Những lời hứa về tuyển sinh của Bộ Giáo dục

Bộ GD&ĐT nói khuyến khích các trường tuyển sinh riêng. Nhiều trường coi đó là chỉ nói cho vui thôi!


Từ nhiều năm trước đây ông Nguyễn Thiện Nhân khi còn là Bộ trưởng GD&ĐT đã hứa "năm sau" bỏ kiểu thi "ba chung". Năm 2011, ông Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu trên báo chí là "ba chung" đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử, cần thay đổi. Gần đây Luật Giáo dục Đại học (điều 34) đã quy định: các cơ sở đào tạo ĐH được tự chủ chọn phương thức tuyên sinh. Như vậy là không "chung" nữa rồi. Dù là vậy, dù là có rất nhiều ý kiến của các bậc thức giả về giáo dục đề nghị thay đổi căn bản cách tuyển sinh ĐH, nhưng Bộ GD&ĐT vẫn kiên trì "ba chung".

 

Không trường nào dám tuyển sinh riêng dù được Bộ gợi ý

 

Không trường nào dám tuyển sinh riêng dù được Bộ gợi ý

 

Cứ mỗi năm mất chừng 8 tháng ồn ào cả xã hội, báo chí tràn ngập tin bài về tuyển sinh, ngày hội tư vấn tuyển sinh được tổ chức lần lượt khắp các tỉnh thành. Các bậc cha mẹ cuống quýt, thí sinh căng thẳng. Cả dòng họ lo âu cho con em mình vượt vũ môn.

Hai kỳ thi quốc gia chỉ cách nhau một tháng. Kết quả thi tốt nghiệp THPT có giá trị suốt đời, còn kết quả thi ĐH sẽ lập tức bị bỏ đi sau kỳ thi dù đậu hay rớt. Thế mà xã hội chỉ nhớ thi ĐH mà lãng quên thi THPT. Trên thế giới chỉ còn vài nước thi cử cổ lỗ như vậy.

Bộ GD&ĐT tuyên bố đến 2015 mới thay đổi tuyển sinh. Thế là trong nhiệm kỳ này chưa làm gì. Chỉ có thể nói lại câu chuyện đổi mới với ông bộ trưởng nhiệm kỳ sau mà thôi.

Theo báo chí, trong cuộc làm việc với Hiệp hội các trường ĐH và CĐ ngoài công lập hôm 5/3/2013 vừa rồi, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khuyến khích các trường công lập cũng như ngoài công lập xây dựng phương án tuyển sinh riêng. Bộ sẽ xét, nếu được thì cho phép thực hiện. Ông Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng lập lại như vậy trong cuộc họp báo chiều cùng ngày.

Ta thử phán đoán xem Bộ nói vậy có phải chỉ nói cho vui không?


Chỉ có ba phương thức tuyển sinh như Luật Giáo dục Đại học quy định là xét tuyển, thi tuyển và xét tuyển kết hợp với thi tuyển. Chắc chắn không có trường nào chọn phương thức THI TUYỂN RIÊNG. Ba năm nay Bộ kêu gọi các trường xây dựng phương án thi riêng mà không cơ sở ĐH nào xin thi riêng. Bởi vì các thí sinh ít dám tham gia thi riêng. Nếu trượt thì phiếu điểm của trường đó không có giá trị để dự tuyển vào các trường khác. Tổ chức thi riêng thì không thu hút được thí sinh, cầm chắc thất bại dù là ĐH Quốc gia cũng vậy.

XÉT TUYỂN RIÊNG là phương thức có thể được nhiều trường lựa chọn. Nó phù hợp với Luật Giáo dục Đại học, lại phù hợp với thực tế là hơn chục năm nay Bộ vẫn cho phép Trường ĐH RMIT, và gần đây quy định cho ĐH Việt Đức, ĐH Việt Pháp... được xét tuyển mà không tham gia thi "ba chung". Các trường khác chỉ mong được tự chủ như các trường này.

Có thể có người nói (và lãnh đạo Bộ cũng có lần nói) kết quả thi quốc gia tốt nghiệp THPT là không tin cậy được để xet tuyển vào ĐH, phải chờ đổi mới kỳ thi này đã. Đương nhiên là phải chấn chỉnh thi Tốt nghiệp THPT. Nhưng không nên coi đó là lý do không cho xét tuyển. Xin thưa, các trường mới kể trên cũng xét trên kết quả thi tốt nghiệp THPH lâu nay đó thôi. Chưa thấy ai chê chất lượng đào tạo của họ. Điều đó cũng chứng tỏ nội dung và cách dạy, cách học là quyết định chứ không chủ yếu là điểm đầu vào. Vả lại cách xét tuyển cũng không đơn thuần dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT tuy bằng cấp này là điều kiện tối thiểu. Còn phải dựa vào thành tích quá trình học, còn có thể kiểm tra bổ sung, còn có hệ số gia quyền thích hợp. Các trường tất nhiên biết cách làm sao để tuyển tốt.

Nếu các phương án tuyển sinh các trường trên cơ sở phương thức XÉT TUYỂN mà bị Bộ bác hết, còn việc tổ chức thi riêng thì không thể làm dù cho hợp pháp, thì việc gọi là cho phép các trường có phương án tuyển sinh riêng chỉ là chuyện nói cho vui thôi!

 

Hôm nay thí sinh bắt đầu nạp hồ sơ đăng ký dự thi

 



Kenhtuyensinh

Theo: biettuot