Chiều tối 1/8, trao đổi với báo chí về vấn đề Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đặt ra tại một hội thảo do T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam “có nên bỏ thi tốt nghiệp THPT?”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Trước mắt, vẫn duy trì kỳ thi tốt nghiệp.

“Tỉ lệ đỗ chưa thực chất?”

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, thi tốt nghiệp THPT chỉ là một hoạt động trong quá trình dạy học. Việc thi tốt nghiệp không chỉ đem lại kết quả để quyết định học sinh đỗ hay trượt tốt nghiệp mà còn khuyến khích, tạo động lực cho người học, giúp người học tiến bộ không ngừng; cung cấp cho giáo viên, nhà quản lý những thông tin phản hồi hữu ích.

“Hiện nay, mọi người đều quan tâm làm sao kỳ thi đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh, để kết quả thi có ý nghĩa thông tin giúp nhà giáo, nhà quản lý điều chỉnh quá trình dạy học và quản lý. Muốn được vậy, kỳ thi phải khách quan, nghiêm túc. Kỳ thi cũng phải gọn nhẹ, thuận tiện.

Một yêu cầu nữa đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT là có thể sử dụng kết quả thi để tuyển sinh, phân luồng học sinh sau khi học xong THPT. Tuy nhiên, hiện nay một số yêu cầu trên chưa đạt được. Do đó, trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã phải cố gắng nghiên cứu, cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng đáp ứng các yêu cầu tôi vừa nêu”, ông Hiển nói.

Trước câu hỏi của các phóng viên tỉ lệ tốt nghiệp hiện nay đã chính xác chưa, ông Hiển trả lời: “Cá nhân tôi cho rằng, với tỉ lệ nhiều tỉnh đỗ chót vót trong điều kiện dạy học như hiện nay là chưa thực chất. Bộ cũng đã cố gắng làm cho nghiêm nên năm vừa rồi hầu hết các tỉnh đều hạ tỉ lệ đỗ tốt nghiệp. Đến bao giờ, và đến con số tỉ lệ nào là thực chất, tôi cho rằng, không ai có thể trả lời được. Có điều chắc chắn rằng, khi chất lượng đang bị giả, đang bị cao quá so với thực chất mà mình làm nghiêm thì nó sẽ giảm xuống; đồng thời khi các điều kiện tổ chức dạy học càng tốt thì tỉ lệ đỗ tốt nghiệp thực chất sẽ lên. Nhưng bao giờ và lúc nào thì chưa thể nói được”.

Không thể cải tiến mỗi việc thi

Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng, để đáp ứng các yêu cầu trên là vấn đề khó, không thể giải quyết một sớm một chiều; phải giải quyết đồng bộ, không thể tách riêng hoạt động thi với các yếu tố khác trong quá trình giáo dục. Ông Hiển giải thích: “Chương trình giáo dục có ba yếu tố cơ bản: mục tiêu, nội dung và phương pháp. Trong phương pháp có thi, kiểm tra, đánh giá. Thi phải được tiến hành đồng bộ với các yếu tố cơ bản của chương trình giáo dục. Nếu điều kiện dạy học không đảm bảo, học sinh không được làm thí nghiệm, không được thực hành thì không thể bắt học sinh làm thí nghiệm, làm thực hành được khi thi. Không cải tiến được chương trình giáo dục thì không thể cải tiến được cơ bản khâu thi cử, kiểm tra, đánh giá”.

Trước ý kiến nên giao kỳ thi về cho các địa phương, ông Hiển cho rằng, thực chất hiện nay kỳ thi đã được phân cấp cho địa phương, Bộ chỉ ban hành quy chế, thanh tra, kiểm tra và ra đề. “Nếu giao cho các địa phương tự sắp xếp việc ra đề thì tôi chưa tin là có thể làm được tốt. Nếu có ngân hàng câu hỏi rồi thì có thể tính chuyện này. Việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thì hiện nay Bộ vẫn đang thực hiện”.

Ông Hiển tỏ ra băn khoăn: “Bộ cũng thanh tra, kiểm tra đến thế mà vẫn chưa thực chất thì giờ giao cho các địa phương liệu có thực chất bằng hay không bằng?”.

Ông Hiển nhận xét, một trong những yếu tố khiến dư luận bức xúc là kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH được tổ chức khá gần nhau dù hai kỳ thi này có nhiều điểm tương đồng. Bộ GD&ĐT đã và đang tổ chức nghiên cứu và đưa định hướng đổi mới các kỳ thi, công nhận tốt nghiệp THPT cũng như tuyển sinh ĐH vào đề án “Đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT Việt Nam” cũng như đề án “Đổi mới chương trình và SGK sau năm 2015”.

Sau khi đề án này được thông qua, phê duyệt, Bộ GD&ĐT sẽ công bố phương án đổi mới thi trên phương tiện thông tin đại chúng để xin ý kiến rộng rãi trước khi có quyết định chính thức.

Trước câu hỏi của phóng viên, năm 2014 có thi tốt nghiệp như hiện nay không, ông Hiển khẳng định: “Từ nay đến khi có phương án mới thì vẫn tổ chức thi”

 

Theo: Tiền Phong - Tin bài gốc