Liệu có phải ai cũng nắm rõ các quy định của pháp luật về loại hợp đồng thời vụ? Lưu ý gì khi kí kết loại hợp đồng này?
1. Hợp đồng thời vụ là gì? Được phép ký mấy lần?
Hiện nay, cùng với tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là sự tham gia các hiệp định thương mại tự do, và sự đẩy mạnh phát triển các thành phần kinh tế trong nước, quan hệ lao động, thị trường lao động của Việt Nam cũng ngày càng phát triển. Trong sự phát triển đó, việc đa dạng các thành phần tham gia lao động đã làm phát sinh các loại hợp đồng lao động mới. Trong số đó, hợp đồng lao động thời vụ là một trong những loại hợp đồng được sử dụng ngày càng rộng rãi. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về loại hợp đồng này. Vậy hợp đồng thời vụ là gì? Có thể ký hợp đồng thời vụ được bao nhiêu lần? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, trong phạm vi bài viết này, đội ngũ luật sư và chuyên viên Luật Nhân hòa sẽ đề cập đến các quy định về hợp đồng lao động thời vụ theo quy định của pháp luật hiện hành.
Hiện nay, quy định về hợp đồng lao động nói chung và hợp đồng lao động thời vụ nói riêng được quy định trong Bộ luật lao động năm 2012. Cụ thể:
Thứ nhất, về khái niệm hợp đồng lao động thời vụ:
Hiện nay trong quy định của pháp luật lao động hiện hành không có quy định cụ thể về khái niệm hợp đồng lao động thời vụ mà chỉ có quy định chung về khái niệm hợp đồng lao động tại Điều 15 Bộ luật lao động năm 2012. Đồng thời trong quy định về phân loại hợp đồng lao động có xác định một trong những loại hợp đồng lao động là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Trên cơ sở định nghĩa về từ “thời vụ”, và quy định về khái niệm hợp đồng lao động cùng với nội dung về phân loại hợp đồng lao động thì có thể hiểu: Hợp đồng lao động thời vụ là một trong những loại hợp đồng lao động, là căn cứ ghi nhận quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động trong việc thực hiện một công việc mang tính “mùa vụ”, tạm thời, không thường xuyên, có thời hạn dưới 12 tháng, thông qua việc quy định những nội dung mà hai bên đã thỏa thuận và thống nhất với nhau về nội dung công việc, tiền lương,và về các nội dung khác như tiền lương, điều kiện làm việc, các quyền lợi cũng như nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động. Trên cơ sở này, có thể xác định “hợp đồng thời vụ” là tên gọi khác của loại hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Hợp đồng lao động thời vụ, như đã phân tích được xác định là một trong những loại hợp đồng lao động, nên mặc dù pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong việc quy định các điều khoản trong hợp đồng lao động mùa vụ, nhưng về mặt nguyên tắc, hợp đồng lao động mùa vụ vẫn cần phải có những nội dung cơ bản sau: thông tin về người sử dụng lao động, người lao động, công việc và địa điểm làm việc, thời hạn của hợp đồng, mức lương và hình thức trả lương, chế độ nâng lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, về việc đóng các khoản tiền bảo hiểm, và các nội dung bảo hộ lao động (tùy vào từng công việc)…
Qua phân tích ở trên có thể thấy, hợp đồng lao động thời vụ được ký kết đối với những công việc mang tính chất tạm thời, có tính mùa vụ hoặc có thời hạn dưới 12 tháng. Đồng thời tại khoản 3 Điều 22 Bộ luật lao động năm 2012 cũng có quy định về việc không được ký kết hợp đồng lao động thời vụ để thực hiện những công việc mang tính chất thường xuyên, dài hạn từ 12 tháng trở lên, trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật về lao động. Trong đó, các trường hợp đặc biệt được phép giao kết hợp đồng lao động thời vụ (hợp đồng lao động mùa vụ hoặc theo một công việc có thời hạn dưới 12 tháng) đối với những công việc mang tính thường xuyên từ 12 tháng trở lên gồm các trường hợp tuyển dụng người lao động để tạm thời thay thế người lao động khác đang trong thời gian đi thực hiện nghĩa vụ quân sự, hoặc đang nghỉ hưởng chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.
Về hình thức, hợp đồng lao động thời vụ cũng giống như các loại hợp đồng lao động khác phải được giao kết bằng văn bản theo quy định tại Điều 16 Bộ luật lao động năm 2012. Tuy nhiên, nếu công việc được giao kết là công việc mang tính chất tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, thì trường hợp này, người lao động và người sử dụng lao động có thể giao kết hợp đồng lao động thời vụ bằng lời nói mà không bắt buộc phải giao kết bằng văn bản.
Về hình thức, hợp đồng lao động thời vụ cũng giống như các loại hợp đồng lao động khác phải được giao kết bằng văn bản theo quy định
Thứ hai, quy định về số lần mà người sử dụng được phép ký hợp đồng lao động thời vụ với một người lao động.
