Sự kiện: Du học Mỹ, thông tin du học, kinh nghiệm
Tôi học Chung với nhiều du học sinh Việt Nam. Khi mới sang các bạn cũng hay tự đề cao mình là học sinh giỏi, xuất sắc (tuổi trẻ 8x, 9x mà) và các bạn có nhiều hoài bão, lý tưởng rất cao (tất nhiên là rất tốt), nhưng khi “chạm tay” vào các test, exam thì “bật ngửa”, bạn nào có nhiều kỳ vọng thì thất vọng cũng không ít. Và cũng có bạn tự mãn nguyện ,”hoan hỉ” là mình học giỏi hơn Mỹ. Trường cao đẳng cộng đồng là đủ mọi thành phần sinh viên lớn tuổi có, lười học có, trung bình... Nếu bạn so sánh mình với những sinh viên Mỹ lười học thì tất nhiên bạn hơn họ rồi. Nhưng khi vào đại học, ở vạch xuất phát toàn là “ngưạ chiến” cả thì trên đường đua những bạn nào sớm tự mãn là người “ngã ngựa” đầu tiên, các du học sinh ở lâu đều biết chuyện này. Cũng có những bạn là giỏi thuộc loại “vàng thiệt” đấy, các bạn cũng có những ngày thức đến qua nữa đêm để làm bài, hoặc là những đêm bạn trằn trọc ngủ không yên vì chợt phát hiện cái đề bài lúc sáng nó “đánh lừa mình về câu chữ” mà mình sẽ bị mất điểm, hoặc “tức mình muốn điên lên” vì mình biết làm mà không đủ giờ làm bài, và có những bữa cơm ăn không ngon vì lo lắng sắp có test.
Bên cạnh đó tôi chỉ muốn đưa ra cái nhìn của mình về nền giáo dục của Mỹ là một ngọn núi cao không có đỉnh, sự học là vô hạng. Đôi lúc bạn sẽ gặp những cái exam quá sức của bạn, vì giáo dục Mỹ muốn cho bạn khám phá và phát triển khả năng của bạn hết mức mà bạn có. Tất nhiên cũng có những quy định đòi hỏi khả năng của bạn đến đâu thì sẽ đạt tiêu chuẩn họ cấp bằng cho bạn. Tôi ví von rằng nếu bạn trèo lên ngọn núi đó được 200 mét thì bạn được bằng một năm, trèo được 600 mét thì tốt nghiệp đại học. Cho nên tôi muốn nhắn nhủ với các bạn du học sinh một điều là các bạn phải biết “lượng sức mình”. Nếu bạn học nửa đường mà thấy quá sức thì nên chuyển sang học chương trình lấy bằng hai năm (A A), nếu mà sức học đuối quá thì lấy bằng một năm, chẳng sao cả vì chẳng ai cười chê mình hết. Đâu phải chỉ có vào đại học là con đường thành công duy nhất đâu.
Nên nhớ rằng trong chương trình transfer có 80% lớp học của chương trình lấy bằng 1 và 2 năm, bạn học thêm vài lớp nữa của chương trình 2 năm là bạn có bằng rồi. Vì tôi thấy rất nhiều bạn du học sinh học không nổi, họ biết chắc là sức học của mình không đủ diểm để transfer nhưng cứ phải Lao theo, vì sức ép của phụ huynh ở Việt Nam, là khi đi du học là phải lấy được bằng đại học. Tội nghiệp lắm các bạn ơi! Những du học sinh này vì sức ép, vì “sĩ diện” mà họ cứ “thường trú” ở các trường cao đẳng cộng đồng, học điểm thấp bị tiểu bang này không cho học, nhưng vì vẫn còn thời hạn visa nên đi qua tiểu bang khác học lại, rồi lên cao lên không nổi rồi lại đi tiểu bang khác. Cho nên có nhiều bạn ở Mỹ 4 năm mà vẫn “lang thang” ở cao đẳng cộng đồng và cuối cùng về nước. Hoặc có những bạn học ngành này thấy khó quá, vào chuyên ngành là bị “bật ra” liền thay đổi ngành khác, nhưng ngành nào cũng vậy, cũng có cái khó riêng của nó, và các bạn lại “lang thang” tiếp. Vì vậy các phu huynh khi thấy con mình học ở cao đẳng cộng đồng 3 năm rồi mà không thấy được vào trường đại học, hoặc cứ di chuyển chỗ ở liên tục thì phải xem điểm số con mình có vấn đề.
