Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh
Qua 2 năm học vẫn… nợ
HS nghèo các xã 135 ở Yên Bái còn bị nợ hơn 10 tỷ đồng tiền hỗ trợ từ năm học 2009-2010 đến nay khiến nhiều em gặp khó khăn, không thể tới lớp.
Huyện “nợ” học sinh lâu nhất là Văn Chấn. Đầu tháng 1.2010, UBND huyện ra Quyết định số 05/QĐ-UBND bổ sung dự toán hỗ trợ tiền học. Theo đó, Trường Tiểu học và THCS xã Suối Quyền và Cát Thịnh mới được cấp 4 tháng tiền hỗ trợ của học kỳ I và 3 tháng của học kỳ II năm học 2008 - 2009, Trường Tiểu học và THCS Sùng Đô được cấp 4 tháng của học kỳ I năm học 2008 – 2009…
Nhiều học sinh ở huyện Văn Chấn bị “nợ” tiền hỗ trợ theo chính sách.
Các trường tiểu học trên địa bàn huyện thuộc các xã: Nậm Mười, An Lương, Suối Bu, Suối Giàng, Cát Thịnh, Phúc Sơn, Sùng Đô mới được cấp hỗ trợ 2 tháng (tháng 9 và tháng 10) của năm học 2009- 2010. Các trường tiểu học còn lại mới được hỗ trợ 1 tháng (tháng 9).
Sau quyết định này, các khoản tiền hỗ trợ lại tiếp tục bị… nợ. Thầy giáo Nguyễn Mạnh Hiền - Hiệu trưởng Trường THCS Suối Giàng cho biết: “Năm học 2010- 2011, nhà trường có 42 học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ 140.000 đồng/em/tháng nhưng đến 16.8.2011, nhà trường mới nhận được 4 tháng hỗ trợ, còn 5 tháng nữa chưa được cấp. Lúc đó, một số em lớp 9 đã ra trường, nhà trường phải thông báo để gia đình đến nhận tiền hỗ trợ cho các em. Như vậy, khoản tiền các em được nhận đã không còn ý nghĩa là hỗ trợ học tập nữa”.
Cùng nhận định này, thầy Lương Văn Tuấn - Hiệu phó Trường Tiểu học - THCS xã Suối Bu phản ảnh: “Từ năm học 2007- 2008 đến năm học 2010- 2011, hầu như năm nào các em cũng bị nợ tiền hỗ trợ. Vì thế mà tiền không được sử dụng hiệu quả. Đầu năm học nhiều khoản cần chi tiêu thì không được cấp, đến gần Tết mới cấp, vì vậy một gia đình có nhiều con đi học được nhận trên 2 triệu đồng thì mang về ăn tết gần hết”.
Tại Trường THCS xã Suối Bu, có 229 học sinh thuộc diện được hưởng tiền hỗ trợ đi học thì tới thời điểm này các em mới nhận được 4 tháng tiền hỗ trợ đi học năm học 2010 – 2011, còn thiếu 5 tháng chưa được hỗ trợ.
Thoát nghèo vẫn được hỗ trợ
Hệ lụy của tình trạng này là học sinh bỏ học. Cô giáo Nguyễn Thị Lim - Phó hiệu trưởng Trường Mầm non xã Mồ Dề cho biết: “Do không được chi trả kịp thời tiền hỗ trợ, phụ huynh đã đến thắc mắc nhiều lần và cương quyết không cho con đi học. Giáo viên đi vận động cho con em họ ra lớp còn bị tránh mặt".
Tình trạng các gia đình khá giả vẫn được hưởng chính sách, hoặc học sinh bỏ học vẫn được lập danh sách hưởng hỗ trợ còn khá nhiều. Cụ thể như tại 2 xã Nậm Lành, Phúc Sơn (huyện Văn Chấn), năm học 2008 - 2009 có 23 học sinh mầm non, tiểu học và THCS là con em các hộ đã thoát nghèo vẫn được thụ hưởng chính sách. Tại xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên có 6 em đã bỏ học mà vẫn có trong danh sách nhận tiền hỗ trợ.
Lý giải cho thực tế này, ngành giáo dục Yên Bái cho rằng, nguyên nhân là do trình độ của cán bộ xã, thôn, bản còn nhiều hạn chế nên việc lập danh sách học sinh từ thôn, bản được hưởng chế độ theo Quyết định 112 chưa sát với thực tế.
Hầu hết các trường không nhận được công văn hướng dẫn cụ thể để xác định đối tượng được hưởng thụ, phạm vi áp dụng, trình tự thực hiện nên gặp khó khăn khi lập danh sách học sinh thuộc diện chính sách. Tuy nhiên, Sở GDĐT Yên Bái cũng chưa có giải pháp nào giúp các trường và học sinh nhận hỗ trợ đúng hạn. Những hệ lụy này cần sớm được giải quyết dứt điểm để chính sách hỗ trợ của Nhà nước thật sự phát huy hiệu quả.
Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế
Kenhtuyensinh (Theo: tienphong)