Đó là nhận định của PGS.TS Đoàn Văn Điều - Khoa Tâm lý Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TPHCM với báo Đất Việt.
Phân biệt xã hội ngay trong trường học
PV:- Liên Sở GD-ĐT và Sở Tài chính Hà Nội vừa có tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao (CLC) trên địa bàn Thủ đô.
Theo đó, mức đề xuất mức trần học phí tăng cao nhất là 5,3 triệu đồng/học sinh/tháng vào năm học 2019 - 2020. Phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020 đầu tư xây dựng thêm 20 trường công lập CLC, tiếp cận với chuẩn khu vực và quốc tế. Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về chủ trương và mức học phí này?
PGS.TS Đoàn Văn Điều: - Ở tất cả các nước trên thế giới, thị phần dịch vụ giáo dục chất lượng cao là của các trường tư. Còn trường công về cơ bản đảm bảo chất lượng đại trà, đáp ứng chỗ học của đông đảo nhân dân thuộc tất cả các tầng lớp.
Cho nên nếu đưa ra hai loại trường công thì đúng là tội cho các học sinh nghèo, tại sao sống trong một đất nước giáo dục bằng nhau mà lại có sự phân biệt người học chỗ tốt, người học chỗ kém hơn.
Trường công vốn sử dụng Ngân sách Nhà nước, từ tiền thuế đóng góp của toàn dân, dành cho toàn dân, nay một số trường công chuyển thành CLC, học phí cho một em bằng 30-50% lương trung bình của một công chức thành phố bình thường (gia đình thường có 2 con đi học). Vậy những gia đình không có điều kiện theo mức học phí đó thành vô tình bị “loại trừ” ra khỏi hệ thống trường công này.
Tự nhiên trong hệ thống trường công lại tồn tại lợi ích nhóm, có sự phân hóa xã hội, có 2 đẳng cấp trong nhà trường giàu - nghèo. Như vậy, mô hình này vô tình tạo điều kiện cho một nhóm người có được ngân sách nhà nước đầu tư trường công lập để hưởng thụ một chất lượng giáo dục cao hơn.
Mở rộng hệ thống trường công chất lượng cao
Chỉ cần đặt phép tính, cả thành phố HN có bao nhiêu học sinh cần đi học, mà có 25 trường CLC thì dạy được bao nhiêu em, hay chỉ là dạy cho người giàu có, dĩ nhiên nếu đã là gia đình có điều kiện, họ sẽ tính toán, giả sử nếu cho con đi ra nước ngoài học có thể 1 năm đóng 30.000 USD, ở đây học 3000 USD thì bình thường.
Nhưng thực sự, chương trình giảng dạy cũng là của Bộ GD-ĐT, dành cho tất cả các học sinh, chứ không riêng học sinh giàu hay nghèo. Một điểm nữa, tôi thấy lạ khi giáo viên thì vẫn là nhà nước đào tạo ra bằng tiền thuế của toàn bộ nhân dân, do dân đóng góp để được hưởng dịch vụ công trong giáo dục nhưng ở đây thì họ không được hưởng.
Chắc hẳn sẽ nhiều phụ huynh nghĩ rằng, với cơ sở trường thì cơ sở được đầu tư đẹp hơn, gắn các máy móc thiết bị điện tử hoành tráng, nhưng có ai biết rằng, muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì chất lượng giáo viên mới có vai trò quyết định.
PV:- Trước đây, khi HN đưa ra chủ trương xây dựng 35 trường công CLC ở các cấp với mức học phí lên đến 2,9 - 3 triệu đồng/tháng, nhận được khá nhiều sự phản đối của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng chủ trương này đã vi phạm quyền bình đẳng tiếp cận với hệ thống giáo dục công của học sinh Hà Nội, dịch vụ này chỉ phục vụ cho học sinh nhà giàu.
Điều này đồng thời vi phạm điều 10, Luật Giáo dục Việt Nam, đã là trường công là đã được Nhà nước bao cấp bằng tiền đóng thuế của nhân dân. Nếu xây dựng trường công chất lượng cao mà chỉ con nhà giàu mới có thể theo học thì có nghĩa là bắt dân nghèo đóng thuế để cung ứng dịch vụ công cho một bộ phận người giàu.
Thế nhưng, các ý kiến phản biện này dường như không được lắng nghe, HN lại tiếp tục tăng thêm học phí của trường công CLC, hành động này theo ông đã sai quan điểm giáo dục ra sao? Xin ông phân tích cụ thể?
PGS.TS Đoàn Văn Điều: - Đây chính là biểu hiện sự thao túng của một nhóm người, biến chỗ họ làm trở thành một thứ xuất sắc, rồi viện theo nhiều thứ lý thuyết, đầu tiên phục vụ người nghèo, tạo sự bình đẳng ngang bằng cho trẻ để phát huy hết khả năng của mình, nhưng sau đó lại thay đổi.
Chúng ta chắc ai cũng nhớ câu nói :"Tôi có một mong muốn tột cùng đó là dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành". Giáo dục thuộc về đại chúng chứ không phải giáo dục cho người giỏi, người khá giả.
Đất nước ta còn nhiều người khó khăn, dĩ nhiên có tiền thì ai cũng muốn con sướng, nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện.
Việc người nghèo cũng đóng thuế mà cuối cùng lại đi phục vụ cho một số nhà giàu, như vậy là không công bằng, giáo dục của nhà nước, của nhân dân đóng góp không thể chỉ phục vụ cho một nhóm người. Người ta sẽ đặt câu hỏi vì sao cũng đóng tiền như vậy mà lại không được hưởng nền giáo dục công bằng, thay vào đó là phân chia giai tầng về học phí cũng như chất lượng.
Theo Đất Việt, tin gốc: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/hoc-phi-truong-cong-hn-toi-53-trieu-chi-day-nguoi-giau-3324868/