Dạy và học bám sát đề thi minh họa
Đây là sự chỉ đạo hết sức kịp thời của Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ nhằm ổn định tâm lý của phụ huynh, thí sinh và cả giáo viên về những thay đổi trong kỳ thi năm 2017.
Là người thường xuyên theo dõi những thông tin của Bộ GD&ĐT về kỳ thi, ông Đỗ Thanh - Trưởng phòng Giáo dục Trung học - chia sẻ: Năm nay, Bộ GD&ĐT sớm ban hành bộ đề minh họa đã tạo thuận lợi rất lớn cho thí sinh dự thi Kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Ngay sau khi Bộ công bố ĐTMH, chúng tôi đã lấy ý kiến trong đội ngũ giáo viên cốt cán của Sở về ĐTMH và hướng triển khai công tác dạy và học trong thời gian tới.
Đồng thời trong việc chỉ đạo công tác dạy và học, Sở cũng đã có văn bản yêu cầu các trường THPT, các trung tâm GDTX... tại địa phương chú ý tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá và hướng dẫn học sinh ôn tập để nắm vững kiến thức, làm quen với hình thức thi mới, nhất là hình thức thi trắc nghiệm với các môn Toán, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân; Xây dựng kế hoạch để đảm bảo hoàn thành chương trình theo đúng thời gian quy định.
Thực hiện dạy đúng, dạy đủ chương trình, bám sát yêu cầu chuẩn kiến thức kỹ năng, đảm bảo học sinh có đủ kiến thức dự thi. Tổ chức bồi dưỡng, phụ đạo học sinh, học viên có học lực yếu, kém, thí sinh tự do xin ôn tập (nếu có). Hướng dẫn học sinh nắm vững kiến thức, dành nhiều thời gian cho việc tự học.
Bám sát ĐTMH do Bộ GD&ĐT ban hành, tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên thảo luận để đưa ra các giải pháp giảng dạy, ôn tập phù hợp nhất với từng đối tượng học sinh của mình.
Phổ biến cho học sinh kỹ năng làm bài, đảm bảo cho học sinh có đủ kỹ năng dự thi, đặc biệt là kỹ năng làm bài theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Đồng thời, các đơn vị nhà trường thông báo cho cha mẹ học sinh nắm rõ tình hình học tập của học sinh, đặc biệt là những học sinh có học lực yếu, kém. Phối hợp với cha mẹ học sinh để tạo điều kiện tốt cho việc học, ôn tập của học sinh.
Linh hoạt trong phương pháp dạy để chủ động ôn tập cho HS
Cũng trên tinh thần đổi mới trong Kỳ thi THPT quốc gia 2017, các trường tại tỉnh Kon Tum đã khẩn trương tổ chức tiết học minh họa từng môn học.
Ông Nguyễn Ngọc Duyệt – Hiệu trưởng Trường THPT Kon Tum - cho biết: Hiện tại, công tác tổ chức dạy và học vẫn thực hiện đúng theo kế hoạch năm học mới được Ủy ban Nhân dân tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo.
Nhà trường đang tổ chức dạy minh họa ở các môn học được chọn tổ chức kỳ thi sắp tới dành cho giáo viên, học sinh khối lớp 12, nhằm nâng cao chất lượng dạy học hiệu quả nhất, đáp ứng đổi mới kỳ thi.
Nhà trường yêu cầu giáo viên phải nghiên cứu, soạn giáo án, cách thức ra bài tập, tổ chức kiểm tra đánh giá học sinh theo hướng trắc nghiệm nhiều hơn, phù hợp hơn ở mỗi môn học.
Còn theo ông Trần Ngọc Lâm – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu (thành phố Kon Tum), thời gian qua, nhà trường đã nỗ lực đổi mới hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra cho học sinh khối lớp 12.
Toàn trường có hơn 85% học sinh khối lớp 12 là người dân tộc thiểu số, nên việc định hướng học tập cho các em đối với các môn học đáp ứng kỳ thi bằng hình thức trắc nghiệm vẫn là áp lực.
Ban giám hiệu nhà trường luôn động viên, khuyến khích giáo viên mạnh dạn trao đổi chuyên môn, linh hoạt trong phương pháp và cách thức tổ chức dạy học, nhằm tạo môi trường học tập thoải mái cho học sinh có thể nắm được nhiều kiến thức nhất.
Thầy Nguyễn Duy Quốc – Tổ trưởng Tổ Địa lý (Trường THPT Kon Tum)- chia sẻ: Phương án tổ chức kỳ thi THPT năm 2017, có nhiều yếu tố tích cực, giúp học sinh học tập toàn diện hơn.
Tuy nhiên, hình thức thi trắc nghiệm đòi hỏi học sinh có kiến thức rộng hơn. Vì vậy, giáo viên phải nghiên cứu, tư duy nhiều cho công việc soạn giáo án, giảng dạy trên lớp, các câu hỏi thi.
“Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 diễn ra vào tháng 6, trong khi kỳ thi năm ngoái tổ chức vào tháng 7 nên thời gian ôn tập sẽ rút ngắn lại, đòi hỏi thí sinh phải có thái độ học tập tích cực, tập trung hơn” - Thầy Quốc cho biết.
Đổi mới thi cử tạo thuận lợi cho địa phương
Ông Nguyễn Hóa – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum - nhận định: Phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 có nhiều đổi mới tạo thuận lợi cho ngành giáo dục địa phương.
Cụ thể, kỳ thi diễn ra trong 2 ngày sẽ giảm các nguồn chi tập trung, chưa kể thời gian, công sức mà người thân thí sinh và cộng đồng hỗ trợ đi lại.
Đối với các trường, kỳ thi này tạo điều kiện để thực hiện mục đích giáo dục toàn diện cho học sinh. Mặt khác, học sinh tránh được kiểu học tủ, học lệch.
Để đáp ứng theo định hướng kỳ thi, Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum đã có sự chuẩn bị như: Chỉ đạo các trường đánh giá năng lực học tập của học sinh lớp 12 (dựa vào kết quả năm học lớp 11), tổ chức thăm dò nguyện vọng của học sinh 12 chọn bài thi khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội, chọn mục đích thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT hay tuyển sinh ĐH, CĐ để có biện pháp giảng dạy và ôn tập phù hợp với từng đối tượng.
Ngành cũng yêu cầu các trường tăng cường dạy môn Tiếng Anh đảm bảo kiến thức cơ bản, đủ điều kiện xét tốt nghiệp; bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu môn Tiếng Anh để những học sinh này có thể dùng môn Tiếng Anh để xét tuyển sinh đại học 2017.
Bên cạnh đó, đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo cách ra đề trắc nghiệm khách quan, tích cực vận dụng các ĐTMH của Bộ.
Ông Hóa cho biết thêm, dự kiến cuối học kì I năm học 2016 – 2107, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức hội thảo về việc vận dụng cách dạy học, cách kiểm tra, đánh giá theo định hướng thi THPT quốc gia năm 2017, nhằm tìm ra phương pháp tối ưu nhất trong điều kiện hiện tại, hỗ trợ các nhà trường học trên địa bàn đáp ứng kỳ thi quan trọng trên.