HN: Học sinh lớp 12 sẽ thi học kì I giống như thi THPT Quốc gia

Học sinh sẽ được tập dượt như thi THPT Quốc gia

Học sinh lớp 12 sẽ được tập dượt

Mới đây, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn kiểm tra học kì I lớp 12 áp dụng với tất cả các trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố.

Theo đó, kì kiểm tra này giống hoàn toàn cách thức tổ chức thi THPT quốc gia năm 2017 của Bộ GD- ĐT. Đó là, tổ chức kiểm tra 5 bài, trong đó có 3 bài độc lập (toán, ngữ văn, tiếng Anh), hai bài tổ hợp là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. 4/5 bài kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm. Mỗi học sinh trong cùng phòng có một mã đề kiểm tra riêng, làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm…

Mỗi học sinh trường THPT dự kiểm tra bốn bài, trong đó có ba bài kiểm tra bắt buộc và một bài kiểm tra tự chọn; mỗi học viên giáo dục thường xuyên phải kiểm tra ba bài, trong đó có hai bài bắt buộc.

Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu việc tổ chức coi, chấm kiểm tra phải đảm bảo theo đúng quy chế thi THPT quốc gia của Bộ. Sở GD-ĐT ra đề kiểm tra theo nội dung chương trình quy định, bám sát cấu trúc, mức độ đề thi của kì thi THPT quốc gia, phạm vi kiến thức theo kế hoạch dạy học.

Bài kiểm tra môn văn được rọc phách, các bài kiểm tra trắc nghiệm được chấm tập trung theo đơn vị cụm trường THPT. Kết quả của bài kiểm tra được sử dụng làm điểm kiểm tra học kì I cho học sinh lớp 12.

Theo ông Chử Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cách làm này nhằm tập dượt để các nhà trường và học sinh làm quen với cách thức thi THPT năm 2017.

Để chuẩn bị cho hình thức thi mới, ông Vũ Quốc Bình, Hiệu trưởng THPT Việt Đức, Hà Nội cho biết, ngay khi Bộ có phương án thi mới, trường đã họp các tổ bộ môn để có những cách học, cách ôn tập phù hợp. Do đó, việc thi học kì theo hình thức mới là cách học sinh tập dượt với kì thi THPT quốc gia đã được nhà trường xác định cho học sinh trong quá trình học.

Ông Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi, quận Long Biên (Hà Nội) cũng cho biết khoảng giữa tháng 12 trường sẽ tổ chức kiểm tra học kì với năm bài thi như quy định của kì thi THPT quốc gia. Giáo viên được giao ra đề theo cấu trúc đề minh họa. Kì kiểm tra sẽ được tổ chức nghiêm ngặt, đảm bảo không có học sinh quay cóp để đánh giá chất lượng học sinh.

Nên ôn thi tập trung hơn là đầu tư dàn trải

Nhiều lãnh đạo các trường THPT trên địa bàn Hà Nội cho rằng, theo quy chế mới, Bộ GD-ĐT tạo điều kiện cho học sinh đăng kí cả năm bài thi nhưng sau đợt thi thử học kì I, trường sẽ đánh giá năng lực học sinh và sẽ có những định hướng cụ thể cho học sinh.

Không ít giáo viên môn Giáo dục Công dân, Lịch sử và Toán vẫn còn bày tỏ sự lo lắng bởi kì thi năm nay có nhiều đổi mới sẽ ảnh hưởng không tốt đến kết quả thi của thí sinh. Những giáo viên này đều bối rối trong việc tìm kiếm tài liệu, đề thi để luyện đề cho hoc sinh, nhất là khi Bộ GD-ĐT tuyên bố sẽ không phát hành tài liệu ôn thi.  Dù đã được Bộ GD-ĐT cho đi tập huấn nhưng thời gian tập huấn không nhiều đối với một hình thức thi mới, vì thế nên nhiều giáo viên vẫn cảm thấy chưa thực sự tự tin.

Về quy chế thi, học sinh có thể được đăng kí thi nhiều bài thi, bài nào điểm cao hơn sẽ được lấy, cô Trần Thu Hà, trường THPT Trương Định, Hà Nội cho biết, học sinh nên chọn môn thi dựa vào thế mạnh của mình. Bởi nếu phải ôn thi nhiều môn một lúc sẽ khiến cho kết quả của tất cả các môn chưa chắc đã cao, kể cả môn thế mạnh của mình.

Thầy Nguyễn Đức Trường, giáo viên trường THPT Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội cũng cho rằng: “Từ khi Bộ Giáo dục công bố phương án thi đến nay giáo viên phải tự đổi mới cách dạy lẫn phương pháp ra đề còn học sinh cũng vừa học vừa lo luyện đề trắc nghiệm để rèn kĩ năng nhanh nhạy chạy đua với thời gian làm bài thi. Chính vì thế, dù quy chế mới cho phép thí sinh có thể đăng kí năm bài thi nhưng theo tôi học sinh nên tập trung ôn tập sáu môn lợi thế để đạt điểm cao hơn là đầu tư dàn trải”.

Theo Dân việt, tin gốc: http://danviet.vn/tin-tuc/hn-hoc-sinh-lop-12-se-thi-hoc-ki-i-giong-nhu-thi-thpt-quoc-gia-730782.html