Cuộc sống du học Nhật có gì khác biệt so với Việt Nam? Những kinh nghiệm sau đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về Nhật Bản và chuẩn bị kỹ hơn cho hành trình du học Nhật Bản sắp tới.
Bạn đã tìm hiểu kỹ về du học Nhật Bản chưa?
1. Kinh nghiệm khi sinh sống tại Nhật của Minh
Xin chào các bạn. Mình tên là Minh.
Hiện tại, mình đang là du học sinh tại thành phố Fukuoka thuộc vùng Kyushyu nước Nhật. Nếu các bạn có ý định đi du học tại đất nước mặt trời mọc này thì hy vọng bài viết của mình sẽ giúp ích một phần nào đó cho quyết định của các bạn. Dưới đây là những kinh nghiệm mình đã trải qua sau khi sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật sau 9 tháng. Bài viết này chủ yếu dành cho các bạn đi du học theo phương diện tự túc, còn các bạn đi theo diện học bổng cũng có thể tham khảo vài kinh nghiệm cho bản thân sau khi qua Nhật du học.
Shock văn hóa
Cái shock văn hoá đầu tiên có thể là ngôn ngữ. Vì khi bạn đi đâu cũng toàn là tiếng Nhật, dù bạn có chuẩn bị tâm lý đến đâu thì 9 trên 10 người đều bị điều này gây shock khi vừa đến nhật (ngoài ra còn có tiếng Trung khá nhiều nếu như là ở vùng Kansai như Osaka hay Kanto như Tokyo).
Nhật có văn hoá đặc biệt gọi là esyakku hay còn gọi là văn hoá cúi chào. Hầu hết khi các bạn ra ngoài đường, đôi khi sẽ có lúc những người bạn không quen biết sẽ mỉm cười và cúi chào bạn, lúc đó bạn cũng hãy tự tin cười và cúi chào lại người đó, vì đó là hành động thể hiện sự lịch sự trong nếp sống của người Nhật. Có thể nói không ngoa đó là người Nhật cúi chào hơn 2 phần 3 cuộc đời của họ, vậy nên khi mới qua Nhật, có thể các bạn sẽ chưa thích ứng được với vấn đề này.
Nhật rất rắc rối với giấy tờ và thông tin cá nhân. Nếu ở Việt Nam khi bạn muốn mua một thẻ sim để sử dụng điện thoại thì chỉ việc ra đại lý điện thoại và mua thôi, nhưng ở Nhật, để có thể sở hữu một cái thẻ sim là một điều vô cùng rắc rối, từ khâu kê khai thông tin cá nhân đến thông tin ngân hàng, thẻ tín dụng, bạn đã có thẻ sim nào khác chưa… rất nhiều thủ tục để có thể có 1 thẻ sim, vậy nên tốt nhất là nhờ các sempai có kinh nghiệm trong vấn đề này giúp đỡ nhé. Còn các bạn nào có ý định mua điện thoại ở Việt Nam (cho dù là bản quốc tế) thì các bạn hãy để dành số tiền đó để qua Nhật mua nhé, vì trước sau gì khi đăng kí sim, nhà mạng Nhật cũng sẽ tìm mọi cách để bạn phải mua 1 sản phẩm (điện thoại hoặc ipad) của hãng.
Về việc đi qua đường, các bạn có thể tự ý sang đường nhưng ở Nhật bạn phải tuân thủ luật giao thông ở nước này, qua đường tại làn đường đi bộ, chạy xe đạp hoặc xe môtô không được chở 2 (trừ khi bạn chở 1 em bé). Và người đi bộ luôn được ưu tiên khi có tín hiệu được qua đường (xe sẽ phải dừng chờ đến khi làn đường không có người đi bộ qua nữa thì mới chạy).
Ngoài ra, nếu bạn đi vào tháng 4 thì hãy tranh thủ thời gian đó đang có dịp giảm giá quần áo mùa đông, hãy mua thủ sẵn vài bộ cho mùa đông sắp đến nhé.
Đó là một trong những điều các bạn sẽ bị shock sau khi đến Nhật. Đương nhiên sẽ còn nhiều điều nữa, nhưng bạn hãy thử trải nghiệm du học Nhật & cảm nhận nhé.
