Lại thêm áp lực thi cử
Ông Trần Trọng Khiêm, Phó phòng Giáo dục Q.Tân Phú, cho rằng thông tư giáo dục đã áp dụng 2 năm và đây là năm thứ 3 tiếp tục vận dụng. Những vấn đề vướng mắc lớn nhất như cách ghi nhận xét, cách thực hiện sổ theo dõi chất lượng đã được Sở hướng dẫn cụ thể và giúp GV tháo gỡ thông qua việc thực hiện sổ theo dõi điện tử. Tuy nhiên, ông Khiêm nhìn nhận: “Những nội dung trong dự thảo bổ sung sửa đổi chưa thực tế và không khác gì hơn so với cách làm của Thông tư 30 hiện hành. Bên cạnh đó, có một vài hướng dẫn giống với việc thực hiện đánh giá theo Thông tư 32 trước đây như sử dụng thang mức độ trong đánh giá về học tập, về năng lực, phẩm chất”.
Các GV tiểu học tại Q.Tân Phú, trong buổi đóng góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi, cũng cho rằng việc quy định các mức độ đánh giá không phù hợp với mục tiêu của Thông tư 30 (quay về đánh giá như Thông tư 32).
Phóng viên Thanh Niên làm nhanh khảo sát với 10 GV tại Q.1, Q.4, Q.7, Q.Bình Thạnh, Q.Tân Phú thì tất cả đều khẳng định nên bỏ bài kiểm tra giữa kỳ đối với lớp 4 và lớp 5 để tránh gây áp lực về điểm số và thi cử cho HS, GV và phụ huynh.
Bà Bùi Thị Kim Thúy, Khối trưởng khối lớp 4 Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Q.Tân Phú), nói: “Về phía GV, khi thực hiện bài kiểm tra sẽ phải làm ma trận đề, chấm bài, nhận xét nhưng việc này không đáng ngại mà điều cần quan tâm là về phía phụ huynh và HS. Cứ thi cử ắt có lo lắng, rồi sẽ dạy thêm học thêm để có kết quả cao”.
Một số GV cho rằng có vẻ như Bộ đang thể hiện sự lúng túng khi trấn an dư luận. Các GV dẫn chứng: Chẳng hạn, dự thảo ghi ở học kỳ 1, kiểm tra giữa kỳ diễn ra vào tuần thứ 10, cuối kỳ tuần thứ 18. Nếu như vậy sẽ đánh giá HS theo giai đoạn. Trong khi đó mục tiêu của Thông tư 30 là đánh giá thường xuyên dựa trên sự tiến bộ hằng ngày.
Các GV còn cho rằng học bạ trước đây ghi điểm kỳ 1, kỳ 2 và nhận xét chung cả năm. Còn theo dự thảo sửa đổi, yêu cầu học bạ có phần điểm và nhận xét môn ở từng học kỳ khiến GV càng thêm việc. “GV có nhận xét kỹ, phê hay, phê sát thực tế vào học bạ thì phụ huynh đâu có đọc được, làm sao biết con tiến bộ như thế nào? Còn nếu để GV bậc học kế tiếp nắm bắt được trình độ của HS thì theo quy định hiện hành đã có biên bản bàn giao chất lượng giữa hai bậc học”, một GV Trường tiểu học Hồng Hà (Q.Bình Thạnh) đặt vấn đề.
Bà Nguyễn Thị Lưu (Q.Phú Nhuận), một phụ huynh có con học lớp 4, cũng không đồng tình với việc dự thảo sửa đổi đưa thêm các kỳ kiểm tra giữa kỳ. Vị phụ huynh này nói: “Mục tiêu của thông tư là giảm áp lực cho HS. Nếu cứ đưa thêm kỳ thi tức khắc các bé sẽ lo lắng, cha mẹ cũng sốt ruột với kết quả của con em rồi dẫn đến học thêm, dạy thêm...”.
Một số điểm mới trong dự thảo sửa đổiSẽ đánh giá HS ở các mức A, B, C, cả về năng lực học tập và rèn luyện phẩm chất vào các thời điểm giữa và cuối mỗi kỳ học. Các lớp 4, 5 sẽ có thêm bài kiểm tra giữa kỳ hai môn toán và tiếng Việt, nhằm giúp việc đánh giá HS được cụ thể hơn khi bước vào giai đoạn chuyển cấp. Dự thảo quy định bỏ sổ theo dõi chất lượng giáo dục và thêm sổ tay ghi chép GV. Học bạ trước đây ghi điểm kỳ 1, kỳ 2 và nhận xét chung cả năm. Học bạ mới theo dự thảo có phần điểm và nhận xét môn các học kỳ 1, 2. |
Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/lai-them-ap-luc-thi-cu-745790.html