Học sinh THPT sẽ chỉ học 4 môn bắt buộc

Hoạt động ngoại khóa hướng về biển đảo do Trường THPT Lương Thế Vinh (TP.HCM) tổ chức. Theo dự thảo chương trình phổ thông mới, Bộ GD-ĐT rất chú trọng đến các hoạt động sáng tạo, trải nghiệm của học sinh - Ảnh: Như Hùng

Dự thảo mới nhất chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được Bộ GD-ĐT điều chỉnh, hoàn thành. Theo dự thảo này, thay vì học sinh phải học 13 môn như hiện nay, số môn học bắt buộc sẽ giảm chỉ còn 7 - 8 môn đối với THCS và còn 4 môn đối với THPT.

Theo dự thảo, sẽ có những môn học mới được tích hợp từ các môn học truyền thống, hoặc thay tên gọi để phù hợp với sự thay đổi nội dung, tính chất, ý nghĩa giáo dục.

Dựa trên nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông, các trường được phép xây dựng hoặc yêu cầu xây dựng kế hoạch giáo dục cho trường mình một cách linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của địa phương. Việc này cũng phù hợp trong bối cảnh có nhiều bộ sách giáo khoa - tài liệu chính được sử dụng trong thời gian tới

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển

Nội dung học tự chọn tăng dần

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Hệ thống môn học trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được thiết kế theo định hướng đảm bảo cân đối nội dung các lĩnh vực giáo dục, phù hợp với từng cấp học, lớp học, thống nhất giữa các lớp trước và sau, tích hợp mạnh ở các lớp dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên. Hệ thống các môn học cũng điều chỉnh để tương thích với nhiều nước trên thế giới”.

Theo thiết kế trong dự thảo trên, có tám lĩnh vực giáo dục xuyên suốt ba cấp học gồm ngôn ngữ và văn học, toán học, đạo đức - công dân, thể chất, nghệ thuật, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, công nghệ - tin học.

Mỗi lĩnh vực sẽ có các môn học cốt lõi và có điều chỉnh theo lớp, cấp. Ví dụ lĩnh vực giáo dục khoa học ở lớp 1, 2, 3 sẽ có môn học cuộc sống quanh ta và tới lớp 4, 5 tách ra thành hai môn tìm hiểu xã hội và tìm hiểu tự nhiên, tương ứng với hai môn khoa học xã hội (tích hợp nội dung của các môn học truyền thống lịch sử, địa lý) và khoa học tự nhiên (tích hợp nội dung các môn học truyền thống vật lý, hóa học, sinh học).

Nếu ở giai đoạn giáo dục cơ bản (tiểu học, THCS) nhiều môn học truyền thống được tích hợp trong môn học mới thì ở bậc THPT, một số môn học truyền thống được trở lại như vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, bên cạnh đó là nhiều chuyên đề học tập mới mang định hướng nghề nghiệp cao.

Điểm mới so với nhiều dự thảo trước đây là ở cả ba cấp học, hệ thống môn học đều được chia thành các môn bắt buộc và tự chọn. Trong nhóm môn học tự chọn cũng có nhiều loại: môn tự chọn học sinh có thể chọn hoặc không chọn; những môn học sinh bắt buộc phải lựa chọn một hoặc một số môn trong nhóm; nội dung học sinh có thể lựa chọn trong một môn học... Nội dung tự chọn này sẽ tăng dần từ lớp thấp lên lớp cao.

Ở bậc trung học, thay vì học sinh phải học 13 môn như hiện nay, số môn học bắt buộc sẽ giảm nhiều, chỉ còn 7 - 8 môn đối với THCS và chỉ còn 4 môn đối với THPT. Các môn ngữ văn, toán, công dân với Tổ quốc và ngoại ngữ 1 (do trường chọn) là bốn môn bắt buộc đối với học sinh THPT. Bên cạnh đó, học sinh THPT có thể tự chọn trong các môn học, nhóm môn học nội dung học tập phù hợp với sở trường, định hướng nghề nghiệp.

“Trong cả cấp THPT, học sinh có thể thay đổi môn học tự chọn và chuyên đề học tập phù hợp với nguyện vọng. Nhưng học sinh sẽ phải hoàn thành số lượng môn học, chuyên đề học tập tối thiểu theo quy định của chương trình. Chương trình sẽ dành thời lượng nhất định để tạo điều kiện cho học sinh có thể thực hiện sự thay đổi này” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết.

Đề cao trải nghiệm sáng tạo

Với định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, trong định hướng xây dựng chương trình môn học, Bộ GD-ĐT cũng đặt ra các yêu cầu cụ thể, trong đó nhấn mạnh đến phương pháp dạy học, chú trọng tính thiết thực trong nội dung dạy học và hoạt động trải nghiệm của học sinh, tùy theo đối tượng học sinh của mỗi cấp học, tùy theo đặc thù của từng môn học để xây dựng chương trình môn học phù hợp.

Ví dụ như môn ngữ văn, phương pháp dạy học dựa trên nguyên tắc chủ đạo là học thông qua hoạt động nhằm khuyến khích, tạo cơ hội cho học sinh đọc, viết, nói, nghe, qua đó phát triển năng lực tư duy, cảm thụ văn học, năng lực hành dụng tiếng Việt; khuyến khích suy nghĩ độc lập, sáng tạo, hạn chế ghi nhớ máy móc...

