- Tựa sách: Lời tiên tri của giọt sương
- Tác giả: Phan Nhật Chiêu
- Năm xuất bản: 2011
- Đơn vị xuất bản: Phương Nam Book & NXB Hội Nhà văn
- Số trang: 264
- Giá sách: 63.000 VND
Sự cô đơn được trải nghiệm trọn vẹn trong nhan đề của chín phần truyện của quyển sách: Truyện nhỏ, Truyện lạ, Truyện đêm, Truyện đâu, Truyện hư, Truyện mê, Truyện ai, Truyện chơi, Truyện thời... mỗi phần không những thể hiện về một điều kì diệu, sự cô đơn nhỏ bé, nét lạ lùng bí hiểm, gợi mở đầy mê hoặc mà ở đó ngôn từ còn chứa cả hình ảnh của người thưởng lãm như một cách giao tiếp và hội thoại, một cuộc chơi lạ lùng với các giấc mơ và thể loại.
Lật giở trang sách đầu tiên, trong phần “truyện nhỏ” - câu chuyện “bức tranh” có sức ám ảnh dị thường: Chàng họa sĩ đã vẽ trên cát một dòng suối và cuối cùng chàng đã chết. Hay những vết cắn trong phần “truyện lạ”: Cửa vẫn mở, mỗi lần y gõ nhưng không có ai. Hình ảnh là cách nhắc hoài về những trống không tồn tại trong con người và các sự vật xung quanh. Rồi các “con sóng” tự tách mình trong “phần đêm” mang cô đơn tách bạch như một bản năng tìm kiếm, để mà giải thoát... Sự chạy trốn, mang một ý thức săn đuổi và sự tự săn đuổi bản thân (Cửa hẹp); Sự cô đơn như nở giãn các giới hạn rồi bế tắc tìm về với chiều kích sâu thẳm trong linh hồn. Hay vẻ đẹp mang niềm tin “thơ ngây thần thánh” đậm đặc các chất thơ của hư ảo trộn lẫn vào nhau “Từ cửa sổ trong bóng đêm, đôi khi tôi thấy nàng bay qua như một đám mây nhỏ, đôi khi tôi thấy đám mây bay qua tựa như nàng và tôi bám theo hư ảnh đó như một đứa bé bò theo một quả bóng đang từ từ lên không.”
Các phần truyện còn lại, người đọc sẽ thưởng thức ranh giới của các cô đơn bị xóa nhòe bởi các giới hạn giữa “người” và “bóng” (Chơi); Sự chạy trốn, tự chạy trốn; Giải thoát và không lối thoát (Kín cửa); Lời của các nhân vật tự nói chuyện và tự đối thoại; lời của các đồ vật tự nói chuyện về sự sống và hủy diệt (Godot nói)...
Phải nói, về mặt thể loại Nhật Chiêu đã tự bứt phá cho bản thân mình những giới hạn hết sức riêng biệt từ “Người ăn gió và quả chuông bay đi” đến tập truyện tuyệt ngắn và truyện một câu này là một quá trình thể nghiệm đầy đủ về độ dài của một tác phẩm văn học: Truyện có kết cấu vài trang rồi cô đọng chỉ có một từ. Ông đã làm nên một sự phân rã trong tư tưởng bằng cách sắp đặt các tư tưởng Đông và Tây nằm ngay cạnh nhau. Những điều tiên nghiệm về giấc mơ và mộng mị, thượng đế và hư vô, cái tốt và cái xấu, sự nhơ nhớp và vẻ thanh tao, dường như chỉ còn là cái gì quá mong manh trong sự bất định và phân định; mất mát và vẹn nguyện...
Những tác phẩm của Nhà văn Phan Nhật Chiêu đòi hỏi chúng ta phải tư duy theo hình thức đọc: Liên văn bản. Từ Trang tử đến Whitman chỉ là dung dáng của các cuộc chơi với những cô đơn và tỉnh thức của cái bắt đầu. Từ các công án Thiền ngắn gọn, súc tích đầy các ẩn ngôn sâu xa là sự cô đơn thành hình đang chực chờ trong mỗi câu chữ... Ông đã biết cách quật ngã sự cô đơn của bản thân mình trong một tập sách nhỏ “Lời tiên tri của giọt sương”. Phải chăng, Nhật Chiêu viết là để kể cho chúng ta một câu chuyện về sự cô đơn: Ngôn Từ?
Kenhtuyensinh (sưu tầm)