Sinh sống tại Nhật
Khi bạn mới bắt đầu đặt chân lên đất nước mặt trời mọc này, thì cũng nên đừng tự ti với vốn tiếng Nhật eo hẹp của mình, hãy rời khỏi căn phòng của mình mà bắt đầu ngao du với cuộc sống bên ngoài. Trước tiên là những khu vực xung quanh mình.
Ở Nhật các bạn sẽ nhận ra rằng là các ngôi nhà thường rất ít khi để địa chỉ nhà như ở Việt Nam, mà thay vào đó có thể là họ của người chủ nhà chẳng hạn, vậy nên việc tìm kiếm địa chỉ nhà thường chủ yếu đều dựa vào GPS là chính, nên lúc mới qua việc lạc đường và không thể xài mạng internet để search đường là chuyện đương nhiên. Cách giải quyết vấn đề rất đơn giản, đầu tiên khi các bạn về đến nơi mình sẽ ở thì điều đầu tiên hãy lưu lại địa chỉ bưu điện của nhà mình (ví dụ 014-00XX). Khi ra ngoài, lỡ như có bị lạc thì hãy chạy vào một cửa hàng conbini (cửa hàng tiện lợi) gần nhất mà bạn tìm thấy được và xài ké internet ở đó để search đường về nhà nhé. Còn nếu bí quá mà có gặp được anh cảnh sát nào thì cũng đừng ngại, hãy nhờ họ giúp đỡ để có thể về nhà nhé. Cảnh sát ở Nhật dễ thương lắm.
Khi đi ngao du các khu vực xung quanh nơi mình ở thì các bạn nhớ để ý các cửa hàng hay các conbini nào đang dán tấm bảng hoặc poster có từ 募集中 nhé. Những cửa hàng nào có từ này ý là họ đang tuyển nhân viên vào làm đấy. Dù rằng trong 2-3 tháng đầu (tùy vùng) các bạn sẽ bị cấm đi làm nhưng hãy lưu ý trước để sau này kiếm việc làm gần nhà sẽ dễ dàng hơn.
Một nơi nữa cần các bạn lưu ý đó chính là siêu thị. Hãy đi siêu thị thường xuyên nhất có thể và hãy lưu ý các khung giờ giảm giá của siêu thị đó hoặc sẽ có những mặt hàng giảm giá vào những ngày nào đó (ví dụ siêu thị gần nhà mình sẽ bắt đầu giảm giá các loại thịt từ 5h chiều mỗi ngày và các đồ chiên sẽ giảm giá từ 8h tối mỗi ngày). Ngoài ra, còn tùy vào loại siêu thị mà một số đồ ăn hoặc đồ dùng sẽ có giá chênh lệch nhau, tuy không nhiều nhưng nó cũng sẽ giải quyết khá là nhiều cho vấn đề chi tiêu hàng tháng của bạn đấy.
Nếu các bạn mới qua mà muốn đi mua đồ dùng trong nhà mà không biết mua ở đâu thì sau đây mình sẽ giới thiệu cho bạn một số nơi mà mình nghĩ là tốt nhất.
Thứ nhất, cửa hàng 100 yên Daiso. Cửa hàng này có tất cả mọi đồ dùng sinh hoạt hằng ngày mà bạn cần với giá rất rẻ là 100 yên 1 món (tương đương với khoảng 20k vnd), tuy nhiên hàng trong này đa số đều made in China nên nếu bạn nào ngại điều này như mình thì chắc có lẽ sẽ tốn kha khá thời gian cho việc xem xuất xứ món hàng. Nhưng bạn hãy cứ yên tâm, cho dù là hàng made in China đi chăng nữa thì nó vẫn rất tốt do khâu kiểm duyệt hàng hóa của Nhật rất cao và chất lượng. Vì vậy, bạn hãy cứ tự tin vác đồ từ Daiso về trang trí cho nhà của bạn thêm sinh động nhé.
