Tiến sĩ để làm gì? Bao nhiêu phần trăm tiến sĩ có đáp án cho câu hỏi này là để làm khoa học? GS.TSKH Trần Văn Nhung - tổng thư ký Hội đồng chức danh GS nhà nước - đưa ra so sánh rất thú vị: 45 đời tổng thống Mỹ chỉ có một người có trình độ tiến sĩ.

Còn ở Việt Nam, số lượng người làm cơ quan quản lý, làm hành chính có học vị tiến sĩ đang quá nhiều.



Mục đích của bằng tiến sĩ - Ảnh 1



Học vị tiến sĩ có vẻ đang được xem là thứ trang sức mà khi khoác lên, nhiều người nghĩ mình sẽ có một giá trị khác.

Thực tế muốn nâng cao chất lượng tiến sĩ thì trước hết phải định nghĩa được tiến sĩ là ai, xác định rõ tiến sĩ để làm gì.

Trên thế giới, nhiều nước định nghĩa rất ngắn gọn người được trao bằng tiến sĩ dứt khoát không thể không có cái mới, không có phát minh, cho dù những cái mới ấy có tầm vóc khác nhau.

Trong khi tại Việt Nam, dù đã sở hữu đến hơn 20.000 tiến sĩ nhưng vẫn đang loay hoay tìm cách đặt “hàng rào” ngoại ngữ từ đầu vào, nâng chuẩn đầu ra bằng công bố quốc tế hay những nghiên cứu có giá trị...

Đến lúc này, Bộ GD-ĐT đã buộc lòng phải thừa nhận việc tăng quy mô đào tạo tiến sĩ trong khi điều kiện đào tạo chưa đủ đáp ứng đã đưa chuẩn mực cao nhất trong nghiên cứu khoa học xuống mức thấp so với các nước, đồng thời dẫn đến tình trạng lạm phát văn bằng tiến sĩ.

Có chuyên gia đặt vấn đề: đã lo “nâng chất” tiến sĩ thì cũng nên bàn đến nơi đến chốn về chất lượng PGS, GS vốn là đích phấn đấu tiếp theo của nhiều tiến sĩ.

Không khó để nhận ra cũng như học vị tiến sĩ, nhiều quan chức Việt Nam dù không giảng dạy, phải vào cơ sở đào tạo để “xin” giờ dạy, rồi quay đi quay lại cũng được công nhận PGS, GS tự bao giờ.

Hóa ra cuộc đua bằng cấp không dừng lại ở bậc tiến sĩ.

Đứng trước số PGS, GS tăng đều, thậm chí tăng mạnh lên đến hơn 700 GS, PGS được công nhận mới năm 2016, chủ tịch Hội đồng chức danh GS nhà nước, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận định “số GS, PGS của nước ta so với thế giới còn khiêm tốn”.

Nghe sơ qua thì có lý, nhưng nhìn số lượng GS, PGS tăng hằng năm lại không khỏi ngẫm ngợi. Một cơ sở đào tạo thuộc khối khoa học xã hội một năm có đến 350 chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ, nghĩa là cứ tính trung bình thì gần như mỗi ngày “ra lò” một tân tiến sĩ.




Mục đích của bằng tiến sĩ - Ảnh 2



Một cơ sở đào tạo hàng đầu cả nước, quy mô đào tạo tiến sĩ đến cả ngàn người, nhưng số lượng nghiên cứu sinh của ngành khoa học tự nhiên chỉ bằng 1/4 so với khối khoa học xã hội và nhân văn.

Hẳn nhiên những con số ấy sẽ chẳng đáng bàn nếu như các đề tài nghiên cứu của các tiến sĩ từ các cơ sở đào tạo thật sự có giá trị khoa học, hay đem lại những lợi ích trong thực tiễn. Đằng này...

Bất cập trong đào tạo, sự nghi ngờ về chất lượng tiến sĩ đã làm “vàng thau lẫn lộn”, khiến dư luận đánh đồng những tiến sĩ thật sự chất lượng, có đề tài nghiên cứu giá trị với những tiến sĩ thiếu thực học, thực tài.

“Quý hồ tinh, bất quý hồ đa” không chỉ đúng trong câu chuyện nói về người tài, về đội ngũ trí thức tinh hoa.

Đừng đem số nhiều đọ với tinh hoa, cũng đừng đơn thuần so với thế giới để thấy số lượng ấy “chưa thấm vào đâu”, trong khi GS ở nhiều nước đơn giản là do trường ĐH bổ nhiệm, là danh xưng dành cho người giảng dạy ĐH, còn Việt Nam đã lâu xem GS là tinh hoa đất nước.

Cho nên, xét đến cùng, cũng không nên nói chuyện nhiều hay ít, mà hãy xem học vị, học hàm ấy có xứng đáng hay không.

Đành rằng có nhiều cách lý giải về số lượng tiến sĩ, PGS, GS Việt Nam đang tăng mạnh - trong đó có cả cách lý giải tăng thế vẫn chưa thấm vào đâu, chưa đuổi kịp thế giới... nhưng bản chất chỉ có một.

Chất lượng khoa học có nâng lên, xã hội có được hưởng lợi tương xứng nhờ các nghiên cứu khoa học, từ nguồn nhân lực đào tạo do tăng số lượng các chức danh này đem lại?

Từ góc nhìn ấy thì nỗi lo về nguy cơ “lạm phát” chức danh GS, PGS so với mặt bằng trình độ khoa học - công nghệ thực tế, cũng như không ít trường hợp tiến sĩ đào tạo ra không biết để làm gì là chuyện rõ như ban ngày...

Theo Tuổi trẻ