Kết thúc 2 đợt xét tuyển Đại học, Cao đẳng năm nay, Đại học Đà Nẵng thông báo có 12.100 thí sinh trúng tuyển vào các trường thành viên Đại học Đà Nẵng. Trong đó, hơn 10.000 thí sinh trúng tuyển đợt 1 đã làm thủ tục nhập học, số còn lại trúng tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1.
Trong số hơn 10.000 thí sinh trúng tuyển đợt 1 có gần 9.000 thí sinh trúng tuyển vào 4 trường Đại học công lập, trong khi các trường Cao đẳng và Đại học ngoài công lập thì lại không tuyển được thí sinh. Những ngày qua, không khí tuyển sinh tại trường Cao đẳng Lương thực- Thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đóng tại địa bàn quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng khá ảm đạm. Năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh đối với 17 ngành và chuyên ngành đào tạo của trường là 1.000 thí sinh nhưng đến thời điểm này, trường mới nhận hơn 600 hồ sơ, trong đó hơn một nửa là hồ sơ “ảo”.
Tiến sĩ Huỳnh Thị Kim Cúc, quyền Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nếu tuyển đủ chỉ tiêu trường sẽ duy trì được 2.500 đến 3.000 sinh viên, bằng không thì nguồn thu của trường sẽ sụt giảm, việc làm của 170 cán bộ, giáo viên, nhân viên cũng sẽ “lung lay”. “Ngành nghề mà chúng tôi tuyển hiện nay rất cần thiết đối với Đề án tái cơ cấu cho ngành nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đó là vấn đề chúng tôi rất trăn trở. Nếu không tuyển đủ thì ảnh hưởng đến nguồn nhân lực cho ngành, mà đặc biệt là khu vực Miền Trung- Tây Nguyên”.
Trong khi một số trường Đại học thuộc Đại học Đà Nẵng tuyển sinh 2015 vượt chỉ tiêu như: Đại học Bách Khoa vượt 100 chỉ tiêu, Đại học Kinh tế vượt 150 chỉ tiêu, Đại học Ngoại ngữ vượt gần 100 chỉ tiêu thì các trường Đại học tư thục và các trường Cao đẳng lại phải “dài cổ” chờ thí sinh.
Để tuyển đủ chỉ tiêu, một số trường đã vận dụng cơ chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép xét tuyển kết quả học tập của thí sinh qua 3 năm học phổ thông. Đây cũng là cách để “ cứu” trường tư.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Hiệu phó Đại học Duy Tân Đà Nẵng cho biết, kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung cách đây 2 ngày, trường tuyển đạt trên 60% chỉ tiêu. Tuy nhiên, số lượng thí sinh “ảo”, nghĩa là trúng tuyển nhưng không nhập học chiếm khá lớn. “Từ khi xét tuyển nguyện vọng bổ sung, mỗi thí sinh có 3 phiếu nộp vô 3 trường, mỗi phiếu có 4 ngành nên tỷ lệ thí sinh ảo ở khối xét nguyện vọng bổ sung tương đối cao. Đây là điều vất vả cho những trường xét tuyển nguyện vọng bổ sung trở đi. Chính vì thế các trường lo lắng, sợ rằng không đủ chỉ tiêu”.
Với mức điểm dao động từ 12 điểm đến 15 điểm, thí sinh có thể nộp hồ sơ vào các trường cao đẳng, nhưng trên thực tế số lượng thí sinh nhập học vào các trường này không như vậy. Nhiều trường đặt câu hỏi, chẳng biết thí sinh đi đâu?.
Tiến sĩ Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng Ban Đào tạo- Đại học Đà Nẵng nhận định: “Có thể một số em đủ điều kiện học Cao đẳng nhưng hiện nay các em chuyển hướng không học Cao đẳng nữa, theo dự đoán của tôi như vậy mang tính cá nhân thôi. Có thể các em chuyển sang học nghề theo xu hướng việc làm hiện nay do trình độ Cao đẳng không phù hợp cho nên các em chọn cơ hội học tập khác đi”.
Kỳ thi “hai trong một’ năm nay mở ra nhiều cơ hội cho thí sinh nhưng vẫn bộc lộ nhiều bất cập. Thực tế tại thành phố Đà Nẵng cho thấy, nơi thì thừa chỉ tiêu, trong khi một số trường đối mặt với nguy cơ phải đóng cửa. Đây là điều mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục tìm ra hướng đi trong quá trình đổi mới hiện nay.
Theo VOV.vn, tin gốc: http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/ket-thuc-2-dot-xet-tuyen-dhcd-nhieu-truong-co-nguy-co-dong-cua-429912.vov