Giáo dục, đáp án đề thi đại học, điểm thi đại học 2013, điểm chuẩn đại học
Đại diện của nhiều trường cho biết với tình hình thi các môn khối B, C, D, nhiều khả năng điểm sàn các khối này sẽ như năm trước.
Tăng giảm chỉ 1-2 điểm
Ông Lê Quốc Hạnh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Hà Nội, cho rằng điểm chuẩn mấy năm nay không có gì đột biến do tỷ lệ dự thi, cách ra đề và chất lượng thí sinh (TS) tương đối ổn định. Tuy nhiên điểm chuẩn của từng ngành vào trường nhiều năm nay tăng giảm theo một quy luật, đó là do tâm lý chạy theo số đông của TS. Ví dụ, năm trước điểm chuẩn vào ngành tiếng Anh thấp thì sang năm số TS đăng ký vào ngành này sẽ tăng vọt, kéo theo việc điểm chuẩn năm đó sẽ tăng. Năm nay, ngành tiếng Đức có số hồ sơ đăng ký dự thi cao nhất, Khoa Quốc tế học năm nay tăng gấp đôi số lượng TS đăng ký dự thi… Với đề thi không khó nên dự kiến điểm chuẩn của những ngành này sẽ tăng.
Thí sinh dự thi môn năng khiếu vào ngành giáo dục mầm non Trường ĐH Sài Gòn
trong chiều ngày 10.7 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Tương tự, ông Trần Ngọc Liễu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, cho biết: “Một số ngành điểm chuẩn vào trường tương đối ổn định như: Đông phương, báo chí, khoa học quản lý. Những ngành hay có biến động như: văn, sử, du lịch. Năm nay trường này tuyển sinh ngành mới: quan hệ công chúng với 50 chỉ tiêu nhưng có khoảng 300 hồ sơ đăng ký nên dự kiến mức điểm chuẩn cũng sẽ tương đối cao. “Kinh nghiệm cho thấy điểm chuẩn của hầu hết các ngành nếu có tăng giảm thường chỉ 1 - 2 điểm tùy từng khối”, ông Liễu nói.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho hay: “Dựa trên tình hình thực tế năm nay nhiều khả năng điểm chuẩn vào trường sẽ tăng. Chỉ tiêu của trường năm nay giảm khoảng 10% so với năm trước, trong khi số TS dự thi tăng hơn năm ngoái”.
Điểm sàn có tăng cũng chỉ 0,5
Theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, điểm sàn khối B, C, D năm nay có lẽ cũng không có biến động. Nhiều khả năng điểm sàn vẫn sẽ bằng năm 2012 (C: 14,5; B: 14; D: 13,5).
Cùng ý kiến, thạc sĩ Hoàng Xuân Quảng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, cho biết đề thi đợt 2 năm nay cũng bình thường chứ không phải là quá dễ. Vì vậy, điểm sàn nhiều khả năng vẫn như năm 2012. Cùng lắm, mỗi khối sẽ có điểm sàn tăng lên tối đa 0,5 điểm.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Phó trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận xét: “Khả năng điểm sàn sẽ giữ nguyên như năm trước vì mức này đã ổn định nhiều năm qua. Với đề thi có nhiều câu dễ hơn các năm trước, nếu kết quả thi của TS cao hơn, điểm sàn có thể tăng thêm 0,5 điểm”.
Trong khi đó, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng dự đoán được điểm sàn các khối B, C, D nhiều khả năng sẽ cao hơn khối A, A1.
Tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM dự đoán, điểm sàn các khối năm nay khó có thể thay đổi.
Trường/ngành nào sẽ thay đổi điểm chuẩn ?
Riêng về ĐH Quốc gia TP.HCM, tiến sĩ Chính dự báo: “Khả năng điểm chuẩn các ngành của các trường thành viên sẽ giữ ở mức ổn định và có chiều hướng tăng nhẹ”. Tuy nhiên, ông Chính cho rằng điểm chuẩn nếu có thay đổi sẽ chỉ diễn ra ở Trường ĐH Công nghệ thông tin và ĐH Kinh tế - Luật.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, các ngành thi khối B của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM như công nghệ thực phẩm, môi trường do ít TS thi hơn nên có thể điểm chuẩn thấp hơn năm 2012.
Năm nay số lượng TS dự thi vào Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM sụt giảm nghiêm trọng, chỉ còn khoảng 55%, nên điểm chuẩn các ngành tại trường vẫn rất khó dự đoán. Tiến sĩ Phan Ngọc Minh cho biết: “Với sự sụt giảm số lượng TS dự thi, chắc chắn điểm chuẩn các ngành sẽ có những thay đổi nhất định”.
Trường tốp trên cũng xét tuyển nguyện vọng bổ sung
Ông Nguyễn Văn Hiền, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết để chất lượng đầu vào cao hơn, năm ngoái nhà trường tuyển khoảng 10% chỉ tiêu nguyện vọng 2. Ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng thông tin: “Năm ngoái điểm chuẩn một số ngành của học viện tụt xuống 18 điểm, thấp hơn hẳn so với các năm trước (từ 20 đến 23 điểm). Do đó học viện đã quyết định tuyển thêm nguyện vọng 2 để chọn được TS đỗ điểm cao nhưng vẫn trượt ở các trường: ĐH Ngoại thương, ĐH Dược… Năm nay, sau khi chấm thi xong, giám đốc học viện sẽ xem xét và quyết định có tuyển nguyện vọng 2 hay không”. Tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cũng khẳng định: “Năm nay, chắc chắn trường sẽ mở rộng cửa hơn với việc xét tuyển nguyện vọng bổ sung”. Năm 2012, điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất của trường này là ngành ngôn ngữ Anh (20,5 điểm) và thấp nhất là ngành hệ thống thông tin quản lý (17 điểm).
Theo Thanh niên