Đằng sau vị trí hiệu trưởng một trường ĐH tư thục với mức lương cao ngất là những áp lực phải gánh vác để xứng đáng với nhiệm vụ mà mình được giao.
> Hàng loạt trường đại học tư thục thay hiệu trưởng mới
> Vì sao hàng loạt trường đại học tư thục thay hiệu trưởng?
Những đêm mất ngủ
Tiến sĩ Đàm Quang Minh, người vừa chuyển giao chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân (Thừa Thiên-Huế), từng là hiệu trưởng của các Trường ĐH FPT, Thành Tây, Phú Xuân. Cả 3 trường này đều là trường ĐH tư thục với những áp lực riêng.
Tiến sĩ Đàm Quang Minh vừa thôi vị trí Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Xuân (Thừa Thiên-Huế)
Tiến sĩ Đàm Quang Minh kể khi mới bắt đầu với “nghề hiệu trưởng” Trường ĐH FPT, ông đã từng có những đêm mất ngủ. Bắt đầu chức vụ vừa phải lo rất nhiều thứ trong trường vừa phải đảm bảo thực hiện tốt những yêu cầu của Hội đồng quản trị (HĐQT). Điều đó khiến ông khá áp lực. Tuy nhiên, càng về sau, khi đã quen, ông đã xem nghề hiệu trưởng như nghề giám đốc và những áp lực phải đối mặt là chuyện đương nhiên. Vả lại, chọn tâm thế nhẹ nhàng yêu đời khi làm hiệu trưởng thì công việc cũng sẽ nhẹ nhàng.
“Đằng sau một hiệu trưởng trường ĐH tư thục hiện nay là áp lực tăng trưởng, áp lực chất lượng, áp lực đổi mới. Ba thứ áp lực đó mỗi hiệu trưởng phải đối mặt hằng ngày. Tùy giai đoạn mà áp lực nào sẽ lớn hơn. Tuy nhiên, thông thường thì áp lực tuyển sinh/tăng trưởng là thường xuyên nhất. Các áp lực này cũng tùy thuộc nhiều vào mỗi chủ sở hữu trường đặt lên vai của mỗi hiệu trưởng mình thuê”, tiến sĩ Minh chia sẻ.
Khi học phí là nguồn thu duy nhất
Vì sao tuyển sinh/tăng trưởng của một trường ĐH tư thục thường được xem là áp lực lớn nhất?
Một hiệu trưởng trường ĐH tư thục vừa nộp đơn xin nghỉ cho biết khi đầu tư vào một trường ĐH, gần như nguồn thu duy nhất của chủ đầu tư là học phí sinh viên. Với các trường mà người chủ đã đầu tư rất nhiều kinh phí để xây dựng cơ sở, trả lương cao mời lãnh đạo, giảng viên giỏi... nguồn thu hằng năm cũng phải nằm trong mức kỳ vọng. Trách nhiệm tuyển sinh ở một định mức đặt ra được giao lại cho các hiệu trưởng.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chuyển giao hiệu trưởng Ngày 24.11, PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng đã chính thức chuyển giao chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Ông là người khai sinh, lèo lái trường từ Trường Kinh tế - Kỹ thuật - Nghiệp vụ bán công Nguyễn Tất Thành (năm 2002) lên Trường CĐ Nguyễn Tất Thành (2005) và sau đó là Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (2011). Người thay thế ông là tiến sĩ Trần Ái Cầm, trước đó là phó hiệu trưởng thường trực nhà trường. Trước mắt, tiến sĩ Cầm sẽ là quyền hiệu trưởng nhà trường. |
Cũng theo nguyên hiệu trưởng này, mức lương của hiệu trưởng cũng được thỏa thuận phần lớn từ trách nhiệm về định mức tuyển sinh đó (bên cạnh một số nhiệm vụ khác cũng như quy mô nhà trường). Mặt bằng chung lương hiệu trưởng hiện nay đã vượt hơn 100 triệu đồng/tháng, thậm chí gấp 3 lần con số này. Nhưng áp lực cũng lớn lên tương ứng theo mức lương hiệu trưởng nhận được.
“Hiệu trưởng còn có thể chịu một áp lực khác rất dễ xảy ra là mâu thuẫn về phương hướng phát triển với chủ đầu tư. Khi tôi làm hiệu trưởng, hoàn thành nhiệm vụ tuyển sinh rất tốt, thậm chí vượt hơn kỳ vọng. Tuy nhiên, sau đó phương hướng phát triển nhà trường của tôi và nhà đầu tư không thống nhất được với nhau. Điều này dẫn đến việc tôi nộp đơn xin nghỉ việc”, nguyên hiệu trưởng này cho biết.
Hiệu trưởng trường công không dễ thành công ở trường tư
Từng là phó hiệu trưởng của hai trường ĐH tư thục ở VN, có thời gian chứng kiến cách làm việc của các hiệu trưởng khác nhau, GS Trương Nguyện Thành (ĐH Utah, Mỹ) cho rằng dĩ nhiên là khi làm trường tư, áp lực của hiệu trưởng khá lớn. Tuy nhiên, ở đây có 2 vấn đề. Một là nhân sự có thể đảm nhận vị trí hiệu trưởng trường ĐH tư thục hiện nay rất ít ỏi. Vì vậy, đa số các chủ đầu tư phải mời lãnh đạo trường ĐH công lập sang làm hiệu trưởng trường ĐH tư thục. Sự khác biệt giữa lãnh đạo trường công và hiệu trưởng trường tư mới là vấn đề dẫn đến nhiều câu chuyện khác đang diễn ra.
Cách nào giảm áp lực ? Theo GS Trương Nguyện Thành, để giảm áp lực thì các hiệu trưởng trường ĐH tư thục phải đưa ra kế hoạch tuyển sinh trong khoảng thời gian dài. Kế hoạch này phải minh chứng được trường có khả năng phát triển bền vững và có lãi. Tùy theo tình hình kinh tế và tình hình hằng năm có thể điều chỉnh kế hoạch đó. |
“Kinh nghiệm lãnh đạo trường công có thể không giúp ích nhiều trong việc quản lý và lãnh đạo trường tư, nơi được xem như một cơ sở kinh doanh. Một bên nhận kinh phí nhà nước và một bên cần kinh doanh có lãi đưa tới vấn đề giải pháp, cách giải quyết vấn đề khác nhau. Áp lực ở trường tư là có mục tiêu như một doanh nghiệp. Mà doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải có lãi. Nếu không có lãi thì không thể duy trì được, trường sẽ không cạnh tranh được, sẽ “chết”. Trong khi đó, vì không có được nguồn kinh phí nào từ nguồn khác dẫn đến áp lực tuyển sinh rất cao ở trường tư. Áp lực này không có ở trường công, lãnh đạo trường công chưa phải quan tâm nhiều vấn đề này trước đó nên khi họ bước vào làm hiệu trưởng trường tư thì có thể dẫn đến sự “lệch pha”. Việc này đưa đến mâu thuẫn về quan điểm giữa HĐQT trường tư và lãnh đạo có kinh nghiệm của các trường công chuyển sang làm hiệu trưởng”, GS Trương Nguyện Thành nhận định.
Theo Thanh Niên