Hoàn thiện văn bản về đào tạo sau ĐH
Điều đầu tiên, theo PGS Tô Đức Hạnh, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản về đào tạo sau ĐH một cách chặt chẽ, khoa học, để các cơ sở đào tạo không còn tìm được kẽ hở để "lách luật" trong đào tạo thạc sĩ, vì lợi ích cục bộ mà ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Quy trách nhiệm người đứng đầu
Cho rằng, Bộ GD&ĐT cần kiểm tra, thanh tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy chế đào tạo thạc sĩ với các cơ sở đào tạo sau ĐH, xử lý kiên quyết, nghiêm minh với cơ sở vi phạm, PGS Tô Đức Hạnh đồng thời nhấn mạnh: phải quy trách nhiệm người đứng đầu, không có một lý do nào để đẩy trách nhiệm cho cán bộ cấp dưới.
Cùng với đó, kiểm tra, rà soát chặt chẽ và xử lý nghiêm cơ sở khai không đúng về giảng viên cơ hữu, đội ngũ giảng viên mời giảng để được nhận chỉ tiêu đào tạo. Kiên quyết dừng đào tạo sau ĐH tại các cơ sở không đủ điều kiện quy định, đặc biệt các cơ sở không tuyển sinh được hệ ĐH và các cơ sở quá yếu kém mà dư luận xã hội lên tiếng.
Giải pháp về chỉ tiêu tuyển sinh
Giải pháp thứ 3, theo PGS Tô Đức Hạnh, Bộ GD&ĐT cần kiên quyết giảm, thậm chí cắt hẳn việc giao chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ cho các cơ sở đào tạo không đủ điều kiện đào tạo, đặc biệt là những cơ sở đào tạo chủ yếu mời giảng viên; các cơ sở đào tạo kém chất lượng, chỉ chạy theo số lượng để tăng nguồn thu...
Nên tăng chỉ tiêu đào tạo với những cơ sở đào tạo có uy tín, chất lượng, đội ngũ giảng viên có học hàm, học vị đông đảo; các cơ sở thực hiện tốt và nghiêm túc các quy chế của Bộ GD&ĐT; các cơ sở ứng dụng mạnh CNTT trong đào tạo thạc sĩ.
Dùng công nghệ hiện đại kiểm tra chất lượng đào tạo
Cũng theo PGS Tô Đức Hạnh, cần quy định việc bắt buộc các cơ sở đào tạo sau ĐH dùng công nghệ hiện đại để kiểm tra chất lượng trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Như trang bị hệ thống camera trên lớp học để kiểm tra thi cử của thí sinh, kiểm tra thời gian thực dạy và học của thầy và trò; áp dụng các phần mềm để kiểm tra sự trùng lặp của luận văn.
"Kinh nghiệm của Trường ĐH Kinh tế quốc dân là áp dụng phần mềm Turnitin kiểm tra luận văn, kết quả là chống được triệt để hiện tượng đạo văn" - PGS Tô Đức Hạnh cho biết.
Khuyến khích hợp tác đào tạo trong khu vực và quốc tế
Với nội dung này, theo PGS Tô Đức Hạnh, trước hết, khuyến khích các cơ sở đào tạo mời các nhà khoa học là Việt kiều về nước cùng tham gia trao đổi kinh nghiệm, giao lưu học hỏi, tham gia giảng dạy và hướng dẫn luận văn, luận án. Với chi phí không cao, thậm chí có người thực hiện miễn phí, nhưng có thể góp phần tiếp cận được trình độ, chất lượng đào tạo sau Đh của khu vực và thế giới. Kinh nghiệm của Hàn Quốc và Trung Quốc đã minh chứng rõ điều đó.
Dứt bỏ tâm lý "giơ cao", "đánh khẽ"
PGS Tô Đức Hạnh cho rằng, các cơ sở đào tạo cần nêu cao tinh thần tự giác thực hiện đúng các quy chế về đào tạo trình độ thạc sĩ. Tăng cường quản lý, kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện nghiêm túc thời gian thực dạy và học trên lớp của thầy trò.
Không được bớt xén giờ giảng, tín chỉ, môn học; không được trùng môn học chuyên ngành trong chương trình đào tạo giữa các chuyên ngành khác nhau; không được giao cho một người giảng dạy và hướng dẫn quá nhiều chuyên ngành và nhiều học viên so với quy định. Có biện pháp dứt khoát với các giảng viên không thực hiện tốt chức năng của mình trong đào tạo thạc sĩ.
Đặc biệt, các giảng viên được tham gia đào tạo thạc sĩ phải không ngừng tự trau dồi, nâng cao ý thức, trách nhiệm và nâng cao năng lực chuyên môn nghề nghiệp trong giảng dạy, hướng dẫn viết luận văn và đánh giá học viên cao hơn một cách nghiêm túc, đúng mực, khoa học, khách quan. Dứt bỏ tâm lý "giơ cao", " đánh khẽ".
Theo Giáo dục và Thời Đại