Nakamura Fuminori là một trong những tiểu thuyết gia sáng giá của văn học Nhật Bản đương đại. Trong sự nghiệp văn chương của mình, anh tập trung thể hiện và sáng tác các tác phẩm mang hơi hướm tự sự trinh thám, phảng phất không khí kinh dị, tạo cho độc giả một cảm giác hồi hộp, lạnh gáy mỗi khi lật giở từng trang sách. Nakamura Fuminori đã gặt hái không ít giải thưởng danh giá, mặc dù tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ.


Điển hình là tác phẩm Đứa bé trong lòng đất đã chiến thắng giải thưởng Akutagawa năm 2005 và giải thưởng Ōe Kenzaburō cho Kẻ móc túi vào năm 2010. Chưa dừng lại ở đó, cùng Đen tối, anh trở thành người Nhật Bản đầu tiên được trao giải David Goodis – một giải thưởng văn học của Hoa Kỳ dành cho những tác giả có cống hiến lớn trong năm.


Giới phê bình Nhật Bản luôn dành cho Nakumura những lời khen ngợi có cánh. Dưới ngòi bút sắc sảo của mình, anh đã tái hiện một kỷ nguyên chân thực về tầng lớp đói nghèo, khốn khổ trong xã hội Nhật Bản đương đại.

Tội ác cũng xuất phát từ bối cảnh ấy, mối quan tâm này thường xuyên bị tảng lờ trong địa hạt văn chương và tác giả cũng cho rằng tình thế đó luôn tiềm tàng chết chóc, nguy hiểm như một quả bom trực chờ phát nổ.Ngăn kéo trên cùng – phần đen tối là tác phẩm thứ mười bảy của Nakamura Fuminori, kể về cuộc hành trình tìm kiếm danh tính thật của gã đàn ông mang tên Kozuka Ryodai.

 

ngăn kéo trên cùng

Ngay từ khi bắt đầu câu chuyện, tác giả đã đặt ra một bối cảnh tăm tối, nhân vật chính lần mò trong bóng đêm để tìm kiếm câu trả lời xem thực sự hắn là ai? Tại một căn nhà ọp ẹp, đồ đạc đơn giản, phía góc tường một chiếc va li trắng toát nằm chỏng trơ, toát lên mùi vị của địa ngục. Hắn nín thở đọc từng trang hồi ký ai đó vứt lại. Mỗi chương hồi qua đi, chân tướng của Kozuka Ryodai dần dần xuất hiện tựa hồ một ngọn đèn hải đăng đang soi rọi xuyên đêm tối.
Chiếc chìa khóa trong ngăn kéo thứ ba dẫn đến cái va li, manh mối cuối cùng để khép lại màn kịch. Không cưỡng lại được sự tò mò, hắn mở vội mở thứ đáng nhẽ không nên mở. Giống như chiếc hộp pandora thuộc về bóng tối, mọi tai ương đã giáng thẳng xuống hắn ngay khi tiếng “tách” của va li vang lên. Đột nhiên một gã đàn ông xa lạ tiến vào, kéo hắn chạy trốn.


Hóa ra Kozuka Ryodai là cậu bé lớn lên trong một gia đình “không bình thường” và hắn bị chính mẹ mình tống vào Trung tâm Hỗ trợ trẻ em và bị bỏ mặc kể từ đó. Sau này, hắn được nhận nuôi và rồi trở thành bác sĩ.
Kozuka đã gặp gỡ và nhận điều trị tâm lý cho Yukari - một cô gái bất hạnh đang phải chịu đựng những chấn thương tâm lý vô cùng nghiêm trọng. Tình cảm nảy sinh đã thôi thúc Kozuka không ngừng nỗ lực chữa trị cho Yukari, thế nhưng biện pháp duy nhất giúp được cô gái ấy là xoá sạch những ký ức đau buồn của cô bằng cách đau đớn. Và điều này đồng nghĩa với việc cô cũng sẽ phải quên cả Kozuka.


Yukari rời khỏi Kozuka, bắt đầu một cuộc sống mới nhưng rồi tình cờ gặp lại những thằng khốn đã hạ đời cô, những ký ức đau khổ ngày xưa theo đó bị khơi dậy và cô đột ngột biến mất.
Sự biến mất của Yukari khiến Kozuka gần như sụp đổ. Và rồi anh khám phá ra một bí mật, và một kế hoạch "ăn miếng trả miếng", một kế hoạch tinh vi của một bác sĩ điều trị tâm lý đồng thời cũng là một bệnh nhân có vấn đề về tâm lý. Vậy gã đàn ông mở chiếc va li là ai? Người giúp hắn bỏ trốn là kẻ nào? Và quan trọng nhất Kozuka Ryodai là nhân vật mấu chốt ra sao?


Nakamura Fuminori tung hỏa mù độc giả. Anh đánh lừa, dắt mũi người đọc bằng những bằng chứng tưởng chừng như chắc chắn nhưng vẫn khiến người ta bất ngờ khi đi tới cái kết. Trong Ngăn kéo trên cùng – phần tăm tối, không có ai là chính diện hay phản diện. Họ chỉ đơn giản đang thực thi lý tưởng và giải quyết tư thù cá nhân. Kẻ nào cũng có lý do để cho rằng mình đang làm đúng.


Một ván bài mở ra, nhân vật chính là một kẻ thông minh khi thâu tóm nạn nhân của mình bằng những trò chơi tâm lý. Trong tác phẩm thứ mười bảy của mình Nakamura có sử dụng những chi tiết có thực để xây dựng câu chuyện. Đó là vụ thảm án liên hoàn do một tử tù mang tên Miyazaki gây ra. Một nguồn cảm hứng lớn lao giúp Ngăn kéo trên cùng ra đời thành công.


Khác với những tiểu thuyết gia đương thời, Nakamura Fuminori đi sâu hơn vào khía cạnh tâm lý. Anh cố gắng lý giải những khoái cảm chết chóc và cơn cuồng sát của kẻ sát nhân dưới lăng kính tâm lý và khoa học. Chính vì vậy yếu tố trinh thám và sự li kỳ có thể bị kéo giảm nhưng tác giả đã kịp để lại dấu ấn cho người đọc bằng một kho kiến thức tâm lý được đan cài khéo léo, dễ hiểu xuyên suốt mạch chính tác phẩm.