Có những thay đổi rõ nét, biến động mạnh về ngành nghề thí sinh lựa chọn dự thi trong năm nay.
Đến nay, nhiều trường ĐH đã hoàn tất thống kê hồ sơ theo từng ngành cụ thể. Tỷ lệ chọi (số hồ sơ thí sinh đăng ký dự thi/chỉ tiêu từng ngành) là một trong những thông tin cần thiết để thí sinh tham khảo trước khi chính thức bước vào kỳ tuyển sinh.
ĐH Quốc gia TP.HCM là một trong những trường có nhiều thí sinh quan tâm. Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Phó trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, xét chung số liệu thống kê toàn ĐH này cho thấy có sự biến động ở từng trường thành viên.
Tăng đều nhóm ngành kỹ thuật
Trường ĐH Bách khoa, tỷ lệ chọi hầu hết các ngành đều tăng. Đáng chú ý nhất là ngành kỹ thuật vật liệu nhiều năm qua số hồ sơ (HS) thí sinh đăng ký dự thi chỉ bằng chỉ tiêu (CT) (tức tỷ lệ chọi 1/1) thì nay tỷ lệ chọi tăng gấp đôi với 1/2 (145 HS/200 CT). Ngược lại, ngành kiến trúc tỷ lệ chọi giảm mạnh, từ 1/18 (năm 2012) giảm xuống còn 1/11,4 (573 HS/50). Nhận định về hiện tượng này, tiến sĩ Lê Thanh Hưng, Phó trưởng phòng Đào tạo trường, chia sẻ: “HS thí sinh dự thi vào ngành kiến trúc giảm mạnh có lẽ do quy luật năm trước cao thì năm sau giảm. Năm ngoái ngành này chỉ có 40 CT nhưng gần 800 thí sinh nộp HS vào”. Các ngành khác của trường tỷ lệ chọi ở mức tương đối ổn định, trong đó cao nhất gồm: nhóm ngành công nghệ hóa - thực phẩm - sinh học 1/6 (2.690 HS/430 CT); kỹ thuật và quản lý môi trường 1/6,6 (1.053 HS/160); kỹ thuật giao thông với 1/4,8 (860 HS/180); kỹ thuật địa chất - dầu khí 1/5,8 (874 HS/150)… Một vài ngành tỷ lệ này gần như ở mức 1/1, như: kỹ thuật bản đồ trắc địa 1/1,07 (96 HS/90); công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng 1/1,4 (112 HS/80)...
Ngành công nghệ điểm cao giảm hồ sơ
Trong khi đó, với số HS đăng ký dự thi tăng hơn 50% so với năm ngoái, tỷ lệ chọi vào Trường ĐH Công nghệ thông tin tăng mạnh từ 1/3 (năm 2012) lên 1/4,9. Trong đó, tăng vọt là ngành kỹ thuật phần mềm với 1/9,5 (1.516 HS/160 CT) so với năm ngoái chỉ 1/5,4. Cũng tăng khá mạnh là ngành truyền thông và mạng máy tính với 1/5,4 (811 HS/150) so với 1/3,8 của năm ngoái. Có tỷ lệ chọi khá cao là công nghệ thông tin với 1/6 (492 HS/80). Tỷ lệ chọi này ở một số ngành khác: hệ thống thông tin với 1/5,7 (188 HS/120); kỹ thuật máy tính với 1/2,6 (312 HS/120)… “HS tăng, tỷ lệ chọi tăng nhưng chưa chắc điểm chuẩn các ngành của trường này sẽ tăng nhiều bởi ngoài số lượng, điểm chuẩn còn phụ thuộc vào chất lượng thí sinh dự thi nữa”, tiến sĩ Chính dự báo.