Hiện nay, trong các quy định hiện hành về pháp luật lao động không có quy định nào hạn chế số lần ký kết hợp đồng lao động thời vụ (hợp đồng lao động mùa vụ hoặc theo một công việc dưới 12 tháng). Pháp luật lao động chỉ có quy định hạn chế về số lần ký kết hợp đồng lao động đối với trường hợp hợp đồng lao động thứ hai được ký kết sau hợp đồng lao động đầu tiên hết hạn là hợp đồng xác định thời hạn (tức là hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng), cụ thể:
Khi một hợp đồng lao động hết hạn, đó sẽ là căn cứ để chấm dứt quan hệ lao động theo quy định tại Điều 36 Bộ luật lao động năm 2012. Tuy nhiên, nếu các bên trong quan hệ lao động vẫn muốn tiếp tục quan hệ lao động, tiếp tục làm việc sau khi hết hạn hợp đồng thì họ phải giao kết hợp đồng lao động mới trong thời gian 30 ngày tính từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, không phụ thuộc vào việc hợp đồng lao động đã ký kết là hợp đồng lao động xác định thời hạn hay hợp đồng lao động mùa vụ. Khi hợp đồng mới được ký kết là một hợp đồng lao động xác định thời hạn (tức là hợp đồng có thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng) thì họ chỉ được ký kết một lần, sau đó, khi hợp đồng mới này hết hạn, nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì không được ký hợp đồng lao động xác định thời hạn nữa, mà phải giao kết hợp đồng không xác định thời hạn.
Như vậy, qua quá trình phân tích, có thể thấy, pháp luật lao động không hạn chế số lần người lao động và người sử dụng ký kết hợp đồng lao động thời vụ, nghĩa là sau khi hợp đồng lao động thời vụ thì việc hai bên tiếp tục ký kết hợp đồng lao động thời vụ sẽ không vi phạm quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, cần lưu ý, bản chất của hợp đồng thời vụ là để ký kết đối với những công việc mang tính thời vụ, tạm thời, diễn ra trong giai đoạn ngắn, không mang tính chất thường xuyên, dưới 12 tháng. Đồng thời, như đã phân tích, tại khoản 3 Điều 22 Bộ luật lao động năm 2012 cũng có quy định về việc không được ký kết hợp đồng lao động thời vụ đối với những công việc mang tính chất thường xuyên trừ một số trường hợp nhất định. Do vậy, sau khi hợp đồng lao động thời vụ hết hạn, hai bên hoàn toàn có thể tiếp tục ký kết hợp đồng lao động thời vụ, tuy nhiên, nếu liên tiếp ký kết hợp đồng lao động thời vụ nhiều lần đối với một công việc và người lao động nhất định thì có thể xác định tính chất công việc này không phải là tạm thời mà mang tính thường xuyên. Trường hợp này, việc ký kết hợp đồng lao động thời vụ đang vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 22 Bộ luật lao động năm 2012, trừ một số trường hợp tạm thời thay thế người lao động như đã phân tích.
Trường hợp sau khi hợp đồng lao động thời vụ hết hạn, hai bên vẫn ký hợp đồng lao động thời vụ. Tuy nhiên, người lao động và người sử dụng lao động không tiếp tục quan hệ lao động ngay, cũng không ký hợp đồng lao động ngay sau khi hết hạn hợp đồng lao động thời vụ đã ký trước đó, mà vẫn chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định và sau một thời gian mới thực hiện việc ký hợp đồng lao động thời vụ mới. Trường hợp này, việc ký kết hợp đồng thời vụ không liên tục, đồng thời thể hiện tính chất công việc có tính chất thời vụ, không thường xuyên nên việc ký kết hợp đồng lao động như vậy hoàn toàn không trái quy định của pháp luật và người lao động và người sử dụng lao động có thể ký kết hợp đồng lao động thời vụ nhiều lần.
Hiện nay, trong các quy định hiện hành về pháp luật lao động không có quy định nào hạn chế số lần ký kết hợp đồng lao động thời vụ
2. Hợp đồng thời vụ: 5 lưu ý cho doanh nghiệp và người lao động
2.1 Từ 2021, không còn hợp đồng mùa vụ thì ký loại hợp đồng nào?
Trước đây, khi có nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ, người sử dụng lao động và người lao động có thể ký hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Tuy nhiên, theo quy định mới tại Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực từ 01/01/2021), loại hợp đồng này đã bị loại bỏ. Thay vào đó, tại Điều 20 Bộ luật Lao động chỉ ghi nhận 02 loại hợp đồng:
- Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
- Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
Như vậy, nếu cần sử dụng lao động làm công việc thời vụ, các bên phải tiến hành ký hợp đồng lao động có thời hạn. Thời hạn cụ thể của hợp đồng này vẫn do người lao động và người sử dụng tự thỏa thuận: 01 tháng, 03 tháng, 06 tháng,… nhưng không quá 36 tháng.
