CFA là chứng chỉ quản lý đầu tư có uy tín được công nhận trên toàn cầu bởi tính ứng dụng cao trong thực tiễn của nó. Điều này được chứng minh bởi thực tế có tới 31.000 doanh nghiệp trên toàn thế giới sử dụng CFA để đưa ra quyết định tuyển dụng và thăng chức.
Đa số những người sở hữu tấm chứng chỉ CFA thường có được những cơ hội nghề nghiệp trong các lĩnh vực như: Quản lí danh mục đầu tư (Portfolio Management) và Phân tích nghiên cứu (Research Analysis). Ngoài ra, với CFA, bạn cũng có cơ hội làm việc tại các vị trí tiềm năng khác bao gồm Tư vấn (Consulting), Tư vấn tài chính (Financial Consulting) và Quản lý rủi ro (Risk Management). CFA có các đặc điểm sau:
CFA là khóa học tự quyết - Mỗi học viên sẽ tự tìm tài liệu mà họ cảm thấy phù hợp và dễ hiểu nhất để chuẩn bị cho kỳ thi CFA vào những thời gian nhất định trong năm (tháng 6 hoặc tháng 12 tuỳ thuộc vào từng cấp độ). Ngoài ra, học viên cũng không phải tham gia bất kì một lớp học nào mà ngược lại có thể tự do tiếp nhận kiến thức thông qua các tài liệu để chuẩn bị cho kỳ thi chính thức.
Không có tiêu chuẩn cho việc tuyển sinh - Các ứng viên chỉ cần đạt được tiêu chuẩn tối thiểu bao gồm: có bằng cử nhân hoặc đã trải qua 4 năm đại học kết hợp với kinh nghiệm làm việc là đã có thể tham dự kỳ thi CFA. Trong trường hợp, nếu hồ sơ đại học của bạn thiếu một vài yếu tố cần thiết để được chấp nhận vào một chương trình sau đại học có uy tín, CFA có thể coi là một lựa chọn lý tưởng dành cho bạn.
Chương trình học cụ thể - Chương trình giảng dạy cho CFA được thiết kế để tạo ra những nhà hoạch định chính sách có đạo đức và hiệu quả. Trong đó, trọng tâm của bài kiểm tra sẽ giúp học viên trang bị những kĩ năng cần thiết trong lĩnh vực quản lý đầu tư.
Được công nhận bởi nhiều nhà tuyển dụng – Rất nhiều nhà tuyển dụng có tiếng trên toàn thế giới đã và đang tìm kiếm những người có chứng chỉ CFA để đảm nhận các vị trí đòi hỏi kỹ năng tài chính tiên tiến.
Có trong tay bằng Thạc sỹ Tài chính sẽ là một chứng minh đáng tin cậy nhất cho thấy rằng bạn đã có một sự nghiên cứu và đam mê đáng kể trong lĩnh vực tài chính. Bằng Thạc sỹ Tài chính sẽ cung cấp cho bạn những kỹ năng cần thiết để làm việc hiệu quả trong một loạt các vị trí từ Nhà phân tích Tài chính (Financial Analyst) cho đến Giám đốc Tài chính (Chief Financial Officer). Theo học một chương trình Thạc sỹ tài chính sẽ đem lại các lợi ích:
- Mở rộng các cơ hội kết nối - Mỗi học viên trong lớp làm việc tại các công ty khác nhau, nắm giữ những chức vụ và cương vị khác nhau, nhưng vẫn có 1 điểm chung là niềm đam mê về tài chính. Đó có thể là một lợi ích to lớn giúp bạn tiến bộ hơn trong sự nghiệp tương lai.
- Đa dạng cơ hội nghề nghiệp – Tấm bằng Thạc sỹ Tài chính cho phép học viên cải thiện nhiều kỹ năng tài chính tiên tiến khác bên cạnh lĩnh vực Quản lý đầu tư mà CFA tập trung chủ yếu. Có thể kể đến một số lĩnh vực như: Ngân hàng đầu tư (Investment Banking), Ngân hàng thương mại (Commercial Banking), Tài chính doanh nghiệp (Corporate Finance) và Quản lý rủi ro (Risk Management). Những kỹ năng tiên tiến này mở ra cho học viên nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn trong tương lai.
- Cải thiện vai trò lãnh đạo - Đối với đa số các công ty, những vị trí cấp cao thường yêu cầu người nắm giữ có những loại bằng cấp tương xứng. Chính vì vậy, những người có bằng sau đại học về tài chính có thể có được nhiều cơ hội tốt hơn trong sự nghiệp của mình.
- Tiêu chuẩn vàng - Một tấm bằng Thạc sỹ Tài chính từ một trường đại học được đánh giá cao sẽ là một lựa chọn không thể tốt hơn để thể hiện niềm đam mê và sự sẵn sàng để trở thành một chuyên gia tài chính của bạn.
Theo Dân trí