Nếu bạn đang tìm kiếm các mặt hàng như tủ lạnh, lò vi sóng hay thậm chí là máy pha cà phê. Tuy nhiên nếu các bạn vào các siêu thị điện tử thì chắc chắn bạn sẽ phải phát khóc khi nhìn thấy giá của các món đồ đó đấy. Vậy nên, cửa hàng sau đây có thể là 1 điểm đến vô cùng lý tưởng cho các bạn nào muốn tiết kiệm tiền. Đó chính là cửa hàng đồ cũ. Tuy nói là cửa hàng đồ cũ nhưng thật ra hàng cũng không cũ lắm đâu, đôi khi bạn còn vớ được một món hàng mới tinh với giá rất rẻ nữa cơ. Những mặt hàng ở đây đa số đều đã qua sử dụng và các nhà không muốn sử dụng nó nữa sẽ đem bán cho các cửa hàng như thế này. Có thể các bạn sẽ nghĩ là các đồ điện nên xài hàng mới sẽ tốt hơn, đúng là nên xài hàng mới sẽ tốt hơn, nhưng mình nghĩ nên cân đo đong đếm về lượng tài sản của mình để đưa ra những quyết định đúng đắn hơn. Đồ của loại cửa hàng này, đa số thường có tuổi thọ qua sử dụng khoảng 3-5 năm nhưng vẫn còn rất tốt mà giá cả lại hợp lý đối với du học sinh.
Bạn thích manga Nhật, hay thích sưu tập các mô hình hoặc là một game thủ thì chắc chắn bạn phải ghé qua cửa hàng Book-off. Nơi này có đủ loại mọi thể loại truyện tranh, văn học, sách báo, nơi bạn có thể đứng hàng giờ chỉ để kiếm và đọc các cuốn truyện manga yêu thích (đương nhiên tất cả đều là tiếng Nhật), tuy nhiên một điểm trừ cho cửa hàng này là rất hiếm khi có sách học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Nhật. Ngoài ra cửa hàng này cũng có bán đồ chơi mô hình hoặc các bộ đồ cosplay với giá bình dân. Đôi khi bạn còn thấy cửa hàng này bán những bộ quần áo hay những phụ kiện với giá rẻ nữa cơ. Và đương nhiên, giống như cửa hàng đồ cũ, đại đa số hàng hóa ở đây cũng đều là hàng secondhand nên khi lựa đồ bạn cũng nên chú ý nhé.
Nãy giờ nói về đồ cũ nhiều rồi, thì giờ mình nói về đồ mới nhé. Đây là cửa hàng yêu thích của mình sau khi qua Nhật được gần nửa năm mới phát hiện ra nó (đa số người nước ngoài cũng không biết đến nơi này). Cửa hàng Nitori (ニトリ). Cửa hàng này đa số đều là hàng Nhật 100%, tuy nhiên giá lại vô cùng bình dân và hợp túi tiền. Bạn cũng có thể mua futon hoặc ga trải futon ở cửa hàng này, ngoài ra vào mùa đông, họ cũng có bán bàn sưởi hoặc bình sưởi với giá rẻ hơn các cửa hàng khác. Tất nhiên, cửa hàng này cũng có bán chén dĩa với thiết kế mà các bạn nữ nào nhìn vào ai cũng thích (đôi khi cũng có các bạn nam cũng phải trầm trồ không kém). Các bạn cũng có thể mua tủ hoặc kệ với giá rẻ ở cửa hàng này, đôi khi giá còn rẻ hơn cửa hàng đồ cũ nữa cơ. Điểm trừ duy nhất ở cửa hàng này là không có dịch vụ vận chuyển, tức là bạn mua bao nhiêu thì bạn phải tự mang về lấy, nếu sử dụng dịch vụ vận chuyển thì chi phí sẽ rất đắt (giá vận chuyển dao động từ 5000 yên trở lên).
Cửa hàng cuối cùng là Donkihote. Cửa hàng này là thứ gì cũng có, giá cũng hợp túi tiền. Nên có thể bạn sẽ dành cả ngày của ngày cuối tuần để tham quan nơi này đó.
Nhật Bản là một đất nước có nền du lịch rất là phát triển, từ việc có những thắng cảnh đẹp ra, Nhật còn có những ngôi đền nổi tiếng, nếu bạn có thời gian thì hãy đến những ngôi đền, học những văn hóa trong đền và đem về một hoặc nhiều lá bùa hộ thân nhé, cũng có thể mua về làm quà tặng người thân hay bạn bè đều được.
