thời gian mà ai cũng muốn nghỉ ngơi và tránh khỏi mọi áp lực, trách nhiệm.
3. Đừng… thành khẩn quá
Nghe hơi ngược đời đúng không? Nhưng sự thật là vậy đấy. Bạn cảm thấy sao khi bên tai cứ phải nghe lời “lèm bèm” này:
Cậu ơi làm ơn giúp tớ với! Kỳ này cậu không ra tay là tớ chết chắc! Chỉ có cậu mới giúp được tớ lúc này thôi! Cậu không giúp thì tớ chẳng còn biết trông cậy vào ai… (lược bỏ 3000 từ)…
Có thể bạn nghĩ phải “tha thiết” như vậy mới đánh động được “lòng trắc ẩn” của đồng nghiệp, nhưng thật ra việc phải nghe cả một bài ca than thở chẳng dễ chịu chút nào đâu. Nó làm cho người nghe khá là mệt mỏi và họ chỉ muốn thoát khỏi bạn ngay lập tức. Bạn chỉ cần lịch sự đề nghị, diễn giải tình cảnh một chút là đủ rồi, “mãnh liệt” quá chỉ khiến bạn nhận được sự từ chối thôi, đôi khi còn bị ghét nữa.
4. Nhờ trong… “thì tương lai”
Nếu bạn muốn xin phép hay nhờ vả một điều gì đó lớn lao, hãy hỏi trước đó càng lâu càng tốt. Cỡ… 11 tháng trước đó chẳng hạn.
Nghiên cứu đã chỉ ra người ta thường có xu hướng đồng ý giúp đỡ những việc sẽ xảy ra trong tương lai xa. Ví dụ như tôi rủ bạn 2 năm nữa đi dự đám cưới của tôi tổ chức ở Thái Lan, chắc hẳn bạn sẽ thấy thật vui và thú vị với cuộc hành trình đó. Nhưng nếu tôi đề nghị bạn tối mai đi xem ca nhạc, nhiều khi bạn lại ngại “đường xa ướt mưa”, kẹt xe, đông đúc mà từ chối. Khi chúng ta cân nhắc một việc trong tương lai xa, suy nghĩ thường sẽ phóng khoáng hơn, chú ý vào những khía cạnh: vui, phấn khích, hào hứng. Nhưng khi xem xét những việc ngay trước mắt, ta sẽ chú ý vào khía cạnh thực tế và logic hơn: giao thông, stress, chi phí.
Nhớ nhé, nếu bạn có điều gì khá lớn muốn nhờ, hãy làm điều đó trước càng lâu càng tốt (Sếp ơi, em muốn du lịch châu Á trong 2 tháng, Sếp “bảo lưu” công việc cho em được không? Em sẽ đi vào tháng 6 năm sau, tới lúc đó Sếp giúp em nha).
5. Nhấn mạnh rằng đối phương sẽ rất vui vẻ nếu người ta giúp mình
"Cậu sẽ không thiệt đâu! Vui lắm đấy!". Một người bạn của một người bạn của tôi có thói quen nhờ vả như thế này: "Đằng ấy sơn hộ mình cái phòng khách được không? Xong chúng mình sẽ uống bia và quẩy xuyên ngày!"
Hay là: "Cậu qua trường đón tớ được không? Lâu lắm rồi mình không gặp nhau. Tiện thể đi dạo phố luôn." Nếu người được nhờ chấp nhận những lời nhờ vả thế này, tình bạn này phải đậm sâu đáng ghi vào sách đỏ!!!
Đừng bao giờ cố thuyết phục ai đó rằng họ sẽ thấy việc giúp đỡ bạn là có lợi cho họ. Mặc dù đúng là giúp đỡ người khác có thể đem lại niềm vui nhưng việc bạn "nhắc" người ta như thế có thể làm đối phương chưng hửng. Thứ nhất, nó cho thấy bạn đang điều khiển họ, đối phương đang không có quyền tự chủ. Thứ hai, đừng định hướng cảm xúc của người khác, việc đối phương cảm thấy như thế nào sẽ do họ quyết định.
Bạn có thể chỉ ra những lợi ích đối phương có thể nhận lại nếu bạn đủ tinh tế. Tuy nhiên bạn nên cẩn thận để không trở thành kẻ ban ơn trong mắt đối phương, việc này sẽ khiến đối phương nhận ra ý đồ muốn thao túng của bạn.\
6. Nói về cách sự giúp đỡ của đối phương sẽ khiến bạn hạnh phúc như thế nào
Chúng ta đều ý thức được việc mình cần thể hiện sự biết ơn và trân trọng với sự giúp đỡ của người khác. Thế nhưng rất nhiều người mắc phải sai lầm này: Tập trung vào cảm xúc của chính mình – hạnh phúc, vui vẻ khi được người khác giúp đỡ thay vì tập trung vào người giúp đỡ.
Đúng là người giúp bạn muốn bạn được vui vẻ nhưng động cơ của họ lại phụ thuộc vào cách người đó muốn khẳng định và cả lòng tự tôn của chính họ.
Chúng ta giúp đỡ người khác vì chúng ta muốn trở thành người tốt, sống theo những lý tưởng mình đề cao và muốn được ngưỡng mộ. Người giúp đỡ bạn muốn nhìn vào khía cạnh tích cực của bản thân và việc này trở nên khó khăn nếu bạn cứ không ngừng kể lể về chính mình. Bạn đang biến mình thành ngôi sao của câu chuyện mà đó lẽ ra là vị trí của người đã giúp đỡ bạn.
> Công tác là gì? Những lưu ý khi đi công tác cùng Sếp
> TOP 7 câu trả lời thông minh cho câu hỏi phỏng vấn rập khuôn
Theo Kênh tuyển sinh tổng hợp