Mới đây, để tạm thời giải quyết vấn đề học sinh tăng, giáo viên thiếu thì sở GD-ĐT Kiên Giang đã đề nghị bổ sung 1280 biên chế cho giáo viên.
1. Cần bổ sung hơn 1.000 biên chế
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Kiên Giang, địa bàn xảy ra tình trạng thiếu giáo viên khá nhiều, điển hình là TP.Phú Quốc. Lượng học sinh tăng nhanh, nhiều trong khi giáo viên thì lại thiếu hụt. Lý giải về vấn đề này, Sở GD&ĐT cho biết, hiện nay Phú Quốc đang rất phát triển, nhiều người chuyển ra đảo sinh sống và làm việc nên buộc phải dẫn con cái đi theo. Chính vì thế, tình trạng học sinh thừa, giáo viên thiếu ngày càng trầm trọng.
Anh Nguyễn Thanh Bồng (ngụ TP.Rạch Giá, Kiên Giang) cho biết, vì công việc làm ăn nên cả gia đình vừa chuyển về Phú Quốc sinh sống. “2 đứa con của tôi cũng chuyển trường từ đất liền ra học tại Trường Tiểu học và THCS An Thới 2 ở Phú Quốc. Gia đình cũng gặp khá nhiều khó khăn khi làm các thủ tục về hộ khẩu, tạm trú, xin vào trường... nhưng bây giờ thì đã hoàn tất ổn thỏa”, anh Bồng cho hay.
Theo tính toán sơ bộ, năm học 2022-2023, Phú Quốc cần bổ sung 180 biên chế, số giáo viên đang thiếu là 270 giáo viên. Trong số này, chủ yếu thiếu giáo viên môn tin học và ngoại ngữ cho cấp tiểu học. Vì thiếu giáo viên nên dù học sinh tăng đông cũng không thể mở thêm lớp, số học sinh mỗi lớp có khi hơn 50 em.
Theo kế hoạch huy động học sinh năm nay, toàn tỉnh dự kiến có trên 10.000 lớp, với hơn 330.000 học sinh. Căn cứ số học sinh, số lớp, Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh có báo cáo về kế hoạch số lượng người làm việc năm học 2022-2023, đề nghị bổ sung cho giáo dục 1.280 biên chế.
Kiên Giang xử lý thế nào với tình trạng học sinh tăng, giáo viên thiếu?
2. Tăng tiết, tăng giờ ứng phó tạm thời
Năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT Kiên Giang đã thực hiện nhiều giải pháp khắc phục khó khăn do thiếu biên chế giáo viên, tuy nhiên, hiện tại vẫn chỉ áp dụng 1 số biện pháp tình thế tạm thời để gỡ khó.
Ông Trần Quang Bảo - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang - cho biết: “Tạm thời các đơn vị, trường học phân công giáo viên dạy tăng tiết, vượt giờ và đương nhiên sẽ có chi trả thêm cho giáo viên đúng quy định. Tuy nhiên, giải pháp này cũng chỉ là tạm thời, nếu kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục”.
Ngành giáo dục đang thực hiện đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2015-2020, kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non (mở rộng đến trẻ 3, 4 tuổi). Nhu cầu số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tăng nhưng chưa được bổ sung biên chế kịp thời. Theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, một số môn học mới được đưa vào chương trình giảng dạy bắt buộc nhưng chưa được bổ sung vị trí việc làm như tiếng Anh, tin học cấp tiểu học; âm nhạc, mỹ thuật, tiếng dân tộc cấp giáo dục phổ thông. Do đó, Sở GD&ĐT thiếu cơ sở xây dựng, thẩm định biên chế, tuyển dụng viên chức cho các môn học này.
Ông Bảo thông tin thêm, Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang đã đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng GD&ĐT xây dựng ngay kế hoạch biên chế cho năm học 2023-2024. Căn cứ các thông tư, quy định để xác định số lượng học sinh, lớp để xin biên chế cho đủ.
Ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - đã chỉ đạo Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT cùng UBND các huyện, thành phố khẩn trương rà soát, báo cáo và tham mưu, đề xuất UBND tỉnh tổ chức thực hiện đúng yêu cầu của Bộ GD&ĐT về việc triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông. Theo nhu cầu định mức ngành giáo dục và đào tạo, năm học 2022-2023 thiếu 1.280 biên chế, theo Quyết định số 72-QĐ/TW được bổ sung 294 biên chế nên ngành giáo dục và đào tạo còn thiếu 986 biên chế.
> Hà Nội thông báo tạm thời chưa thu học phí năm học mới
> Bộ GD-ĐT đề xuất gì trước tình trạng giáo viên nghỉ việc?
Theo Báo Lao Động