Nếu bạn đã chán ngẫm cuộc sống trong đô thị phồn hoa thì hãy xách xe đạp lên và đi nào. Thiên nhiên ở Nhật rất trong lành và sạch sẽ, bạn hãy chạy về các vùng quê, nơi bạn có thể hít thở bầu không khí trong lành không vương một chút bụi, rửa mặt bằng một dòng nước mát lạnh nơi mà bạn có thể thấy cá lội tung tăng ở đó (uống luôn cũng không có vấn đề gì). Tuy nhiên với địa hình 75% là núi rừng, nên nó sẽ là một thử thách cho các bạn nào không hay thường xuyên luyện tập thể dục, còn bạn nào có sở thích leo núi thì bạn đến đúng nơi rồi đó.
Nhật Bản ngoài các địa danh thắng cảnh hay các nơi nổi tiếng ra, họ còn nổi tiếng với những phong tục truyền thống hoặc các lễ hội diễn ra ở nơi đây. Đặc biệt là vào mùa hè, có vô vàn các lễ hội diễn ra khắp đất nước này, trong đó nổi tiếng nhất là lễ Obon (lễ đưa tiễn người đã khuất) gần giống như rằm tháng 7 ở nước mình vậy. Vào ngày lễ Obon mọi người sẽ cùng nhau quây quanh nhảy múa xung quanh một đám lửa, rất vui và rất nhộn nhịp. Nếu bạn có dịp đến Kyoto vào mùa lễ này, thì hãy đến núi Arashiyama, nơi này người ta sẽ đốt một chữ Đại (大) khổng lồ ở trên núi rất hoành tráng. Ngoài ra còn có lễ hội mùa hè, nổi bật nhất là Hanabi taikai (đại hội bắn pháo hoa), lễ hội này bạn có thể cùng bạn bè, vừa nhấp men say vừa ăn các món ăn bày bán nơi này, ngoài ra còn có thể thưởng thức màn bắn pháo hoa tuyệt đẹp kéo dài trong nhiều giờ liền (thường kéo dài 2-3 tiếng, mỗi đợt bắn cách nhau 5 phút), nên nếu được thì hãy sắm cho mình một bộ Yukata và trà trộn vào lễ hội này nhé.
Làm việc tại Nhật
Tại Nhật, đối với du học sinh thì các bạn được làm tối đa 28 tiếng 1 tuần. Nếu làm hơn thế nữa thì các bạn sẽ bị trục xuất về nước nếu bị phát hiện. Đương nhiên là vẫn sẽ có cách giúp bạn làm thêm giờ mà không lọ bị trục xuất hay phát hiện. Nhưng mình nghĩ bạn nên cân nhắc là nên qua đây để học hay để đi làm, dù cho thật sự là mọi thứ ở Nhật quá đắt đỏ khiến bạn sẽ có những ngày bị stress căng thẳng vì không biết nên ăn cơm với nước tương hay là chỉ ăn cơm trắng trong những ngày cuối tháng.
Để làm việc tại Nhật thì bạn phải có con dấu mộc phía sau thẻ gai của mình, cộng thêm thẻ my number, thứ bạn sẽ nhận được sau khi đăng kí hộ khẩu tại các shiyakusyo. Thẻ gai và my number là 2 thứ cực kỳ quan trọng, dù bất cứ giá nào bạn cũng không nên làm mất 2 thẻ này (ngoài ra còn có thẻ bảo hiểm y tế nữa).
Hầu như các công việc đều yêu cầu bạn giao thẻ my number ra nhưng sẽ là bản photo thôi nên các bạn yên tâm là mình vẫn giữ bản chính. Những nơi yêu cầu thẻ my number thì tiền lương của bạn sẽ được gửi qua ngân hàng, và cứ đến ngày thì cứ ra ATM của ngân hàng mình đăng kí mà kiểm tra tiền thôi. Tuy nhiên cũng có một số cửa hàng không yêu cầu my number, mà họ sẽ trả lương tay cho bạn. Những cửa hàng này có thể giúp các bạn kiếm thêm tiền và làm ngoài giờ mà không bị phát hiện, tuy nhiên lượng công việc có thể nói là khá nặng nhọc và kéo dài nhiều giờ đến mức bạn không còn tí năng lượng nào cho việc đến trường vào ngày mai. Vậy nên, mình khuyên các bạn một lần nữa, nên nghĩ kỹ về vấn đề này.
