Lựa chọn nghề Full time hay Freelancer luôn là một trong câu hỏi làm "mất ăn mất ngủ" đối với các bạn sinh viên mới ra trường hoặc những người mới bắt đầu đi làm. Hãy theo chân Kênh tuyển sinh để cân nhắc liệu nên chọn nghề full time hay freelancer nhé!
1. Nghề Full time là gì?
Full time theo tiếng Việt là toàn thời gian. Nói cách khác, lựa chọn theo nghề full time tức là làm việc theo giờ hành chính. Bạn có thể hình dung rằng bạn sáng dậy sớm đến văn phòng làm việc, trưa dùng bữa nhanh với đồng nghiệp và chiều thì làm đến mặt trời sắp lặn. Bên cạnh đó, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn tăng ca vào buổi tối hoặc thứ 7, chủ nhật nếu muốn được nhận thêm các khoản phụ cấp, thưởng khác.
Một trong những điểm nổi bật của nghề full time thì bạn sẽ được ký hợp đồng vô thời hạn với công ty. Nói cách khác, bạn sẽ được hưởng rất nhiều quyền lợi chẳng hạn như bảo hiểm, nghỉ dưỡng, thai sản, lương thưởng và hơn thế, các quyền lợi của bạn sẽ được pháp luật bảo vệ. Ngoài ra, trong quá trình làm việc thì bạn sẽ được giao công việc cố định, phụ trách một phần được giao, tiếp nhận project dựa trên năng lực. Nói cách khác, căn cứ vào năng lực, bạn sẽ được sếp giao cho một khối lượng công việc cố định và hoàn thành trong một tuần và một tháng như đã thảo luận với sếp.
Nên chọn nghề Full time hay Freelancer?
2. Nghề Freelancer là gì?
Freelancer theo tiếng việt là làm việc tự do. Nói cách khác, lựa chọn heo nghề freelancer tức là làm việc theo ý thích của bạn. Bạn sẽ ký các hợp đồng ngắn hạn, làm việc theo sự chủ động thời gian của riêng bạn và được trả tiền dựa trên cam kết với khách hàng. Điểm khác biệt ở đây thì bạn sẽ là người chủ động tìm kiếm khách hàng, ký hợp đồng để thưc hiện công việc với họ. Hoặc là bạn sẽ qua một tổ chức trung gian để làm việc và được giao một khối lượng công việc dựa trên phần việc bạn đã cam kết hoàn thành. Bạn sẽ nhận khối lượng công việc do chính bản thân tự đăng ký và cam kết hoàn thành trong thời gian nhất định.
Ngoài ra, khi bạn lựa chọn nghề freelancer thì bạn sẽ thường ký hợp đồng CTV với công ty. Điều đó có nghĩa là bạn hoàn toàn có thể bị đơn phương ngừng hợp tác có báo trước khi doanh nghiệp dừng kế hoạch dùng nguồn lực bên ngoài.
3. Nên lựa chọn nghề fulltime hay freelancer?
Để trả lời cho câu hỏi này thì bạn cần phải biết những điểm khác biệt giữa tính chất công việc fulltime và freelancer
3.1. Khối lượng công việc của freelancer nhiều hơn full time
Nếu bạn cho rằng công việc của freelancer nhẹ nhàng hơn full time chẳng hạn như giờ giấc làm việc, thích làm thì làm, thích nghỉ thì nghỉ, không chịu áp lực từ sếp hay thậm chí là không phải lo lắng đi sớm về trễ thì bạn có thể tỉnh mộng được rồi.
Freelancer có thể hoàn toàn chủ động về thời gian bản thân làm việc nhưng bắt buộc phải hoàn thành công việc được giao trong thời hạn sớm. Dẫu không cần phải chịu áp lực về sếp nhưng freelancer phải làm việc trực tiếp với nhiều đối tác, với khách hàng - những người đôi khi còn khó tính hơn sếp. Hoặc sẽ có một người quản lý chung tùy tính chất công việc nhưng bạn sẽ phải sẵn sàng tùy thời gọi đi gọi đến cho đến khi xong việc.
