Khi thi IELTS Speaking thí sinh có thể gặp trường hợp không hiểu câu hỏi đề bài. Khi này, TS nên đề nghị giám khảo diễn đạt lại rồi "câu giờ" bằng cách nhận xét đề.
Thí sinh nên làm khi nếu đề IELTS Speaking quá khó?
Đặng Trần Tùng, sinh năm 1993, ở Hà Nội, là người Việt Nam đầu tiên bốn lần đạt 9.0 IELTS tại cả hai hình thức thi trên giấy và máy tính. Từ kinh nghiệm thi IELTS gần 20 lần, anh Tùng gợi ý một số bí quyết để người học ứng phó khi gặp câu hỏi khó trong phần thi IELTS Speaking part 3.
Giả sử, sau khi hết thúc part 2, bạn nhận được câu hỏi này của giám khảo trong part 3: "How do you think global warming is going to affect architecture?" (Bạn nghĩ hiện tượng nóng lên toàn cầu ảnh hưởng như nào đến kiến trúc?).
Trong phần thi Speaking part 3, bạn có thể gặp những câu hỏi dài, phức tạp hoặc không hề có kiến thức về lĩnh vực được đề cập. Mục đích của họ là hỏi câu khó để xem phản xạ ngôn ngữ của thí sinh. Vậy bạn phải xử lý thế nào?
1. Đề nghị giám khảo diễn đạt lại
Nếu câu hỏi quá dài hoặc khó, thay vì đề nghị giám khảo nhắc lại (repeat), bạn nên hỏi có thể diễn đạt lại câu hỏi (rephrase the question) hay không. Khi đó, người ra đề có thể sử dụng những từ ngữ đơn giản hơn để bạn trả lời đúng, trọng tâm những gì họ mong muốn.
Quay trở lại với đề bài phía trên, sau khi mình đề nghị diễn đạt lại, giám khảo đã nói: "I mean in the light of global warming, how to you think the way we build houses is going to change" (Ý tôi là với việc Trái Đất nóng lên, bạn nghĩ cách chúng ta xây nhà sẽ thay đổi như thế nào?). Rõ ràng là so với câu hỏi ban đầu, câu được diễn đạt lại đã dễ hiểu hơn nhất nhiều.
2. Đưa ra đánh giá cá nhân về câu hỏi
Nếu chưa có gì trong đầu, bạn hãy "câu giờ" bằng cách nhận xét về câu hỏi, ví dụ "Ôi câu này hay thế!", "Câu hỏi này còn thú vị hơn câu trước"... Nhiều người lạm dụng từ "interesting" (thú vị) để khen câu hỏi. Tuy nhiên, để phần nói đa dạng, tránh nhàm chán, bạn nên tìm thêm các từ, cụm từ đồng nghĩa với "interesting".
Ngoài ra, bạn cũng có thể nhận xét bằng cảm xúc thật của mình, chẳng hạn "Em chưa từng được nghe câu hỏi này". Mình từng dùng cụm "That’s obviously a very grand question" (Đây hiển nhiên là một câu hỏi rất phức tạp, khó khăn với em).
Sau khi nhận xét về câu hỏi, nếu vẫn chưa nghĩ ra ý tưởng gì, bạn có thể tiếp tục chia sẻ thêm, đại ý thật ra em chưa đọc về cái này, cái kia nên không chắc chắn về câu trả lời. Ví dụ: "To be honest I don’t know the first thing about global warming and I know even less about architecture (Thật lòng mà nói, em không biết nhiều về hiện tượng nóng lên toàn cầu, và thậm chí còn biết ít hơn về kiến trúc).
3. Tìm cách kéo dài
Vì không có kiến thức về lĩnh vực được đề cập trong câu hỏi, khi nghĩ ra được một ý tưởng, bạn cần tìm cách để kéo dài và nói được nhiều về nó. Để "nhâm nhi" được câu trả lời, bạn không nên nói thẳng mọi thứ mình nghĩ ra. Thay vào đó, bạn cần trả lời một cách chung chung trước.
Chẳng hạn: "I assume as global temperatures rise and the world gets increasingly hotter, the way we build houses, especially residential houses, has to be adapted somewhat to these climatic shifts (Em cho rằng với việc nhiệt độ tăng lên và thế giới ngày càng nóng hơn, cách chúng ta xây nhà, đặc biệt là nhà ở, phải thích ứng với những thay đổi về thời tiết này).
Khi trả lời chung chung, bạn không nên dùng lại các từ giám khảo đã nói trong câu hỏi mà cố gắng diễn đạt bằng từ, cụm từ khác. Biết đâu, khi diễn đạt lại theo ý hiểu của mình một cách đơn giản hóa, bạn lại có thêm ý tưởng để trả lời.
Khi đã có ý tưởng, bạn hãy theo đuổi nó một cách triệt để, khai thác mọi khía cạnh xung quanh nó. Ví dụ: "One of these changes could be the regulation of temparature inside the house. Maybe more houses will be equipped with air conditioning. The walls have to be built thicker to accommodate the hotter temperatures outside". (Một trong những thay đổi có thể là điều chỉnh nhiệt độ trong nhà. Có thể nhiều nhà phải trang bị điều hòa không khí hơn. Tường phải dày hơn để chống chịu với nhiệt độ ngày càng cao bên ngoài).
4. Cách để kết thúc hội thoại
Khi nói, chúng ta cần "biết mình biết người". Vào thời điểm sắp cạn ý để nói, bạn cần hạ thấp giọng, ra dấu hiệu rằng "Em chỉ trả lời như thế thôi" để giám khảo tiếp lời. Việc này để tránh trường hợp khi không còn gì để nói, bạn không biết kết thúc như nào và cuộc hội thoại rơi vào khoảng lặng hoặc tiếp tục bị giám khảo làm khó.
Bạn có thể tham khảo cách diễn đạt sau: "Obviously when it’s so hot, I think people are going to have to do something about the regulation of temperature inside the house. So to this end, I think a very common way is to equip the houses with air conditioning. Maybe we’ll have to have thicker walls. And with my limited knowledge of global warming and architecture, I think these are some of the fessible steps". (Rõ ràng khi trời quá nóng, em nghĩ người ta sẽ phải làm gì đó để điều chỉnh nhiệt độ trong nhà. Về mặt này, một giải pháp thông dụng là trang bị điều hòa. Có thể chúng ta phải xây tường dày hơn. Với hiểu biết giới hạn của mình về hiện tượng nóng lên toàn cầu và kiến trúc, em nghĩ đó là một vài biện pháp khả thi).
Theo VnExpress