HS thí sinh nộp vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên có sự thay đổi tập trung vào các ngành những năm trước đây có điểm trúng tuyển cao. Chẳng hạn, công nghệ sinh học giảm tỷ lệ chọi từ 1/16 ở năm ngoái xuống còn 1/11,8 (2.353 HS/200 CT); khoa học môi trường giảm từ 1/11,5 năm ngoái xuống còn 1/9 (1.355 HS/150). Trong khi đó, ngành công nghệ kỹ thuật môi trường tăng từ 1/8,9 năm ngoái lên 1/11,8 (1.413 HS/120)... Ngành toán học cũng thu hút thí sinh hơn với tỷ lệ chọi 1/3,9 (1.176 HS/300) so với 1/1,2 năm trước. Dù giảm so với năm ngoái, nhưng kỹ thuật hạt nhân vẫn là ngành thu hút thí sinh với tỷ lệ 1/10,2 (509 HS/50)...
Biến động mạnh ở khối ngành kinh tế
Sự tăng giảm bất thường nhất về tỷ lệ chọi phải kể đến Trường ĐH Kinh tế - Luật. Tiến sĩ Chính phân tích: “Dù số lượng HS đăng ký dự thi vào trường này giảm nhưng CT cũng giảm 20% so với năm ngoái. Thêm vào đó, HS mà thí sinh nộp vào trường này có sự luân chuyển qua lại giữa các ngành. Do vậy, tỷ lệ chọi chung năm nay vẫn tăng với 1/8 (năm ngoái là 1/6,9)”. Trong đó, kinh doanh quốc tế có tỷ lệ chọi tăng gấp đôi so với năm ngoái, từ 1/7 lên 1/14 (1.093 HS/80 CT). Luật cũng tăng mạnh từ 1/7 lên 1/22 (1.554 HS/70). Kế toán dù nằm trong nhóm các ngành được dự báo dư thừa nhân lực vẫn tăng mạnh với tỷ lệ chọi từ 1/4,5 (năm 2012) lên 1/11 (792 HS/70).
Ngược lại, một số ngành tỷ lệ chọi tụt dốc mạnh. Chẳng hạn ngành tài chính ngân hàng có tỷ lệ chọi từ 1/10 năm ngoái nay chỉ còn 1/2 (268 HS/140 CT). Ngành quản trị kinh doanh cũng giảm mạnh từ 1/9,3 còn 1/5,3 (745 HS/140)… Trước sự thay đổi này, tiến sĩ Chính cho rằng điểm trúng tuyển các ngành của trường này năm nay chắc chắn sẽ biến động nhiều. Trong đó, tài chính ngân hàng và quản trị kinh doanh điểm chuẩn sẽ giảm và kế toán, luật có thể tăng.
Xã hội học hút thí sinh
Biến động về tỷ lệ chọi các ngành cũng diễn ra tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn. Một số ngành ngoại ngữ nhiều năm có số thí sinh dự thi không cao, nay tăng nhẹ. Chẳng hạn: ngôn ngữ Ý 1/1,1 (56 HS/50 CT); ngôn ngữ Tây Ban Nha 1/3 (148 HS/50); ngôn ngữ Đức 1/4,1 (207 HS/50)... Ngành xã hội học có tỷ lệ chọi tăng gấp đôi so với năm ngoái, với 1/7,7 (1.388 HS/180); triết học cũng thu hút thí sinh hơn với tỷ lệ chọi tăng từ 1/1 năm ngoái lên 1/1,8 (213 HS/120); quy hoạch vùng và đô thị cũng tăng từ 1/5,1 lên 1/8,3 (582 HS/70). Dù giảm nhiều nhưng tỷ lệ chọi ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành vẫn cao với 1/7,6 (684 HS/90). Cao nhất vẫn là ngành tâm lý học với tỷ lệ 1/13,2 (925 HS/70).
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, lưu ý: “Kinh nghiệm qua nhiều năm cho thấy một số ngành có tỷ lệ chọi vừa phải mà điểm trúng tuyển vẫn ở mức cao như: quan hệ quốc tế, ngôn ngữ Anh...”.
Bạn cần biết:
Tỷ lệ chọi 2013 của các trường khác
Thông tin chính xác về điểm thi đại học 2013
Tin bài gốc: thanhnien
Kenhtuyensinh
Theo: thanhnien