Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa chính thức giải đáp những băn khoăn của thí sinh (TS) liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia 2017 và xét tuyển ĐH, CĐ.

Thí sinh có thể làm 4 hoặc 5 bài thi

Trước những băn khoăn liên quan đến việc chấm điểm các môn thi thành phần của bài thi khoa học tự nhiên (KHTN) và bài thi khoa học xã hội (KHXH), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết mỗi bài thi tổ hợp này gồm các môn thi riêng rẽ, các môn được bố trí tuần tự hết môn này đến môn khác. Kết quả chấm thi sẽ đưa ra điểm từng môn thành phần và điểm của cả bài thi tổ hợp phục vụ xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Nhằm hạn chế việc TS có thể chỉ làm bài thi đối với một số môn thành phần, bỏ qua một số môn khác trong bài thi, quy chế thi THPT quốc gia sẽ quy định cụ thể cách thức tổ chức thi và mức điểm tối thiểu đối với mỗi bài thi, môn thi (điểm liệt) để làm điều kiện xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Nhiều nguyện vọng xét tuyểnHọc sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trãi (TP HCM) trong giờ học toán Ảnh: TẤN THẠNH

Để được xét tốt nghiệp THPT, ngoài 3 môn bắt buộc, TS chọn thi thêm bài thi KHTN hoặc bài thi KHXH. Nếu có nguyện vọng, TS có thể thi cả 2 bài thi này để tăng cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ nhiều ngành khác nhau. Khác với các năm trước, năm nay, TS biết trước các môn thi ngay từ đầu năm, chủ động hơn trong ôn tập.

Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ do sở GD-ĐT thực hiện theo phương thức tính điểm xét tốt nghiệp như sau: 50% số điểm từ 4 bài thi (đối với TS phổ thông) hay từ 3 bài thi (đối với TS giáo dục thường xuyên) và 50% số điểm từ điểm trung bình kết quả học tập lớp 12.

Rà soát phần mềm chống “ảo”

Năm 2017, để bảo đảm tối đa quyền lợi của TS, Bộ GD-ĐT dự kiến thí sinh sẽ được đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển vào các ngành, nhóm ngành của một hoặc nhiều trường và được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Để khắc phục tình trạng ảo, bộ đã và đang tích cực chuẩn bị thực hiện đồng bộ các giải pháp cả về phương diện quản lý và kỹ thuật.

Về mặt quản lý, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ rà soát, đánh giá năng lực đào tạo của các trường ĐH, CĐ, trên cơ sở đó yêu cầu các trường xác định chỉ tiêu sát với nhu cầu của thị trường lao động, năng lực đào tạo thực tế và khả năng có việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp... nhằm tránh hiện tượng xác định chỉ tiêu ảo trong tuyển sinh. Về mặt kỹ thuật, bộ tiếp tục chuẩn bị các điều kiện ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong tuyển sinh nhằm giải quyết tình trạng thí sinh ảo.

Theo ông Ga, trong 2 năm qua, Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị phần mềm quản lý tuyển sinh có thể lọc ảo và đã tiến hành chạy thử nghiệm trên cơ sở dữ liệu đăng ký xét tuyển của các năm 2015 và 2016. Qua thử nghiệm cho thấy phần mềm vận hành ổn định có độ tin cậy cao, có thể sử dụng hiệu quả trong tuyển sinh năm 2017.

Phần mềm sẽ xác định danh sách TS dự kiến trúng tuyển với nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng mà TS đã đăng ký xét tuyển. Danh sách này sẽ được gửi đến các trường để hỗ trợ cho các trường trong xử lý ảo. Các trường có thể cân đối, điều chỉnh dựa vào các điều kiện thực tế của trường (đã nêu trong đề án tự chủ tuyển sinh) để quyết định danh sách TS trúng tuyển chính thức.

25% chỉ tiêu cho khối thi truyền thống

Trả lời băn khoăn liệu TS đã ôn thi theo khối thi truyền thống A, B, C, D, A1 từ trước nay sẽ thi như thế nào, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết đối với các khối thi truyền thống A, A1, B, C, D, khi điều chỉnh quy chế tuyển sinh, bộ sẽ có quy định yêu cầu các trường dành chỉ tiêu thích hợp để xét tuyển bảo đảm quyền lợi của thí sinh đã ôn tập theo khối thi từ trước.

Năm 2015, các trường đã dành ít nhất 75% chỉ tiêu để xét tuyển theo khối thi truyền thống; năm 2016 đã dành ít nhất 50% và dự kiến năm 2017, các trường sẽ dành ít nhất 25%.

 

Theo NLĐ, nguồn: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/nhieu-nguyen-vong-xet-tuyen-20160914222704939.htm