Học kỳ I năm học 2020 - 2021, tỉnh Lào Cai được tiếp nhận 1.636.905 kg gạo từ nguồn dự trữ quốc gia. Hoạt động hỗ trợ, cấp phát gạo cho học sinh đã thể hiện là chủ trương nhân văn, đúng đắn, sự quan tâm, chăm sóc đến người dân vùng khó khăn của Đảng, Nhà nước.
> Sai sót trong Sách giáo khoa lớp 1 cần được tiếp thu cầu thị
> Chia sẻ yêu thương đến với trường học vùng lũ Quảng Bình
Việc hỗ trợ gạo của Chính phủ tiếp thêm động lực cho học sinh vùng khó khăn đến trường
Dựa lưng vào dãy núi Ma Cha Va hùng vĩ nơi biên cương địa đầu Tổ quốc ở độ cao hơn 2.000m, xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai được biết đến là nơi vùng biên đặc biệt khó khăn.Do địa hình phức tạp, tập quán sinh hoạt, canh tác lạc hậu vẫn phổ biến nên cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi “đỉnh trời” vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bữa ăn, tấm áo hàng ngày vẫn là gánh nặng đối với nhiều người Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì… Trong gian khó, sự quan tâm của Đảng, Chính phủ thể hiện qua việc hỗ trợ gạo cho học sinh ở nơi đây càng trở nên trân quý, thắm đượm đạo lý sống tương thân tương ái truyền thống của dân tộc.
Cuộc sống đối diện với nhiều khó khăn
Mới cuối tháng 10 mà vùng biên cương cực Bắc của Tổ quốc trời đã trở lạnh. Sương núi mờ mịt bao phủ không gian phần lớn thời gian trong ngày. Ở độ cao hơn hai nghìn mét so với mực nước biển, đỉnh trời Y Tý quanh năm mây trời bao bọc. Thời điểm giao mùa, mây càng dày đặc, cái rét như cứa vào da thịt khi thiếu chăn áo ấm, phá hoại rau màu, quật ngã gia súc… Bao năm sinh sống giữa núi rừng, tập quán phát nương làm rẫy, săn bắn, thu hái lâm sản để sinh tồn đã ăn sâu vào tâm thức đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao nơi đây. Vì vậy khi tài nguyên rừng cạn kiệt cũng là lúc cuộc sống bà con đối diện với muôn vàn khó khăn, thiếu đói.
Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các nhà hảo tâm, diện mạo kinh tế - xã hội địa phương đã từng bước có sự đổi thay đáng mừng. Đường vào bản được bê tông hóa, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, kiên cố đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhân dân. Cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện nhưng cuộc chiến với đói nghèo, lạc hậu của người dân vùng biên của Tổ quốc vẫn còn rất nhiều cam go. Khi miếng cơm, manh áo vẫn là nỗi lo thường nhật thì việc học của trẻ nhỏ bị xếp xuống hàng thứ yếu.
Những năm trước, việc trẻ em Y Tý không đến trường hoặc nghỉ học hàng loạt những khi giáp hạt diễn ra khá phổ biến. Thậm chí, nhiều gia đình còn gửi con đến trường học rồi để mặc cho thầy cô giáo lo, không đóng góp kinh phí, lương thực, thực phẩm. Thời gian gần đây cùng với việc thay đổi nhận thức, quan tâm đến việc học của con em như hướng mở triển vọng, bền vững để thoát đói, giảm nghèo, việc được nhận gạo hỗ trợ của Chính phủ đã tạo động lực, tiếp thêm niềm tin cho nhiều học sinh Y Tý được theo học.
Hơn 6.804 học sinh được nhận gạo hỗ trợ
Thực hiện nhiệm vụ được giao, đoàn công tác của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Vĩnh Phú đã vượt hàng trăm cây số đường đèo để đến thăm, kiểm tra công tác tiếp nhận, sử dụng gạo hỗ trợ của Chính phủ tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Y Tý. Thầy giáo Nguyễn Văn Thanh - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Đời sống người dân vùng biên cương còn vất vả, thiếu thốn lắm. Trường hiện có 570 học sinh, trong đó có 396 cháu ở bán trú, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì, gia đình phần lớn thuộc diện nghèo. Nếu không có gạo hỗ trợ của Chính phủ, các cháu sẽ rất khó để tiếp tục theo học…”.
Không như các trường miền xuôi, cùng với nhiệm vụ giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho học sinh theo chương trình, kế hoạch chung của Bộ Giáo dục, các thầy cô giáo trong trường còn tất bật với việc lo từng bữa ăn, giấc ngủ, chăm sóc các học sinh ở bán trú như con em trong nhà. Vừa làm thầy vừa làm cha mẹ, ngoài giờ lên lớp, soạn giáo án, các thầy cô còn tăng gia lao động, trồng rau, nuôi gà… để cải thiện bữa ăn hàng ngày cho gần 500 học sinh đang tuổi ăn, tuổi lớn. Khó nhọc, vất vả là thế nhưng ai cũng thấy vui, ấm áp khi nhìn những gương mặt trẻ thơ rạng ngời với mỗi bữa ăn ngon, tiết học lý thú.
Học kỳ I năm học 2020 - 2021, tỉnh Lào Cai được tiếp nhận 1.636.905 kg gạo từ nguồn dự trữ quốc gia do Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Vĩnh Phú cấp. UBND tỉnh đã có Quyết định phân bổ gạo hỗ trợ cho từng địa phương, trường học với số lượng cụ thể, đảm bảo mỗi học sinh được nhận 15 kg theo quy định. Toàn huyện Bát Xát có 6.804 học sinh có tiêu chuẩn nhận gạo với tổng số lượng phân bổ 297.855 kg.
Hoạt động hỗ trợ, cấp phát gạo cho học sinh là nghĩa cử cao đẹp, không những thể hiện chủ trương nhân văn, đúng đắn, sự quan tâm, chăm sóc đến người dân vùng khó khăn của Đảng, Nhà nước mà còn là đạo lý sống tốt đẹp “lá lành đùm lá rách” của dân tộc. Không chỉ làm ấm lòng học sinh nghèo vùng cao, mỗi cân gạo hỗ trợ còn là niềm tin, tiếp thêm động lực để các em phấn đấu đến trường, lập thân, lập nghiệp. Nghĩa tình từ các hành động cao đẹp đã và đang thắp sáng “đỉnh trời” Y Tý, chắp cánh cho những ước mơ, khát vọng trong sáng bay cao, vươn xa...
Theo Thời báo Tài chính