Dịch Covid-19 khiến học sinh các cấp phải học trực tuyến thế nhưng ở tỉnh Hà Tĩnh, Huế, Cần Thơ,... lại không áp dụng cách học này với học sinh lớp 1.

hoạt động giảng dạy

Nhiều giáo viên nhận định rằng học sinh lớp 1 học trực tuyến rất khó khăn

Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh quyết định chỉ dạy học trực tuyến đối với học sinh THCS-THPT, chưa dạy online đối với học sinh tiểu học. Do đó, sau khai giảng, học sinh tiểu học vẫn ở nhà chờ thông báo mới.

Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng cũng thông báo không dạy trực tuyến đối với học sinh lớp 1. Phụ huynh cho các em theo dõi các bài học trong chuyên mục “Dạy tiếng Việt lớp 1” phát trên Đài Truyền hình Việt Nam (do Bộ GD&ĐT phối hợp sản xuất).

Sở GD&ĐT thành phố Cần Thơ quyết định không vội dạy trực tuyến đối với lớp 1 vì theo lãnh đạo sở này, học sinh lớp 1 còn non nớt, chưa có kỹ năng cần thiết để học qua mạng, cũng như làm chủ phương tiện học tập.

Đặc biệt, trẻ chưa trải qua giai đoạn gặp, làm quen cô giáo, bạn cùng lớp nên mọi sự trao đổi sẽ khó khăn. Việc tiếp xúc công nghệ sớm cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tâm, sinh lý.

Theo kế hoạch của Sở GD&ĐT Cần Thơ, nếu sau ngày 15/9, tình hình dịch Covid-19 vẫn phức tạp, địa phương sẽ điều chỉnh thời gian học sinh tựu trường.

Nhận định dạy học trực tuyến với học sinh nhỏ tuổi không thực sự hiệu quả, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, gây khó khăn cho phụ huynh, nên năm ngoái, sau một thời gian ngắn triển khai, Sở GD&ĐT thành phố Hải Phòng quyết định cho học sinh lớp 1, lớp 2 dừng học online.

Nhiều em học sinh lớp 1 còn chưa biết cách cầm bút

Theo nhiều giáo viên, phụ huynh có con học lớp 1 trực tuyến năm nay, lớp học đông, trẻ không tập trung, không biết cách cầm bút, thiết bị, đường truyền không đảm bảo, nên khó đạt hiệu quả học tập.

Cô Nguyễn Thị Thanh Hà, giáo viên dạy lớp 1 tại quận Tây Hồ, Hà Nội, nói rằng học sinh lớp 1 đang được xếp 3 tiết/buổi tối để có phụ huynh hỗ trợ.

Trong buổi đầu tiên, ngoài giới thiệu, làm quen, cô cho học sinh tập viết các nét gạch theo hình thức cô viết bảng và chiếu video để các em viết theo, nhưng nảy sinh nhiều bất cập.

“Mạng kém, nhiều bạn dùng điện thoại để học, có cuộc gọi đến, bị thoát ra và không vào lại được. Nhiều bạn không có không gian riêng học tập, âm thanh chó mèo, bố mẹ quát mắng ầm ĩ trong lớp học”, cô Hà nói.

Ngoài ra, lớp hơn 50 học sinh, màn hình phía giáo viên không hiển thị hết hình ảnh các em, nên cô không thể biết từng em có đang tập trung học hay không.

Một giáo viên có 15 năm dạy lớp 1 tại một trường tiểu học ở quận Đống Đa, Hà Nội, kể rằng buổi học đầu tiên, cô cho học sinh làm quen, tập vài nét và phụ huynh chụp lại gửi qua Zalo cho cô; đa số chưa biết cách cầm bút.

“Nhiều em cầm bút chụm cả bàn tay như cầm đũa, có em ghì vẹo cả tay… Cầm bút sai dẫn đến cả bàn tay, ngón tay di chuyển không đúng dẫn đến cong vẹo. Nếu tình trạng này kéo dài, đến học kỳ II, học sinh khó có thể viết được bút mực”, giáo viên này nói.

Covid-19: Bộ GD&ĐT đề nghị mở rộng băng thông Internet phục vụ cho việc học trực tuyến

TP.HCM: Đề xuất giải pháp giúp tất cả học sinh đều được học trực tuyến

Theo Zingnews