Tóm lại khi bạn có tấm bằng trong tay bạn sẽ thấy rất tự hào là bạn đã “chiến thắng được bản thân mình”, bằng 1-2-4 năm đó là niềm tự hào của bạn. Còn những bạn mê chơi hơn mê học, những “cậu ấm cô chiêu” hoặc “những kẻ gian lận” thì hãy suy nghĩ lại xin đừng đánh mất giá trị tuổi trẻ của mình.
Cuối cùng tôi xin chia sẻ một câu chuyện ngắn: trong một buổi chúng tôi nói chuyện với một vài người Mỹ, một sinh viên Việt Nam nói là người Việt Nam rất thông minh và giỏi, một người Mỹ liền nói lại là “Bạn nói người Việt Nam thông minh, vậy người Việt Nam có những phát minh gì giúp ít cho nhân loại chưa? Nước bạn có chế được Xe hơi, máy bay, về công nghệ thông tin bạn có sáng chế được những thành tựu nào?” Tôi nghe họ nói vậy cũng thấy “chạm tự ái dân tộc lắm”. Bạn sinh viên Mỹ ấy không có ý đả kích Việt Nam vì bạn ấy nói tiếp “Tôi biết các bạn rất chăm chỉ, cần cù, sinh viên Việt Nam nhiều bạn cũng thông minh, tiếc rằng các bạn không được trao dồi phát huy hết khả năng của các bạn. Tôi hy vọng rằng những gì các bạn học được ở Mỹ sẽ giúp các bạn phát triển đất nước các bạn hơn” .
Các bạn thấy đó người nước ngoài họ chỉ nhìn thực tế vào sự phát triển đất nước Việt Nam. Giáo dục Việt Nam đào tạo con người giỏi mà giỏi ở mức độ nào? Còn giáo dục Mỹ họ đào tạo nhân tài phải giỏi ở mức độ nào? Hai cái mức (level) giỏi này chất lượng có ngang nhau không? Tôi cũng không dám chối bỏ những công ơn mà các thấy cô đã dạy tôi ở Việt Nam. Tôi biết cũng có nhiều giáo viên có nhiều tâm huyết với nghề, nhưng họ lại bị vướng vào cơ chế... Và cái gì mình sai thì mình phải sửa, cái gì mình không biết thì mình phải học, học cái hay cái giỏi của người khác để phát triển hoàn thiện cho mình.
Bạn nghĩ là làm giáo sư dạy đại học ở Mỹ sẽ sung sướng lắm sao? Họ cũng chiến đấu với kiến thức gian nan lắm, một năm phải thuyết trình 3 lần trước hội đồng khoa về 3 cái đề tài mới họ nghiên cứu, nếu không thuyết phục được hội đồng khoa họ sẽ tạm nghỉ việc. Vì kiến thức của sinh viên cũng rất to lớn, có những lúc sinh viên trình bày quan điểm giáo sư cũng không có câu trả lời, và giáo sư phải nghiên cứu. Bạn sẽ không ngạc nhiên khi ở đại học nhiều vị giáo sư nói là “khi nào tôi học được gì ở người sinh viên thì tôi mới cho họ điểm A”. Ngồi ở cao đẳng cộng đồng bạn có thể lấy A dễ nhưng khi lên đại học thì giáo sư họ cho điểm chặt lắm, đòi hỏi bạn cao hơn.