Một trong những điểm mới được lưu ý khi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông lần này là hoạt động trải nghiệm sáng tạo và nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Trong đó hoạt động trải nghiệm sáng tạo dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12.

Đây là cách vận dụng những tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm bản thân vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống, qua đó hình thành những năng lực chung và năng lực đặc thù (tổ chức hoạt động, quản lý cuộc sống, định hướng, chọn nghề...), phát huy năng khiếu riêng của từng người.

Trải nghiệm sáng tạo được chú trọng trong từng môn học, đồng thời thiết kế thành các hoạt động riêng để vận dụng tổng hợp nhiều lĩnh vực kiến thức, kỹ năng, đa dạng về hình thức tổ chức và phương pháp hoạt động phù hợp với những mục tiêu khác nhau.

“Nếu ở giai đoạn giáo dục cơ bản, hoạt động trải nghiệm sáng tạo tập trung hình thành các phẩm chất, nhân cách, thói quen, kỹ năng sống thì ở giai đoạn định hướng nghề nghiệp, hoạt động trải nghiệm sáng tạo chú trọng thêm yêu cầu gắn với nghề nghiệp tương lai, học sinh có cơ hội trải nghiệm với các ngành nghề khác nhau, bằng nhiều hình thức phong phú” - Thứ trưởng Hiển giải thích.

Nghiên cứu khoa học kỹ thuật và thực hiện các chuyên đề học tập cũng được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Đây cũng là một hình thức trải nghiệm, là cách để học sinh biết vận dụng tổng hợp kiến thức của nhiều môn học để tạo nên các sản phẩm thiết thực, hoặc giải quyết các tình huống, vấn đề trong thực tiễn cuộc sống, gắn học với hành.

Việc tổ chức học tập theo chuyên đề, theo dự án học tập và nghiên cứu khoa học giúp học sinh hình thành, phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu, khả năng làm việc nhóm, làm quen với việc thảo luận, phản biện và biết cách trình bày, thuyết phục.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, những điểm nhấn của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và định hướng chương trình môn học này đều xuất phát từ việc nghiên cứu khoa học giáo dục, tổng kết thực tiễn và triển khai thực nghiệm tại các nhà trường ngay trong chương trình phổ thông hiện hành.

Có thể kể đến việc dạy học các chuyên đề tích hợp; tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật, thi vận dụng kiến thức liên môn; thực hiện tự chủ kế hoạch giáo dục nhà trường với việc chủ động thiết kế các dự án dạy học của giáo viên, học sinh; đổi mới phương pháp đánh giá học sinh; đổi mới cách thức tổ chức, quản lý lớp học theo hướng để học sinh chủ động, sáng tạo, tự quản (mô hình trường học mới triển khai ở tiểu học và THCS)…

Được mời giáo viên thỉnh giảng

Việc tổ chức dạy học tự chọn dựa trên nhu cầu học sinh và điều kiện của mỗi trường. Các trường được phép mời giáo viên thỉnh giảng hoặc gửi học sinh sang học ở các trường, nhóm/lớp lân cận nhằm tăng khả năng đáp ứng nhu cầu của học sinh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, để đảm bảo cho chương trình vừa ổn định vừa phát triển, sau khi đã ban hành chính thức, trong quá trình tổ chức thực hiện, chương trình vẫn được cán bộ quản lý, giáo viên, các trường, các cơ quan quản lý giáo dục và những người quan tâm nhận xét, góp ý. Hằng năm Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức đánh giá, xem xét điều chỉnh nếu cần thiết và hướng dẫn thực hiện các điều chỉnh nếu có.

Thực hiện theo hình thức cuốn chiếu từ năm 2018

Năm học 2018 - 2019: triển khai chương trình sách giáo khoa mới ở lớp 1, lớp 6, lớp 10.

Năm học 2019 - 2020: triển khai ở lớp 2, lớp 7, lớp 11.

Năm học 2020 - 2021: triển khai ở lớp 3, lớp 8, lớp 12.

Năm học 2021 - 2022: triển khai ở lớp 4, lớp 9.

Năm học 2022 - 2023: triển khai ở lớp 5.

Trước đây, trong lịch sử giáo dục Việt Nam từng trải qua nhiều lần cải cách, đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông:

- Cuộc cải cách giáo dục năm 1950.

- Cuộc cải cách năm 1956.

- Năm 1981, chương trình cải cách giáo dục đánh dấu việc thống nhất hệ thống giáo dục phổ thông trên cả nước với việc chỉ có một chương trình - sách giáo khoa.

- Chương trình phân ban thí điểm ở bậc THPT lần thứ nhất vào năm học 1989 - 1992, lần thứ hai vào năm học 1993 - 1994.

- Năm 2000 - 2001, ngành GD-ĐT tiến hành cuộc đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông. Năm 2002, chương trình - sách giáo khoa này được triển khai đại trà trên toàn quốc và kéo dài đến nay.

 


Theo Tuổi trẻ, nguồn: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150806/hoc-sinh-thpt-se-chi-hoc-4-mon-bat-buoc/789312.html