>> Giáo dục, tuyển sinh, tư vấn tuyển sinh, nguyện vọng 2
Hôm nay (10-9), những trường cuối cùng sẽ kết thúc nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt đầu. Tăng mạnh hồ sơ ảo xét tuyển nguyện vọng 2 và điểm xét tuyển cao vọt là nhận định chung ở thời điểm này. Sau hôm nay các trường còn thiếu chỉ tiêu tiếp tục xét tuyển bổ sung 2 đợt nữa, đến 31-10 là hạn chót.
Hôm nay, những trường cuối cùng sẽ kết thúc nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển
Số lượng ảo xét tuyển nguyện vọng bổ sung cao
Đợt này lượng hồ sơ đăng ký dự xét tuyển ở các trường như Đại học Huế, Học viện Ngân Hàng (Hà Nội), Đại học Vinh (Nghệ An), Đại học Công nghệ TP HCM tăng 4-5 lần so với số chỉ tiêu. ĐH Huế chỉ tiêu 400 nhưng có tới 5.000 hồ sơ. Học viện Ngân hàng khối D1 có 30 chỉ tiêu, nhưng nộp vào xét tuyển khoảng 300. ĐH Xây dựng HN chỉ tiêu xét tuyển là 760, đã nhận được gần 2.000 hồ sơ. Hay trường ĐH Điện lực có 200 chỉ tiêu xét tuyển nhưng thống kê sơ bộ hồ sơ đã lên tới gần 1.000. ĐH Thủy lợi (khu vực phía Bắc) 170 chỉ tiêu nhưng nhận trực tiếp không qua bưu điện đã hơn 1.000 hồ sơ.
Nguyên nhân "bội thu” hồ sơ như vậy là do có hơn 400.000 thí sinh trượt nguyện vọng 1 có điểm trên điểm sàn. Nhưng quan trọng là năm nay Bộ GD – ĐT quy định thí sinh trượt NV1 nhưng đủ điều kiện tham gia xét tuyển nguyện vọng bổ sung sẽ được cấp tối đa 6 giấy chứng nhận (nếu thí sinh thi 2 khối) để tham gia xét tuyển. Như vậy, nếu kể cả 3 giấy chứng nhận CĐ theo quy định mới, thí sinh sẽ được cấp tối đa 9 giấy chứng nhận kết quả đóng dấu đỏ giấy gốc của nhà trường, chắc chắn dẫn đến tình trạng thí sinh nộp xét tuyển 1 lúc 3 ngành, thậm chí 6 ngành cùng một trường, đẩy số hồ sơ ảo lên cao.
Số lượng ảo này gây khó khăn cho các trường khi tuyển sinh bởi không thể xác định hồ sơ nào gọi sẽ đi, hồ sơ nào gọi lại không nhập học do đã đi trường khác, gây bị động cho các trường.
Trường công điểm cao, trường tư, trường nghề vẫn vắng
Năm nay, điểm chuẩn NV1 vào các trường công lập khá cao và theo quy định của Bộ GD - ĐT, điểm xét tuyển nguyện vọng sau không được thấp hơn nguyện vọng trước. Vẫn như mọi năm, những trường ĐH top trên có số lượng hồ sơ đăng ký nhiều, dự báo điểm sẽ cao. Đại diện trường ĐH Xây dựng cho biết, nhiều thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển với mức điểm rất cao, rất nhiều thí sinh có mức điểm trên 20. Trong khi đó các trường CĐ, trường ĐH ngoài công lập vẫn thưa thớt và chờ đợi thí sinh. Việc lấp kín chỉ tiêu tuyển sinh tại các trường này không hề dễ dù mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển chỉ bằng điểm sàn.
Trường ĐH dân lập Đông Đô (Hà Nội) có mức điểm xét tuyển chỉ bằng điểm sàn của Bộ GD - ĐT nhưng số hồ sơ nộp vào trường chỉ khoảng 400 hồ sơ, trong khi chỉ tiêu của trường là 1.300. Đại diện trường cho biết, nếu không đủ chỉ tiêu trong đợt xét tuyển này thì trường sẽ tiếp tục xét tuyển thêm. Tương tự, ĐH Lương Thế Vinh có lượng hồ sơ xét tuyển rất hạn chế và ít hơn nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh. ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM mới nhận được khoảng 400 hồ sơ trong khi chỉ tiêu là 1.000.
"Thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh và trực tiếp tiếp xúc thông tin thông qua các kênh chính thức của nhà trường, của Bộ GD - ĐT và trực tiếp nộp hồ sơ với nhà trường để tránh bị lừa đảo. Các trường tuyệt đối không được phép gọi thí sinh dưới điểm sàn trúng tuyển nhập trường, kể cả với hình thức cho vào học lớp nợ đầu vào, nếu phát hiện vi phạm, Bộ sẽ có hình thức xử lý”, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) Bùi Anh Tuấn, cảnh báo.
Theo Phương Anh, Đại đoàn kết