Việc làm ở Nhật có thể nói là rất nhiều, vì do là dân số già nên việc thiếu hụt lao động là điều đương nhiên, vậy nên khi các bạn vô một conbini hay 1 cửa hàng nào đó mà bắt gặp một người nước ngoài hay một người Việt Nam đang làm việc, thì đó cũng chỉ là chuyện bình thường ở nơi này.
Việc làm thêm có thể nói có nhiều dạng, nhưng nếu bạn muốn nâng cao khả năng cũng như trình độ tiếng Nhật thì nên vào làm quán hoặc tốt hơn là làm ở các conbini hay là làm reji (người thu ngân, gọi món). Hạn chế tối đa làm các công việc sau hậu trường như rửa bát cho các nhà hàng (làm đầu bếp còn tốt hơn), mình khuyên các bạn không nên làm công việc rửa bát cho các nhà hàng, vì thứ nhất là lượng bát các bạn rửa vô cùng nhiều, thứ 2 nếu nhà hàng có buffet thì đôi khi các bạn còn phải rửa những cái tô có chiều dài gần bằng mình và nặng bằng nửa mình không chừng, thứ 3 là điều đáng nói nhất, với lượng công việc vừa nặng vừa nhiều nhưng yêu cầu phải sạch và nhanh, khiến bạn phải lao đao với đống chén dĩa đó, nên bạn đừng nghĩ đến việc mở miệng để nói từ gì, còn thở được là may lắm rồi (mình đã từng làm công việc này đến mức khi về nhà mình còn chả dám đụng vô cái chén ăn cơm mà phải ra ngoài kiếm cái gì đó cầm ăn).
Vậy đó, vấn đề công việc tại Nhật cũng là một vấn đề nan giải, nhưng bạn có hẳn 2-3 tháng để suy nghĩ về vấn đề đó. Cách tốt nhất là hỏi thăm các senpai nhờ họ giới thiệu vô các chỗ họ đang làm và bạn cũng nên phải suy nghĩ về việc công việc đó có thể giúp mình nâng cao trình độ tiếng Nhật hay không, hoặc là làm công việc đó có đủ để chi trả cho sinh hoạt phí hằng tháng hay không nhé.
Trên đây chỉ là những kinh nghiệm của cá nhân mình. Đương nhiên là sẽ còn nhiều điều khác nữa, nhưng mình không nói ra hết, vì nói ra hết thì sẽ không còn gì thú vị mà sẽ khiến bạn lo lắng không chừng. Vậy nên hãy tận hưởng cuộc sống tại Nhật của mình hết sức có thể bạn nhé.
2. Chia sẻ kinh nghiệm của một bạn khác về du học Nhật Bản
Mình mới sang Nhật được hơn một năm, cơ bản đã ổn định được khoảng 6 tháng nay thôi (trước đấy thì vô cùng đau đầu với vấn đề sinh hoạt, cư trú và việc làm kiếm tiền). Dù chưa biết nhiều nhưng mình tổng hợp lại một số vấn đề thường gặp khi quyết định đi Nhật Bản du học: Chọn trường, xuất cảnh, lưu trú, sinh hoạt, tìm việc, kiếm tiền ở Nhật Bản.
Kinh nghiệm chọn trường ở Nhật để đi du học
Nếu là đi du học để làm việc là chính – vừa học vừa làm thì thường là các bạn phải sang học ngôn ngữ (dự bị) và trong thời gian này các bạn “đi cày” kiếm tiền. Mức thu nhập của mình trung bình khoảng trên 28 triệu mỗi tháng, thời gian nào kiếm được việc làm tốt cũng được gần 40 triệu/ tháng. Điều kiện trường học lý tưởng: ở trung tâm, học phí thấp, có nhiều thời gian đi làm. Vậy trước khi đi bạn cần tìm hiểu kỹ điều này, hỏi rõ ở công ty tư vấn du học cho bạn.
Thông tin du học Nhật Bản
Những bạn đi học chuyên nghiệp (học cao đẳng, đại học ở Nhật), cũng như thi đại học ở Việt Nam, trước khi đăng ký dự thi đại học thì các bạn học sinh cần phải chọn trường để dự tuyển. Đi du hoc Nhat Ban cũng vậy, điểm xuất phát đầu tiên trong hành trình đi chọn trường của bạn là tìm hiểu xem trường nào phù hợp nhất với bạn, ngành học nào có thể đáp ứng được nguyện vọng của bạn. Bạn hãy bắt đầu từ việc tìm hiểu thông tin trong cuốn cẩm nang của các trường bên Nhật.
Điều quan trọng mà các bạn phải quan tâm đến đó là học phí, các bạn cần tìm hiểu xem mức thu học phí năm đầu của trường và khi nhập học phải đóng trước bao nhiêu. Đồng thời cần biết về khoản học phí cần đóng cho các năm kế tiếp và những khoản phí không có ghi trong hướng dẫn nhập học nhưng vẫn phải nộp thì thuộc những khoản nào và mức đóng là bao nhiêu. Ngoài ra trong quá trình chọn trường các bạn cũng không nên quá chú trọng đến mức học phí cao hay thấp, mà vấn đề ở đây là bạn có thể nhận được sự đào tạo tương xứng với mức học phí mà bạn bỏ ra hay không.
Kinh nghiệm học ở Nhật Bản
Các trường đại học Nhật Bản được trang bị rất hoàn hảo từ thư viện, phòng máy tính, phòng nghiên cứu, phòng thí nghiệm đến ký túc xá, nhà ăn, nhà tập thể dục, bể bơi, sân bóng…nhằm phục vụ tốt nhất mục đích học tập, nghiên cứu và nghỉ ngơi của sinh viên. Ví dụ, thư viện được xây dựng khang trang với một kho sách đồ sộ, sinh viên ai cũng có thể mượn sách miễn phí mang về nhà học hoặc học tại thư viện. Phòng máy tính cũng được trang bị rất hiện đại, bất cứ ai cũng có thể sử dụng được và nhiều nơi còn cho phép sinh viên sử dụng 24/24. Các phòng ốc của các trường đại học luôn được trang bị đầy đủ hệ thống máy lạnh, lò sưởi làm bạn cảm thấy rất thoải mái trong những ngày đông lạnh giá hoặc ngày hè nóng nực.
Nhà ăn ở trường cũng rất tiện lợi và rẻ. Rất nhiều sinh viên, không nấu ăn ở nhà mà chủ yếu ăn ở nhà ăn. Ngoài ra, ở trường đại học còn có cả hiệu sách, đại lý bán vé tàu, cửa hàng giặt đồ, cửa hàng văn phòng phẩm, máy rút tiền ATM,… rất thuận tiện. Tại nhà tập thể dục thể thao, bể bơi, sân bóng, sinh viên có thể thư giãn sau những giờ phút học tập căng thẳng.
Giờ học ở Nhật Bản
Phần lớn các trường đại học Nhật Bản giảng dạy bằng tiếng Nhật. Cả hai lần du học Nhật Bản, tôi cũng học bằng tiếng Nhật. Khi mới đặt chân tới Nhật, tiếng Nhật chưa đủ, việc nghe giảng của tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Sau mỗi giờ học, tôi thường phải mượn vở của những người bạn Nhật, mượn rất nhiều tài liệu tham khảo ở thư viện, về Phòng nghiên cứu để vừa tự ôn lại bài giảng, vừa làm bài tập. Vì vậy, theo tôi, trước khi vào học chính thức tại một trường đại học nào đó, bạn nên cố gắng trang bị càng nhiều tiếng Nhật càng tốt. Ngoài ra, trong các bài giảng của các giáo sư Nhật Bản, bên cạnh sách giáo khoa, sách tham khảo cũng được sử dụng rất nhiều, và khối lượng sinh viên phải tự học cũng rất lớn. Bạn nên tranh thủ đọc càng nhiều sách tham khảo càng tốt. Kết quả học tập mỗi môn học sẽ được đánh giá thông qua điểm thi giữa kỳ, cuối kỳ, report và cả những phát biểu tại những buổi thảo luận.