Còn lớp người sống ở Mỹ sau khi bước ra khỏi cánh cổng trường học, không phải sự nghiệp “học” của họ là chấm hết, ngược lại còn căng thẳng hơn, những kỹ sư, bác sĩ... phải luôn học hỏi nghiên cứu với những kỹ thuật mới (technology), những căn bệnh lạ… vì nếu họ không đáp ứng được những nhu cầu xã hội thì họ cũng sẽ bị đào thải. Như tôi đây tháng 3/2011 sẽ ra trường, trong vòng một năm mà không kiếm được việc làm thì cái bằng đại học xem như bỏ, vì xã hội Mỹ họ lập luận rằng “văn ôn võ luyện” bạn không tiếp xúc, không làm nghề một năm thì kiến thức của bạn bị mai một rồi, bạn quên nghề rồi. Và tôi phải kiếm đường học lên tiếp để cái bằng của mình có giá trị về mặt nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nhưng đi học hoài thì lấy tiền đâu mà sinh sống. Bạn thấy không từng nhân tố nhỏ nhất sống ở Mỹ đều phải vận động không ngừng.
Những gì các bạn du học sinh trải qua trong học tập tôi cũng từng trải qua. Tôi không hề có ác cảm với các du học sinh Việt Nam. Tôi chỉ muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình cho các bạn đi sau không bị “sập hầm, sập hố” và lường trước được những khó khăn các bạn sẽ gặp phải và các bạn có tinh thần “chuẩn bị để chiến đấu”. Bởi vì người học sau sẽ phải học vất vả hơn người học trước, vì bạn phải học những gì tiến bộ của những năm qua và từ đó tiếp tục cải cách phát triển nó.
Và các bạn luôn nhớ rằng sự suy luận sáng tạo là thương hiệu của nền giáo dục Mỹ. Người Mỹ sẽ luôn bảo vệ cái thương hiệu đó, cho nên trong sự học sẽ đòi hỏi bạn vất vả đó. Chủ ý tôi viết nhiều sự khó khăn, vất vả trong việc học, ít khi viết ca tụng du học hoặc những ý “lên dây cóp” tinh thần du học sinh là vì tôi nghĩ “có dám nhìn thấy và dấn thân chiến đấu với những khó khăn thì con người mới trưởng thành” . Còn những bạn thấy khó khăn nhiều quá quyết định không “bước vào trận chiến”. Ồ! Ý chí các bạn ở đâu rồi “chưa lâm trận đã buông súng rồi sao”, các bạn cứ thử bước vào thì sẽ khám phá bản thân mình nhiều thứ lắm.
Xin mọi người hãy nhìn các khía cạnh của những vấn đề khi so sánh ở tính chất là xây dựng lẫn nhau để cùng tiến, chứ không phải tôi viết ở mục đích là “kể tội”, “tự đề cao mình”, “ca tụng Mỹ”, hoặc là phải “hơn thua”, “đả phá công kích”, tất cả mọi vấn đề đều có những mặt trái của nó, không ai là hoàn mỹ cả. Chúng ta đang đi tìm một chân lý để bước lên sự cải tiến, văn minh được lấy từ yếu tố giáo dục làm nền tảng. Xã hội Việt Nam phát triển, “nhà nhà du học”, hy vọng qua chuỗi bài viết của tôi giúp các bạn sinh viên cũng như phụ huynh mường tượng được phần nào về “thương hiệu” nền giáo dục của Mỹ, và cách học cách sống của du học sinh.
Quay trở lại câu chuyện, sau khi bạn sinh viên Mỹ ấy nói, một du học sinh Việt Nam khác liền trả lời “Tôi biết mình chỉ là một con cá bé, nhưng con cá bé này sẽ ngày một lớn nhanh, và sẽ ngang hàng với con cá lớn”, và sinh viên Mỹ ấy cười nói “I hope so” (hy vọng là vậy). Vâng! Tôi chúc các bạn du học sinh luôn có nhiều ý chí và thành công trên con đường học vấn, khi các bạn quay về Việt Nam sẽ cùng với các bạn trong nước đưa Việt Nam mình ngày một tiến nhanh hơn nữa.
Du học Mỹ, học bổng, học bổng du học, học bổng toàn phần.
Đăng ký nhận thông tin học bổng du học qua email tại ô bên dưới.
Kênh Tuyển Sinh
Thông tin học bổng cập nhật liên tục hằng ngày:
Tin liên quan về du học các nước: