Ngày 28-9, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã công bố phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2017 với nhiều thay đổi. Rõ nét nhất là sẽ có các bài thi theo tổ hợp và các bài thi đều thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, trừ môn ngữ văn. Hiệu trưởng các trường THPT cho rằng lộ trình cho phương án thi THPT quốc gia 2017 là quá gấp, rất khó để thầy lẫn trò xoay xở.
Thiếu kinh nghiệm soạn đề
Ông Nguyễn Phạm Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Bình (TP HCM), cho rằng từ nay đến lúc thi THPT quốc gia chỉ còn 8 tháng - khoảng thời gian đầy khó khăn với trường khi chưa có sự chuẩn bị gì cho việc thi trắc nghiệm các môn toán, sử, địa, giáo dục công dân. Giáo viên những môn này chưa có kinh nghiệm trong việc soạn câu hỏi trắc nghiệm, bộ đề mẫu cũng không có nên từ nay, họ phải tự mày mò, sưu tầm.
Thí sinh ôn bài trước khi vào phòng thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2016 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cũng tâm trạng đó, ông Lê Văn Linh, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Bình (TP HCM), cho rằng Bộ GD-ĐT đã quy định rồi thì các trường phải chạy theo chứ nào có sự chuẩn bị gì. Tới đây, giáo viên các tổ bộ môn của trường phải soạn câu hỏi trắc nghiệm. Cái khó là giáo viên chưa có kinh nghiệm và nếu có soạn thì cũng chẳng được bao nhiêu bởi thời gian từ nay đến kỳ thi không còn nhiều.
Theo ông Huỳnh Trọng Phúc, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ(TP HCM), phương án thi THPT quốc gia 2017 có nhiều thay đổi nhưng Bộ GD-ĐT lại công bố quá trễ khiến các trường rối bời. Ngay như ở trường, từ đầu năm học, học sinh khối 12 đã được sắp xếp học để thi theo định hướng khối xét tuyển của các trường ĐH, nay các em lại học theo tổ hợp môn khiến trường phải thay đổi.
Bà Lê Thúy Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Thái Bình (TP HCM), nhận xét thi cử cứ thay đổi xoành xoạch. Trước đây, nghe tin thi tốt nghiệp đưa về cho các sở và có kỳ thi của các trường ĐH, nhà trường rất mừng nhưng nay lại vẫn duy trì kỳ thi quốc gia với nhiều môn hơn và sẽ vất vả hơn cho học sinh. Chuyển hướng thi trắc nghiệm, tới đây, học sinh lại phải lao vào ôn thi, luyện thi. Sáng 29-9, trường có cuộc họp về việc thi trắc nghiệm các môn mới, tình hình rất căng thẳng.
Vội vã củng cố kiến thức cho học sinh
Vẫn chạy đua với phương án kỳ thi THPT quốc gia 2017 để học sinh làm quen với bài thi trắc nghiệm các môn toán, sử, địa, giáo dục công dân nhưng các trường cho biết trên lớp vẫn phải dạy tự luận để củng cố kiến thức cho các em.
Ông Huỳnh Trọng Phúc cho biết dù các môn (trừ môn văn) thi theo hình thức trắc nghiệm nhưng giáo viên vẫn phải dạy theo kiểu của thi tự luận để bảo đảm các em nắm vững kiến thức. Các kỳ kiểm tra giữa kỳ hay cuối kỳ sẽ chèn các câu hỏi trắc nghiệm vào. “Nếu dùng các bộ đề trắc nghiệm để dạy thì học sinh sẽ không hứng thú trong việc học khiến các em đánh đại, đúng sai không biết. Việc này sẽ rất tai hại” - ông Phúc lo ngại.
Theo ông Lê Văn Linh, với các môn thi trắc nghiệm lâu nay, có thể cho học sinh luyện thêm câu hỏi trắc nghiệm. Tuy nhiên, với các môn thi trắc nghiệm tới đây, do bộ đề chưa có nên trước mắt, trên lớp vẫn dạy theo hình thức thi tự luận như lâu nay. Cái chính là phải củng cố kiến thức cho học sinh, đề thi trắc nghiệm sẽ bổ sung dần khi Bộ GD-ĐT công bố ngân hàng câu hỏi hoặc có những tài liệu, bộ đề của các tác giả bán ở nhà sách.
Trong khi đó, bà Lê Thúy Hòa cho rằng dù có kiến thức tốt nhưng không quen với phương pháp làm bài, học sinh sẽ khó đạt kết quả cao.
Việc dạy học không thay đổi
Ông Lê Duy Tân, Trưởng Phòng Trung học Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết tới đây, sở sẽ có cuộc họp với các trường THPT về công tác chuyên môn. Để chuẩn bị cho kỳ thi, điều trước tiên là học sinh phải nắm vững kiến thức, do vậy việc dạy học trong nhà trường sẽ không thay đổi. Việc thi trắc nghiệm các môn toán, sử, địa, giáo dục công dân sẽ không khó khăn lắm bởi học sinh đã biết cách làm từ các môn từng thi lâu nay như hóa, sinh, ngoại ngữ.
Tuyển sinh 2017
Theo NLD, nguồn: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/lo-xoay-xo-on-thi-trac-nghiem-to-hop-20160929224445447.htm