Kinh nghiệm tìm việc làm thêm ở Nhật
Theo tôi việc làm thêm cũng cần thiết đối với những du học sinh tự túc. Tôi cũng làm thêm nhiều việc như làm tại tiệm ăn Việt Nam, dạy tiếng Việt cho người Nhật, dịch tài liệu,… Tiền thù lao làm thêm tại các tiệm ăn thông thường khoảng 800yên/giờ, bao gồm cả ăn trưa hoặc tối. Những công việc khác như dạy tiếng Việt, dịch thuật thì có mức lương cao hơn nhưng rất khó tìm và không phải khi nào cũng có. Đi làm thêm giúp tôi kiếm một phần sinh hoạt phí, nhưng làm thêm còn là một cơ hội tốt cho tôi tìm hiểu xã hội, con người Nhật Bản. Tuy nhiên, bên cạnh tôi cũng có một vài người bạn do tập trung quá vào việc làm thêm, bỏ bê việc học hành, dẫn đến một kết quả học tập không tốt. Cũng có một số người làm những công viêc nguy hiểm. Làm thêm như vậy thì không nên. Ở trường đại học, cũng có chỗ giới thiệu công việc làm thêm cho bạn, bạn thử đến đó tham khảo xem sao.
Kinh nghiệm săn học bổng du học Nhật Bản.
Ngày nay, số lượng du học sinh ở Nhật Bản ngày một nhiều, vì vậy việc xin học bổng cũng ngày càng khó khăn. Qua bảng thông báo của nhà trường, những cuốn sách hướng dẫn tìm kiếm học bổng cho du học sinh và qua thông tin từ bạn bè, tôi đã lập một danh sách những học bổng mà mình thoả mãn điều kiện dự tuyển, sau đó tôi đã nộp hồ sơ xin học bổng rất nhiều lần. Những học bổng có giá trị cao, đối tượng tuyển rộng rãi (không giới hạn quốc tịch, ngành nghề chắng hạn) là những học bổng rất khó xin. Sau nhiều lần nộp hồ sơ tôi nhận thấy rằng, thành tích học tập cùng với bộ hồ sơ chuẩn bị thật chu đáo là những yếu tố quan trọng quyết định bạn có được chấp thuận hay không. Bộ hồ sơ xin học bổng thường bao gồm Bảng thành tích học tập, Giấy chứng nhận đã đăng ký cư trú dành cho người nước ngoài, Bản kế hoạch nghiên cứu, kế hoạch học tập… Vì phải tiến hành nộp đơn nhiều lần, nên theo tôi để tiết kiệm thời gian cho mỗi lần nộp đơn bạn nên luôn chuẩn bị sẵn những giấy tờ nêu trên. Ngoài ra, từ thời điểm nộp đơn xin học bổng đến thời điểm được chấp thuận là một khoảng thời gian khá dài, nên bạn cũng cần theo dõi xem tiến trình đến đâu.
Kinh nghiệm sống ở Nhật
Ở Nhật Bản, bất cứ cái gì bạn cần đều có thể mua được. Hệ thống những cửa hàng tiện ích mở cửa 24 tiếng một ngày có ở khắp nơi. Trong suốt thời gian du học, tôi đã sống với một gia đình người Nhật. Nhưng nhiều bạn bè tôi sống trong ký túc của trường. So với nhà thuê ở ngoài, thì ký túc xá chật chội hơi, nhiều trang thiết bị phải sử dụng chung, nhưng tiền nhà ở ký túc xá lại rẻ hơn rất nhiều so với bên ngoài, và ở trong ký túc xá bạn còn có thể kết bạn với nhiều sinh viên người Nhật cũng như sinh viên nước ngoài cùng sống chung ký túc xá. Còn tôi, qua những câu chuyện giao lưu với gia đình người Nhật mà tôi sống chung, không những tôi nâng cao được năng lực tiếng Nhật mà tôi cũng học hỏi được rất nhiều điều về văn hoá, sinh hoạt của người Nhật.
Ở Nhật người ta ít sử dụng xe máy. Hệ thống xe buýt và tàu điện ở Nhật Bản rất phát triển giúp bạn đi tới bất cư nơi đâu bạn muốn trên nước Nhật. Nên bạn chỉ cần mua thêm chiếc xe đạp là tiện lợi nhất. Phần lớn sinh viên ở Nhật sử dụng xe đạp làm phương tiện đi lại.
Vào ngày nghỉ, tôi thường tranh thủ đi thăm các di tích lich sử, danh lam thắng cảnh, chùa chiền hoặc đi dạo tại các trung tâm mua sắm. Vào những đợt nghỉ dài, tôi hay cùng bè bạn đi du lịch đâu đó hoặc đi nghỉ ở suối nước nóng.
> Những điều bạn cần biết về visa du học
> TOP những quốc gia Châu Á được du học sinh việt lựa chọn nhiều nhất
Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp