Trường Mầm non Thực hành Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) là trường bán công. Nhưng năm nay là năm thứ ba trường phải tổ chức bốc thăm vì năm nào, số lượng phụ huynh đến nộp hồ sơ cũng gấp 2-3 lần so với chỉ tiêu. Cảnh tượng diễn ra trong buổi tuyển sinh của trường Mầm non Thực hành Linh Đàm vừa qua khiến nhiều người nhầm tưởng đây là buổi bốc thăm trúng thưởng.
Trên thực tế, phần thưởng cho những phụ huynh may mắn là suất học vào trường cho con. Năm nay, trường tuyển 40 chỉ tiêu cho các bé sinh năm 2015. Trường không tuyển sinh đúng tuyến, không yêu cầu trẻ phải có hộ khẩu ở Hà Nội. Vì thế, hàng trăm phụ huynh đến tìm vận may. Một phụ huynh nói với phương pháp tuyển sinh này, việc trúng tuyển còn khó hơn thi đại học. Và dù đăng ký đúng tuyến nhưng nhiều trẻ vẫn không có được suất vào trường mầm non công lập, trong khi nhiều trường hợp trái tuyến lại có suất.
Quả thật, khi cơ hội của các con nằm trên lá phiếu, cha mẹ chỉ biết trông cậy vào may mắn. Nhiều phụ huynh không kìm nổi sự sung sướng, reo lên khi bốc được lá thăm trúng tuyển.
Nhưng niềm vui của người này lại là nỗi thất vọng của người khác. Nhiều người làm cha mẹ không giấu nổi nét lo âu trong khi chờ đến lượt bốc thăm. Số phiếu càng ít đồng nghĩa cơ hội vào trường càng mong manh.
Một phụ huynh cao tuổi chia sẻ niềm hạnh phúc khi bốc được lá thăm trúng tuyển cho cháu mình. Ông cảm thấy rất mừng vì cháu ông có cơ hội học tập tại đây. Trong khi đó, mặc dù khá buồn vì con không trúng tuyển, một người mẹ khác tỏ ra thấu hiểu cho nhà trường vì đoán trước tỷ lệ được chọn chắc chắn thấp. Dân số ngày càng đông thực sự gây ra áp lực nặng nề lên các trường công lập, đặc biệt ở bậc mầm non.
Tại các vùng đô thị, hầu hết trường mầm non công lập phải tính tới phương án bốc thăm. Rõ ràng, việc có một suất học tại trường mầm non công lập ở Hà Nội là điều không hề dễ dàng. “Tỉ lệ chọi” vào các trường mầm non công lập còn ngang thậm chí cao hơn vào đại học.
Ngày 14/7 vừa qua, hơn 160 phụ huynh có con sinh năm 2014 tham gia bốc thăm may mắn tại trường mầm non Hoa Sữa thuộc khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) để tìm suất cho con vào lớp mẫu giáo 3 tuổi. Năm nay, trường có 91 chỉ tiêu cho lớp mẫu giáo 3 tuổi, nhưng có đến 186 trẻ đăng ký. Và không có biện pháp nào khả dĩ hơn là bốc thăm may mắn.
Nếu không may mắn, phụ huynh đành “bấm bụng” gửi con vào các trường mầm non dân lập. Có thể nói, nhiều khu đô thị mới của Hà Nội đang “khát” mầm non công lập.
Chị Ngọc Lan (khu đô thị Linh Đàm) trăn trở: “Đi học ở trường tư thục đắt đỏ đã đành nhưng người làm cha, làm mẹ còn lo hơn cả là nạn bạo hành trẻ, an toàn thực phẩm. Trường công dù sao cũng yên tâm hơn trường tư về những điều kiện này”.
Tại cuộc họp Hội đồng nhân dân diễn ra gần đây, nhiều ý kiến đề cập một cách gay gắt đến tình trạng quy hoạch trường, lớp thiếu đồng bộ của Hà Nội dẫn đến hệ quả nhiều trường mầm non đành lựa chọn phương pháp bốc thăm may mắn để tuyển sinh.
Người ta nói, thời nay phải gọi là “Đại học… Mầm non”. Bởi vào trường mầm non công lập bây giờ là ước mơ đầy thấp thỏm khi “tỉ lệ chọi” may mắn vào các trường mầm non công lập còn ngang thậm chí cao hơn vào đại học.
Với sự gia tăng dân số và sự xuất hiện của các khu đô thị mới, phụ huynh thủ đô có con nhỏ còn phải tiếp tục trông chờ vận may như trông chờ trúng số mới có tấm vé vào mầm non công lập như thế này đến bao giờ?
Theo Dân trí