3.2. Thu nhập
Về thu nhập thì full time có mức lương cố định còn freelancer thì không. Ví dụ tháng này bạn làm việc không tập trung thì nếu bạn đang làm full time, bạn sẽ chỉ bị mắng, bị trừ khoản lương thưởng nhưng vẫn vui vẻ vì có mức lương cố định. Còn về freelancer thì hoàn toàn khác. Nguồn thu nhập freelancer nhận định là căn cứ trên khối lượng công việc đã làm trong tháng. Điều này có nghĩa là tháng này, bạn không tập trung thì sẽ bị hủy hợp đồng, bị ngưng cộng tác mà không có bất kỳ khoản lương nào. Dãu vậy, mức lương freelancer nhận được thường cao hơn mức lương full time đấy! Hơn nữa, đối với việc làm full time thì sẽ được nghỉ dưỡng mà vẫn được hưởng lương. Còn với freelancer thì không hề được tặng kỳ nghỉ nào, chỉ có kỳ nghỉ tự phát do bản thân mong muốn mà thôi và hiển nhiên là sẽ không có thu nhập nào.
3.3. Môi trường làm việc
Đối với nghề full time thì bạn cần phải cạnh tranh và thậm chí ứng phó với thị phi về công ty, về đồng nghiệp. Nhưng freelancer thì không cần như vậy. Với freelancer có những việc như lập trình, viết lách, thiết kế,... thì chúng yêu cầu bạn đã mối quen biết sẵn và nhận project mà không cần phải ứng phó với các vấn đề xã hội khác. Bạn chỉ cần nỗ lực hoàn thành công việc được giao mà thôi.
Một điểm đặc biệt nữa là đối với việc full time thì dù muốn dù không, bạn luôn không ngừng phải tiếp xúc với mọi người để trao đổi trực tiếp về công việc. Còn với freelancer thì bạn có thể lựa chọn ở nhà, "tự bế", không giao lưu với mọi người. Do vậy, nếu bạn gặp khó khăn thì là một freelancer, bạn khó có thể tìm được sự giúp đỡ nào đấy.
4. Lời kết
Điều cuối cùng, tôi muốn nói ở đây là ngành nghề nào cũng có những điểm ưu và nhược riêng. Trong và sau thời kỳ Covid-19 thì tôi nhận thấy mọi người có xu hướng lựa chọn nghề Freelancer nhiều hơn Full time bởi đợt dịch ấy khiến công ty cắt giảm nhân sự nhiều. Do vậy, đừng vì áp lực nhất thời mà lựa chọn cẩu thả. Hãy cẩn trọng quyết định bạn nhé! Bạn có thể lựa chọn làm full time và làm thêm nghề freelancer vào buổi tối để gia tăng nguồn thu nhập hoặc lựa chọn làm Full time kiểu freelancer. Freelancer yêu cầu tính chủ động và khả năng sắp xếp công việc cực cao nên nếu bạn lười biếng thì bạn thực sự không nên chọn theo hướng freelancer. Ngược lại, full time sẽ không thỏa mãn nếu bạn làm việc với hiệu suất cực cao mà mức thu nhập chỉ dậm chân tại chỗ. Hãy cân nhắc thật kĩ đối với tình huống của riêng bạn nhé.
Đói với các bạn trẻ thì tôi nghĩ các bạn cứ thử hết đi rồi mới nên đưa ra quyết định. Trải nghiệm thật nhiều, biết đến thật nhiều, tầm nhìn trống trải ra rồi sau tuổi 25, hãy lựa chọn một công việc thực sự phù hợp để giải phóng tiềm lực của bản thân nhé. Một điều công bằng mà tôi muốn khẳng định: Chỉ cần bạn có năng lực thì bạn làm ở đâu cũng được. Bởi vậy, đừng sợ hãi, hãy cố gắng lên. Chỉ có tiến lên thì mới biết phía trước là thiên đường hay địa ngục, là bình minh hay hoàng hôn, phải không nào?
> Lý thuyết 4 lò lửa - Bí quyết cân bằng cuộc sống và công việc cho người hiện đại
> Nơi công sở thì nên khẳng định bản thân ra sao để không từ cố quá thành “quá cố”?
Theo Long Huỳnh - Kênh tuyển sinh