2.2 Hợp đồng thời vụ có phải buộc lập thành văn bản?
Căn cứ Điều 14 Bộ luật Lao động năm 2019, hợp đồng lao động có thể được giao kết bằng một trong các hình thức sau:
- Bằng văn bản.
- Bằng thông điệp dữ liệu.
- Bằng lời nói.
Trong đó, hợp đồng lao động bằng văn bản hoặc thông điệp dữ liệu có thể áp dụng cho tất cả các loại hợp đồng.
Còn hợp đồng lao động bằng lời nói chỉ được sử dụng cho hợp đồng dưới 01 tháng, trừ trường hợp giao kết hợp đồng với người giúp việc, người dưới 15 tuổi, nhóm người lao động thông qua người được ủy quyền để làm công việc dưới 12 tháng.
Do đó, khi ký hợp đồng lao động để làm công việc thời vụ, các bên phải ký hợp đồng lao động bằng văn bản trong các trường hợp sau:
- Thuê người lao động làm từ đủ 01 tháng trở lên.
- Thuê người lao động dưới 15 tuổi (điểm a khoản 1 Điều 145 Bộ luật Lao động năm 2019).
- Ký hợp đồng với người lao động làm giúp việc gia đình (khoản 1 Điều 162 Bộ luật Lao động năm 2019).
- Ký hợp đồng với nhóm người lao động thông qua một người được ủy quyền (khoản 2 Điều 18 Bộ luật Lao động năm 2019).
- Còn các trường hợp còn lại, các bên có thể giao kết hợp đồng bằng lời nói.
2.3 Mẫu hợp đồng dùng cho công việc thời vụ mới nhất
Hợp đồng thời vụ cũng là hợp đồng lao động nên bắt buộc phải có đủ các nội dung chủ yếu được nêu tại khoản 1 Điều 21 Bộ luật lao động gồm:
- Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
- Công việc và địa điểm làm việc;
- Thời hạn của hợp đồng lao động;
- Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
- Chế độ nâng bậc, nâng lương;
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
- Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
Tại Điều 20 Bộ luật Lao động chỉ ghi nhận 02 loại hợp đồng: có xác định thời hạn và không xác định thời hạn
2.4 Có đóng bảo hiểm cho người lao động thời vụ không?
Theo quy định hiện hành, để biết được người lao động có thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hay không thì cần căn cứ vào loại hợp đồng lao động mà người đó đã ký với người sử dụng lao động. Cụ thể:
2.4.1 Bảo hiểm xã hội:
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động ký hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Hằng tháng, cả người lao động và người sử dụng lao động sẽ phải đóng BHXH: Người lao động đóng 8%; người sử dụng lao động đóng 17,5%, bao gồm 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 0,5% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.
2.4.2 Bảo hiểm y tế:
Căn cứ khoản 1 Điều 1 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên thì bắt buộc phải tham BHYT.
Hằng tháng, người lao động sẽ đóng 1,5% tiền lương tháng đóng BHXH, còn người lao động phải đóng 3% vào quỹ BHYT.
2.4.3 Bảo hiểm thất nghiệp:
Căn cứ khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm năm 2013, người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên sẽ thuộc đối tượng tham gia BHTN.
Mỗi tháng, người lao động và người sử dụng lao động đều phải đóng 1% tiền lương tháng đóng BHXH vào quỹ BHTN.
Như vậy, có thể thấy, nếu làm thời vụ mà ký hợp đồng từ đủ 03 tháng trở lên, người lao động sẽ được đóng đủ các loại bảo hiểm. Còn nếu chỉ ký hợp đồng từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng thì người lao động chỉ được đóng BHXH bắt buộc.
2.5 Đã ký hợp đồng thời vụ, nghỉ việc có dễ dàng?
Hợp đồng thời vụ thường mang tính chất ngắn hạn nên người lao động và người sử dụng lao động thường chỉ ký hợp đồng ngắn hạn từ 01 - 06 tháng.
Với những hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng, người lao động hay người sử dụng lao động đều có thể chấm dứt hợp đồng trước hạn khá dễ dàng. Căn cứ theo Điều 35, Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019, cụ thể:
- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng: Chỉ cần báo trước cho doanh nghiệp trước 03 ngày làm việc.
- Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng:
- + Phải có lý do mà luật quy định và báo trước cho người lao động biết trước 03 ngày làm việc.
+ Trường hợp người lao động tự ý bỏ việc từ 05 ngày làm việc liên tục hoặc không trở lại sau thời hạn tạm hoãn hợp đồng: Được chấm dứt hợp đồng luôn không cần báo trước.
> TOP 5 điều cần lưu ý khi lựa chọn công ty để ứng tuyển việc làm
> Nơi công sở thì nên khẳng định bản thân ra sao để không từ cố quá thành “quá cố”?
Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp