Mùa thi vào 10 và đại học đang ở vào giai đoạn cao điểm. Vậy cha mẹ cần chú ý những nguyên tắc về ăn uống nào để giúp con trẻ đảm bảo sức khỏe cho kì thi tới.
1. Không bỏ bữa sáng
Bữa sáng vốn là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày nên dù có thức khuya, dậy trễ thì vẫn nên ăn sáng đầy đủ. Điều này có tác động không nhỏ tới não bộ và giúp các sĩ tử thu nạp một nguồn năng lượng dồi dào cho cả ngày dài học tập.
Buổi sáng, các sĩ tử có thể chọn những loại thực phẩm giàu protein, canxi, chất xơ từ trứng, sữa, trái cây, rau xanh... Ngoài ra, một bát ngũ cốc trộn sữa hoặc trộn trái cây cũng là gợi ý không tồi cho bữa sáng lành mạnh.
Nguyên tắc ăn uống trong mùa thi dành cho các sĩ tử
2. Ăn đủ 3 bữa chính
Có 3 bữa chính mà các sĩ tử không được bỏ qua trong ngày là bữa sáng trước 7 giờ, bữa trưa trước 12 giờ và bữa tối trước 19 giờ. Việc ăn đủ 3 bữa này sẽ giúp các sĩ tử cung cấp đủ dinh dưỡng và có đủ năng lượng học tập cho cả ngày. Ngoài ra, nó cũng giúp cơ thể no lâu để kiềm chế những cơn thèm ăn vặt giữa buổi.
3. Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày
Ngoài 3 bữa chính thì các sĩ tử cũng có thể ăn thêm một số bữa phụ trong ngày để giúp cơ thể có thêm nhiều năng lượng hơn. Có thể là trái cây, salad, các loại hạt, hay phô mai... vào khoảng xế chiều. Vì đây thường là thời điểm cơ thể dễ đói vặt và muốn tìm gì đó để bù lấp khoảng trống ở dạ dày.
4. Hạn chế ăn đồ dầu mỡ vào buổi tối
Những món ăn nhanh có thể giúp các sĩ tử nạp năng lượng ngay tức thì nhưng nó lại dẫn đến những cơn đầy bụng, khó tiêu vào ban đêm. Mặt khác, ăn nhiều đồ dầu mỡ vào buổi tối còn là nguyên nhân gây mụn chi chít trên khuôn mặt. Vì vậy, để không làm ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như nhan sắc của mình thì các sĩ tử nên tránh ăn những món dầu mỡ vào buổi tối mà nên tìm tới những món thanh đạm, nhiều chất xơ.
5. Xây dựng chế độ ăn giàu dinh dưỡng
Để tránh nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng trong mùa thi, các sĩ tử nên xây dựng cho mình một chế độ ăn với sự kết hợp giữa những loại thực phẩm lành mạnh như vitamin A, B, C, chất xơ, protein có trong cá hồi, các loại rau lá màu xanh đậm, trứng...
Đặc biệt, cá hồi còn chứa nhiều axit béo Omega 3 nên không chỉ tốt cho đôi mắt mà còn cải thiện sức khỏe não bộ làm việc hiệu quả, nhất là với những sĩ tử thức khuya nhiều.
6. Uống đủ nước trong ngày
Càng ôn bài nhiều về đêm sẽ càng khiến cơ thể nhanh mất nước. Thậm chí, khoảng thời gian về đêm còn khiến cơ thể chất chứa nhiều độc tố dư thừa hơn. Do đó, hãy bổ sung đủ từ 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày để đảm bảo cơ thể có đủ lượng nước cần thiết.
Nếu thường xuyên thức khuya học bài thì các sĩ tử hãy đặt sẵn trên bàn một chai nước và trong khoảng thời gian ôn luyện thì uống đều đặn nhé! Nhờ đó, tình trạng mụn, quầng thâm hay lão hóa da sớm sẽ xuất hiện muộn hơn.
7. Nên ăn đêm với trái cây hoặc uống sữa ấm
Thức đêm học bài thường khiến cơ thể các sĩ tử nhanh đói và thiếu tập trung. Tuy nhiên, lúc này mà ăn đồ dầu mỡ như gà rán hay khoai tây chiên sẽ càng khiến hệ tiêu hóa phải làm việc nặng hơn, từ đó gây đầy bụng, khó tiêu về đêm. Thay vì những món dầu mỡ không lành mạnh, các sĩ tử nên tìm tới một vài món ăn nhẹ như trái cây tươi hay một ly sữa ấm. Những món này sẽ giúp dạ dày không phải làm việc nhiều và hạn chế tác động xấu lên cơ thể.
8. Một số lưu ý dành cho các sĩ tử
Bên cạnh việc đảm bảo một chế độ ăn hợp lý các sĩ tử cũng nên lưu ý các vấn đề sau:
- Các bữa ăn cần điều tiết ăn từ tốn, nhai kỹ, không vừa học vừa ăn hay ăn cho xong bữa.
- Mỗi em cần uống một ngày từ 1,5-2 lít nước, với thời tiết nắng nóng có thể uống nhiều hơn, hạn chế các thức uống có gas và các chất kích thích như cafe hay rượu bia.
- Dù trong quá trình ôn thi nhưng các sĩ tử cần đảm bảo giờ giấc ngủ nghỉ đầy đủ, tối thiểu được 8 tiếng/ ngày để cơ thể tránh bị mệt mỏi, buồn ngủ.
Ngoài những chế độ dinh dưỡng kể trên, phụ huynh cũng cần chuẩn bị môi trường gia đình hòa thuận, tạo điều kiện và động viên giúp con có tinh thần tốt để chuyên tâm ôn thi. Bên cạnh đó, các em cũng cần sắp xếp hợp lý giữa thời gian học tại trường và tại nhà, thời gian để thư giãn đầu óc như vận động thể thao, xem phim, họp nhóm bạn bè…
9. Các sĩ tử nên ngủ nghỉ như thế nào là hợp lý?
Có một thực tế là nhiều học sinh ôn thi trong tình trạng căng mắt đến khi ngủ gục trên bàn học; hoặc luôn trong tình trạng ngáp, mắt lờ đờ. Đừng để cơ thể bị “bỏ đói” ngủ; bởi nếu ngủ không đủ, các em sẽ khó tiếp thu bài tốt.
Theo khoa học thì, nếu thiếu ngủ, cơ thể sẽ tiêu hao nhiều năng lượng, giảm bài tiết hormon tăng trưởng, giảm ăn, ăn mất ngon, chậm tiêu, kéo dài sự kích thích vỏ não dẫn tới suy nhược hệ thần kinh và toàn cơ thể, từ đó sẽ giảm năng suất học tập.
Các em nên thấy mệt và buồn ngủ, đấy là tín hiệu báo bộ não cần nghỉ ngơi ngay lập tức. Tốt nhất nên rời bàn học, chợp mắt khoảng 30 phút rồi học tiếp hoặc đi ngủ luôn nếu đã khuya rồi, một chuyên gia cho biết.
Buổi tối nên học bài từ 7 giờ, ngủ trước lúc 23 giờ, sáng dậy sớm lúc 5 giờ học bài (lúc này học rất hiệu quả). Ngủ trưa từ 30 phút - 1 tiếng. Đảm bảo ngủ đủ 6- 8 tiếng một ngày.
> Những điều cha mẹ cần lưu ý về sức khỏe của con trước kỳ thi ĐH
> Tại sao trẻ sơ sinh thường hay thức khuya, ngủ muộn?
Theo Kênh tuyển sinh tổng hợp