Các em học sinh phải chạy đua với thời gian khi việc thi cử đang đến gần kề, vì bị áp lực thi cử quá mà có em nhảy lầu tự vẫn gây chấn động trong thời gian gần đây. Việc giữ gìn sức khoẻ cho các em học sinh đang là vấn đề cấp bách cần có sự quan tâm đặc biệt của người thân và giáo viên.

>>> Học sinh cần "sàng lọc" để lựa chọn người phù hợp thay vì chỉ thi trắc nghiệm
>>> Bộ GDĐT đưa ra 2 phương án thử nghiệm cho mùa tuyển sinh Đại học năm 2018
>>> Chốt phương án thi THPT Quốc gia năm 2018

“Chạy” cấp tốc cho kì thi ĐH

Vào thời điểm kì thi gần kề, Trường THPT Đào Duy Anh, Q.11, TPHCM cơ bản đã kết thúc chương trình học chính thức, tập trung vào việc ôn thi THPT. Trường chỉ có 2 lớp 12, mới đây tách thành 3 lớp giúp các em ôn thi hiệu quả hơn. Ngoài việc ôn ban ngày, học sinh còn phải ôn vào ban đêm theo kế hoạch của trường. Việc ôn thi vẫn không thể tránh vòng quay ôn bài, kiểm tra, làm bài thử... để củng cố kiến thức cho học sinh. Không chỉ vậy, nhiều em học sinh còn đi học gia sư để củng cố lại và bổ sung thêm kiến thức để thi cử.

Đại diện trường chia sẻ, năm nay ĐH Quốc gia cho thêm cả kiến thức lớp 11 vào bài thi, nên các giaó viên và các em học sinh đang cố gắng hết sức mới có thể “đuổi” theo kịp.

Đại điện nhà trường cũng bày tỏ, có nhiều môn thi trong kỳ thi THPT theo Bộ GD&ĐT là trắc nghiệm hoàn toàn. Nhưng trong thi học kỳ, Sở GD&ĐT TPHCM lại yêu cầu phải theo tỷ lệ 80/20 hoặc 60/40 cho trắc nghiệm/tự luận. Thành ra việc học, kiểm tra của các em cũng ít nhiều gặp khó khăn.

Tại Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, để giúp học trò chủ động trong ôn tập, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã chỉ đạo các tổ bộ môn chuẩn bị đề cương ôn tập, bộ câu hỏi trắc nghiệp và các chuyên đề ôn tập lồng ghép, tích hợp các kiến thức của lớp 11 vào. Vậy nhưng, thời điểm này, thầy trò vẫn phải tăng tốc cho kỳ thi.

Vào thời gian buổi chiều, học sinh dồn lực ôn tập và tăng số tiết theo đăng ký bài thi tổ hợp với hình thức cuốn chiếu. Trong việc ôn luyện, thầy Hà Hữu Thạch -Hiệu trưởng nhà trường cho biết, các em học tới đâu sẽ có một bài kiểm tra nhanh khoảng 30 phút (1 tuần có 2 bài). Thông qua các bài kiểm tra, giáo viên bộ môn sẽ nắm được kiến thức của học sinh, phát hiện em nào hổng kiến thức thì phải củng cố ngay trong tiết học sau đó.

Theo dự kiến của trường, vào ngày 28/5 tới, sau khi kết thúc năm học, nhà trường sẽ có tổ chức đợt thi thử giống như các khâu trong kỳ thi thật cho học sinh. Theo thầy Hà Hữu Thạch, kỳ thi thử của trường trước hết giúp học sinh tập dượt, làm quen, giúp giáo viên nắm rõ khả năng ôn tập của học sinh để kịp thời bổ sung trong thời gian còn lại trước kỳ thi. Bên cạnh đó, cũng để giáo viên của trường thực hành nghiệp vụ coi thi đã được tập huấn trước đó. Theo thỏa thuận với phụ huynh, nhà trường kết thúc việc ôn tập cho học sinh trước 1 tuần của kỳ thi.

Tại Trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh, để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, học sinh trải qua hai đợt thi thử cho học sinh khối 12. Đợt 1 vào cuối học kỳ 1 vừa rồi và đợt hai dự kiến vào đầu tháng 6 tới. Ngay từ đầu năm học, trường lên kế hoạch ôn tập cụ thể cho học sinh và dự kiến, chương trình ôn tập của trường đến ngày 16/6.

Đau đầu vì thi cử

Với kinh nghiệm nhiều năm làm quản lý ở các trường THPT, ThS Trần Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Anh bày tỏ, việc thi cử không ổn định, thay đổi hàng năm, cách thay đổi lắt nhắt rất áp lực cho thầy và trò. Như thời điểm này, học sinh rất vất vả đến học lại kiến thức lớp 11 và năm sau dự kiến là sẽ đưa cả kiến thức lớp 10 vào.

Theo đánh giá thầy Kiên, có những việc lẽ ra cần đơn giản thì chúng ta đang làm cho phức tạp thêm. Việc học bây giờ quan trọng nhất là trang bị cho các em khả năng tư duy, sáng tạo, lập luận, nắm bắt vấn đề chứ không chỉ tập trung vào việc các em nắm được bao nhiêu kiến thức một cách lan man, bao nhiêu con số.

Thế nhưng thi cử giờ thêm kiến thức khối 11, rồi lại sắp thêm khối 10, thầy Kiên đánh giá là nặng nề thêm phần kiến thức, việc học thuộc máy móc, kiến thức nặng nề chỉ khiến cho thầy trò quay như chong chóng chẳng thể phát triển khả năng tư duy của các em học sinh một cách đúng cách.

Thầy Trần Trung Kiên nhận định: "Mọi người cứ phê phán học thêm nhưng trong điều kiện thi cử như hiện nay, không thể không học thêm". Lo ngại trước áp lực học tập đến với học sinh khối 12, mới đây, dù đang thời điểm ôn thi rất căng, Trường THPT Đào Duy Anh phải thu xếp tổ chức chuyên đề nhằm giải tỏa áp lực tâm lý cho các em.

Trước sự việc đau lòng học sinh của trường nhảy lầu tự vẫn vì áp lực học tập gây chấn động mới đây, thầy Lê trọng Tín - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến, TPHCM chia sẻ đúng là việc giáo dục lâu nay của nhà trường còn nặng về việc học, thời gian học dài và môi trường học tập nghiêm khắc, nên chưa thật sự quan tâm sâu sát đến vấn đề tâm lý của các em.

Tuy nhiên, thầy Tín cũng bày tỏ rằng, trong điều kiện hoàn cảnh thi cử như hiện nay, không gò bò, không bắt ép, không ôn luyện căng thẳng thì các em không thể nào thi đỗ được. Để đạt được lựa chọn cho các em học sinh cũng như mong muốn của phụ huynh và giáo viên, thầy trò vẫn phải tập trung, dốc sức cho việc dạy và học.

Theo Dân Trí