Là một sinh viên sắp tốt nghiệp ra trường thì bạn cần phải biết được nhà tuyển dụng đang tìm kiếm điều gì ở bạn? Là năng lực chuyên môn hay thái độ làm việc đây? Hãy cùng Kênh tuyển sinh tìm hiểu xem nhà tuyển dụng sẽ tìm đến và lựa chọn ứng tuyển ra sao cho công ty nhé!
1. Thái độ làm việc
Là một sinh viên sắp tốt nghiệp thì bạn nên nhớ rõ một việc rằng những gì bạn đã từng học tại trường sẽ không ứng dụng nhiều trong công việc của bạn dù là trong chuyên môn của bạn là đúng ngành hay trái ngành. Bởi vậy nên sẽ rất hiếm doanh nghiệp nào kỳ vọng và giao KPI cho bạn ngay từ những ngày đầu thực tập đâu. Điều họ quan tâm đến bạn chính là thái độ làm việc, cách ứng xử với các anh chị trong cơ quan và với khách hàng khi họ đến công ty làm việc đấy. Chính thái độ của bạn sẽ là yếu tố then chốt để họ đánh giá tiềm năng trong công việc cũng như hướng phát triển về sau trong công ty. Bởi vậy nên bạn phải đánh lên 100% tinh thần để làm việc. Hãy chủ động trong mọi việc, hãy luôn mỉm cười và tiếp nhận mọi lời yêu cầu giúp đỡ của các anh chị trong cơ quan để bắt nhịp công việc nhanh nhé.
Nhà tuyển dụng tìm kiếm tố chất nào ở thực tập sinh?
2. Phong cách làm việc chuyên nghiệp
Bên cạnh thái độ thì phong cách làm việc chuyên nghiệp là một yếu tố quan trọng không kém khi bạn thực tập tại môi trường công sở. Đừng nghĩ rằng tại vị trí thực tập sinh, bạn không được trả lương nên lười chấp hành nội quy của cơ quan, thường đi trễ, về sớm và không ăn mặc đồng phục như các anh chị khác trong văn phòng. Việc bạn thể hiện chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp sẽ khiến mọi người trong cơ quan cảm thấy bạn nghiêm túc trong công việc hay không và có được sự thiện cảm của mọi người trong cơ quan. Bạn cảm thấy các nhà tuyển dụng sẽ lựa chọn người nghiêm túc trong công việc, nhận được sự thiện cảm của mọi người hay là sẽ lựa chọn người biếng nhác, thiếu chuyên nghiệp làm việc tại công ty hoặc doanh nghiệp của họ? Chắc chắn là người có thái độ nghiêm túc và phong cách chuyên nghiệp đúng không nào? Vậy thì còn chần chờ gì mà không bật mode nhiệt tình, nghiêm túc và chuyên nghiệp từ trang phục đến tôn trọng nội quy công ty nào!
3. Trung thực và sẵn sàng nhận lỗi khi vấp phải sai lầm
Có lẽ bạn chưa biết một điều rằng đại đa số doanh nghiệp đều không thích thực tập sinh. Bởi vì thực tập sinh là những người hoàn toàn không có kinh nghiệm làm việc và đến công ty chỉ để học việc mà thôi. Và bởi vì là học việc nên thực tập sinh thường mắc rất nhiều sai lầm. Thậm chí là bình thường họ chỉ cần 2 tiếng là xong việc nhưng vì thực tập sinh làm sai nên họ lại mất thêm 1 tiếng để sửa lại phần lỗi đó. Bởi vậy nên việc nghe mắng và thường bị "sai vặt" là chuyện tất yếu khi bạn thực tập tại cơ quan đấy. Thay vì tỏ vẻ kháng cự, đùn đẩy trách nhiệm rằng anh/chị chưa nói rõ hoặc phần đó là bạn kia làm chứ không phải em, v.v thì bạn nên chủ động nhận lỗi và nhờ anh hoặc chị ấy hướng dẫn bạn làm lại. Bằng cách đó, bạn sẽ biết cách điều chỉnh lại hành vi và sẽ không lặp lại lỗi sai ấy vào một lần nào khác. Sai lầm khi học việc là chuyện không thể nào tránh khỏi nên đừng quá tiêu cực hay uể oải vì sao mình hay sai thế mà hãy đánh lên tinh thần vì một tương lai không sai lầm và nhận đánh giá tích cực về thái độ từ sếp nhé!
Ngoài ra, thực tập sinh thường mắc lỗi sai bởi vì không dám đặt câu hỏi nên tự nghĩ thế nào thì làm bừa thế đó. Điều này thật không nên chút nào. Bạn không phải là một nhân viên gạo cội, làm việc nhiều năm trong công ty hoặc là một chuyên gia thành thạo trong lĩnh vực nên bạn chắc chắn sẽ mắc phải các lỗi sai trong công việc. Bởi vậy nên đừng ngần ngại đặt câu hỏi. Việc bạn chủ động nhận việc, gặt hái thiện cảm của các anh chị trong cơ quan chính là chìa khóa dẫn tiến mối quan hệ của bạn với họ. Khi bạn giúp họ hoàn thành việc thì họ sẽ vui vẻ giải đáp cho bạn những thắc mắc về lĩnh vực bạn đang làm thôi. Mặt khác, không nên hỏi họ trong khi cơ quan có nhiều khách hoặc khi họ đang trong lúc căng thẳng làm việc. Có thể lựa chọn hỏi họ sau giờ tan tầm khi bạn dắt xe giúp họ hoặc khi họ nhờ bạn làm gì đó, bạn hỏi chêm vào một câu về công việc họ giao và một câu bạn đang thắc mắc nhé! Bằng cách này, bạn sẽ không ngừng trau dồi được năng lực chuyên môn mà còn cả cách xử sự khéo léo trong mối quan hệ giữa mọi người với nhau đấy!
Cuối cùng, đừng quên lễ phép với tất cả mọi người trong công ty nhé. Từ bác bảo vệ đến các anh/chị lãnh đạo, bạn đều nên chào hỏi, cảm ơn và xin lỗi khi cần nhé. Bởi lễ phép chính là điểm cộng cho bạn và đồng thời tăng chỉ số thiện cảm của các anh chị trong cơ quan với bạn đấy!
> Sinh viên mới ra trường mức lương bao nhiêu là hợp lý?
> Cách trả lời phỏng vấn giúp bạn tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng
Bảo Châu - Kênh tuyển sinh