Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh
Thực tế cho thấy, bao năm loay hoay với quản lý "đầu vào", ngành giáo dục vẫn không nâng được chất lượng "đầu ra". Một kỳ thi không làm nên chất lượng nguồn nhân lực.
Điểm tăng, chất lượng thí sinh không đổi
Tăng nguồn tuyển cho các trường ngoài công lập, xây dựng đề thi có tính phân loại tốt, phổ điểm thi "chuẩn"... là những điều dường như kỳ thi tuyển sinh năm 2013 đã làm được về mặt lý thuyết. Tuy nhiên, trên thực tế, mục tiêu của kỳ thi, ngoài việc tuyển được thí sinh cho các trường, có đạt được yêu cầu cuối cùng là nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của xã hội?
Đề thi "cứu" điểm sàn
Năm 2013, mức điểm chuẩn "khủng" 27,5 cho ngành Bác sĩ đa khoa của Đại học Y Hà Nội được cho là đã tháo ngòi nổ sau những áp lực mà mức điểm chuẩn 28 điểm dự kiến trước đó đã gây nên. Nếu điểm chuẩn được xác định như dự kiến, đã có hơn 100 thí sinh đạt 27,5 điểm vẫn trượt Đại học. Trước những áp lực từ nhiều phía, trường đã đề xuất Bộ GD-ĐT cấp thêm 150 chỉ tiêu để "cứu" những học sinh giỏi điểm cao, tuy nhiên Bộ đã từ chối. Cùng với ví dụ dễ thấy ở Trường ĐH Y, điểm chuẩn tăng đáng kể ở các trường khác cho thấy rõ một mặt bằng điểm cao so với mọi năm. Có trường có điểm chuẩn cao hơn năm ngoái 2-4 điểm như Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông, ĐH Điện lực, ĐH KHTN (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Phòng cháy chữa cháy...
Đây cũng là năm đầu tiên mà Bộ GD-ĐT công khai phổ điểm thi ĐH, mà theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, từ đó, bất cứ ai cũng có thể giám sát được. Trước đó, đầu mùa tuyển sinh, ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ GD ĐH, đã phân tích phổ điểm một số năm và cho rằng, qua việc phân tích phổ điểm có thể rút ra nhiều kết luận, trước tiên, đề thi có mang tính chuẩn mực và khách quan không (?). Theo lý thuyết đo lường và đánh giá trong giáo dục thì một đề thi được xem là "chuẩn" nếu phổ điểm của nó có phân bố dạng hình chuông úp đối xứng, tức là số điểm tập trung nhiều nhất ở mức 5 điểm/môn thi. Nếu phân bố không đối xứng, đỉnh phổ thường lệch về trái (về phía điểm thấp), được gọi là lệch dương. Đỉnh phổ lệch trái càng nhiều thì đề thi càng kém "chuẩn". Với cách phân tích này, năm nay rõ ràng đề thi đã chuẩn hơn với phần đỉnh hình chuông lan sang cả mức điểm 17, 18 thay vì chỉ 13, 14 điểm như năm 2012.
Mặc dù vậy, không ai dám nhận định rằng, điểm cao thể hiện chất lượng thí sinh năm nay cao hơn. Lý giải về mặt bằng điểm năm nay, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, một phần do đề thi phù hợp hơn với năng lực làm bài của thí sinh, thể hiện tính phân loại của đề thi, thí sinh cũng nỗ lực nhiều hơn vì rất ít thí sinh bỏ làm bài trước khi kết thúc môn thi. Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Tú, tuy không nói thẳng rằng điểm cao là do đề thi dễ song cũng đưa ra kiến nghị, cần có một đề thi mang tính phân loại tốt hơn cho mùa tuyển sinh năm sau, bởi với mật độ điểm cao như vậy, rõ ràng trường sẽ khó phân ra được những người giỏi thật sự.
Với Bộ GD-ĐT, trước sức ép đòi hạ điểm sàn của các trường ngoài công lập, chí ít đề thi đã giúp cho Bộ không phải hạ điểm sàn mà vẫn tạo lượng thí sinh dôi dư khá lớn: 238.000 thí sinh, tăng vọt so với 141.000 của năm 2012.
Thủ khoa các trường ĐH, CĐ sẽ là nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.
Có nguồn vẫn khó tuyển
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, trong một lần trả lời cử tri, cũng đã đề cập đến "nghiên cứu xem xét việc điều chỉnh kỹ thuật xác định điểm sàn" như là một trong các giải pháp "cứu" các trường ngoài công lập không tuyển được thí sinh. Một đề thi "chuẩn" với điểm thi cao, được cho là một cách Bộ GD-ĐT tạo thêm nguồn tuyển cho các trường gặp khó khăn trong những mùa tuyển sinh vừa qua, với một mức điểm sàn không đổi.
Sự điều chỉnh này đã thể hiện trong cách xác định điểm sàn năm nay của Hội đồng điểm sàn. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường hiện nay không còn là chỉ tiêu pháp lệnh mà được xác định dựa trên năng lực tối đa mà các trường có thể đào tạo. Vì vậy, cách xác định điểm sàn cũng phải thay đổi cho phù hợp. Thay vì dựa chủ yếu vào chỉ tiêu, Hội đồng điểm sàn đã phân tích các phương án và quyết định xác định dựa trên tổng bình quân của các điểm thi (3 môn/khối), cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, phương án tổng điểm bình quân là phù hợp, vừa bảo đảm được nguồn tuyển dồi dào cho các trường vừa bảo đảm được chất lượng. Phương án này nhận được 100% ý kiến nhất trí từ các thành viên hội đồng. Có thể, nguyên tắc này cũng sẽ được sử dụng để tính toán điểm sàn Đại học - Cao đẳng cho những năm sau.
Tuy nhiên, liệu việc có thêm nguồn tuyển từ điểm sàn thấp có giúp cho các trường nhóm dưới dễ dàng hơn trong tuyển sinh? Lãnh đạo nhiều trường ngoài công lập cho rằng, còn sớm để có kết luận khi nhìn vào diễn biến những ngày đầu xét tuyển song có thể thấy sự bị động của một số trường khi không ở thế có quyền lựa chọn phân khúc thí sinh theo điểm. Phó Hiệu trưởng Vũ Văn Hóa (Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội), vốn là trường thuận lợi hơn các đơn vị ngoài công lập khác trong tuyển sinh, cho biết: "Thí sinh dự thi vào trường năm nay khá đông và có điểm thi cao. Tuy nhiên, những thí sinh đạt điểm cao của trường cũng đạt điểm cao ở các trường ĐH công lập khác. Sự cạnh tranh này là bất lợi với nhà trường vì thí sinh thường lựa chọn học ở trường công." Các trường ngoài công lập lại càng như ngồi trên đống lửa khi nhiều trường công thuộc nhóm trên, dù có điểm chuẩn cao, vẫn thông báo xét tuyển hàng nghìn chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung như: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Tài chính, ĐH Sư phạm Hà Nội, Học viện Công nghệ bưu chính - viễn thông... Ngoài ra, còn một lượng lớn chỉ tiêu bổ sung từ các trường ĐH vùng, trường địa phương với mức điểm xét gần sát mức sàn.
Kênh tuyển sinh (Theo HNM)