Muốn học nghề này, bắt chọn nghề khác

Học sinh nam hay nữ đều phải học thủ công, may vá. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH


Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, việc phân luồng học sinh (HS) phổ thông hiện vẫn đang hết sức khó khăn. Tỷ lệ HS sau khi tốt nghiệp THCS chuyển sang học các hệ nghề nghiệp còn rất thấp so với chỉ tiêu 30% đặt ra từ nhiều năm trước.

Điều này cũng xuất phát từ thực tế môn nghề trong nhà trường hiện nay đang dạy rất hời hợt. Hầu hết HS học nghề trong trường phổ thông theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” chỉ với một vài nghề do giáo viên (GV) chọn giúp, HS thì học “chay” với mục đích chính là để hoàn thành nghĩa vụ và được cộng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp.

“Học xong là quên hết”

Thí điểm mô hình giáo dục gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh


Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp tăng cường tổ chức, quản lý, đổi mới hoạt động hướng nghiệp và giáo dục nghề trong trường phổ thông. Chọn lựa, bổ sung các chương trình dạy nghề đáp ứng với yêu cầu phát triển năng lực và phẩm chất của HS, phù hợp với điều kiện của địa phương và điều kiện dạy học của nhà trường. Đồng thời, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị và đội ngũ GV để nâng cao chất lượng giáo dục nghề phổ thông. Thí điểm triển khai mô hình giáo dục trong nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh của địa phương.

Theo phân phối chương trình nghề, bậc THCS học 70 tiết ở lớp 8, THPT học 105 tiết ở lớp 11. Trong danh mục có 11 nghề phổ thông gồm: làm vườn, nuôi cá, trồng rừng, gò, điện dân dụng, điện tử dân dụng, sửa chữa xe máy, cắt may, nấu ăn, thêu tay, tin học văn phòng. Đúng ra, với thời lượng trên nếu được đầu tư một cách bài bản thì sẽ trang bị cho HS những nhận thức cơ bản ban đầu về nghề nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, HS miễn cưỡng phải học và không có nhiều lựa chọn. Có trường chỉ đưa ra 2 nghề để HS chọn!

Đinh Toàn Thắng, HS một trường THCS tại Q.3 (TP.HCM), cho biết: “Lúc đầu xem danh sách đăng ký nghề, em tính đăng ký học nghề điện vì môn này vừa dễ lấy điểm lại có thể ứng dụng thực tế nếu ở nhà có hư hỏng điện nhẹ. Tuy nhiên, khi thông báo đăng ký học nghề, GV lại nói phải đăng ký học nhiếp ảnh vì trường đang thiếu GV nên không tổ chức được lớp điện. Em không có máy ảnh và hoàn toàn không thích môn này nhưng tất cả mọi người đều học nên cũng phải tham gia. Hầu hết các buổi học chỉ là học “chay” vì trong lớp không ai có máy ảnh nên vừa học xong là quên ngay”.

Trường THCS Kiến Thiết (Q.3) do không có GV dạy môn kỹ thuật nên phải mời GV ở trung tâm hướng nghiệp. Tuy nhiên, nguồn GV tại trung tâm cũng rất mỏng nên chỉ có thể tổ chức được một môn là thủ công mỹ nghệ. Vì thế 100% HS của trường cả nam lẫn nữ đều phải học môn này dù muốn hay không. “Em thích học tin học nhưng trường không tổ chức nên không thể học. Các buổi học nghề em thấy rất nhàm chán và thường thì xin ra ngoài chơi”, một HS cho biết. 100% HS của Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3) lại chỉ học tin học, nhiều HS muốn lựa chọn môn nghề khác cũng đành chịu.

Học nấu ăn mà không có bếp


Trong khi đó, một hiệu trưởng tại Q.3 cho biết rất nhiều nghề trong danh mục hiện nay không còn phù hợp dạy trong nhà trường. Chẳng hạn, quy định học nghề mộc mà gần như 100% trường học không có xưởng, quy định dạy sửa xe mà trường hoàn toàn không có đồ nghề, học nấu ăn thì không có phòng thực hành phải mượn bếp của căn tin. Một số trường cố gắng vớt vát bằng cách đưa HS tới học tại trung tâm dạy nghề của quận. Tuy nhiên, phương án này không khả thi với nhiều trường vì thời gian tổ chức cho HS tới trung tâm sẽ ảnh hưởng thời lượng học các môn khác. Chi phí thuê xe, GV đi kèm cũng không tổ chức được nên đành phải hướng HS theo một số nghề đơn giản hơn.

Ông này nói thêm: “Dù không muốn nhưng GV buộc phải dồn HS vào những môn nghề mà trường có thể tổ chức được. Dẫn đến tình trạng HS nam thì phải học nữ công gia chánh, HS nữ dù không thích cũng phải học điện, học ghép cây. Vì biết các em không yêu thích nên chúng tôi cũng không đòi hỏi nhiều, và cố gắng tạo điều kiện để các em đạt loại khá, giỏi để được cộng điểm thi tốt nghiệp”.

Một trưởng phòng giáo dục cũng nhìn nhận: “Phòng học cho HS học chính khóa còn không đủ thì lấy đâu ra phòng để tổ chức học nghề. Chủ yếu là cho các em học để hoàn thành, có điểm cộng. Bản chất của việc dạy nghề ở trường THCS hiện nay chỉ có vậy. Muốn đạt tới mục tiêu hướng nghiệp thì còn rất xa”.

Nói về đội ngũ GV giảng dạy môn nghề trong nhà trường, bà Phạm Thị Thu Hường, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi (Q.3), thừa nhận: “Ngay cả nghề phổ biến nhất là tin học trường cũng không thể đáp ứng nếu HS có nhu cầu, vì toàn trường hiện nay chỉ có một phòng máy để phục vụ HS học môn tin học. Hơn nữa, phòng máy của trường cũng đã xuống cấp, chỉ dạy Word 2003 nhưng thực tế HS đã có thể dùng tới Word 2010. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo nghề ở bậc THCS lỗi thời. Hiện tại, vẫn còn yêu cầu HS làm bài thi với những câu lệnh hoàn toàn không cần thiết”.
Theo bà Hường: “3 năm nay trường hoàn toàn không tuyển mới được một GV kỹ thuật nào mặc dù nhu cầu thực tế là rất cần. Với lực lượng rất mỏng là 3 GV dạy kỹ thật công nghiệp và một GV thủ công không thể nào đáp ứng nhu cầu dạy nghề theo nguyện vọng của HS. Vì danh mục nghề trong trường phổ thông rất nhiều mà thực tế trường lớp, phòng ốc không đủ điều kiện thực hiện”.

Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/muon-hoc-nghe-nay-bat-chon-nghe-khac-746138.html